Tin tức

Giảm nhẹ rủi ro thiên tai: Đầu tư hôm nay cho ngày mai an toàn hơn 25/05/2011


Rất nhiều chương trình quản lý rủi ro thiên tai hướng đến tăng cường năng lực cho các địa phương, lấy cộng đồng dân cư làm nòng cốt cho các hoạt động ứng phó tức thời và lâu dài. Rõ ràng, khi thiên tai cận kề, chính người dân ở những vùng rốn lũ, tâm mưa có khả năng ứng phó nhanh, kịp thời nhất, nếu họ được trang bị kiến thức. Những mô hình đã được thực hiện tại Tiền Giang và Đồng Tháp có thể là những bài học hay khi phòng chống thiên tai trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến khó lường.

Mô hình câu lạc bộ truyền thông sống chung với lũ ở 24 xã thuộc Tiền Giang, Đồng Tháp được thực hiện từ hơn 4 năm qua đã mang đến những hướng dẫn cụ thể cho người dân vùng lũ. Với 20 bài học đơn giản được in thành sổ tay, rồi được giảng giải, dựng thành phim, các buổi sinh hoạt ngay tại  nhà  người dân đã giúp họ có thêm nhiều hiểu biết. Chị Nguyễn Thị Đào, Cán bộ Hội Phụ nữ xã Phước Lập,  huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang cho biết, thông qua cuốn sổ tay sống chung với lũ, các hoạt động truyền thông khác như sinh hoạt câu lạc bộ, chiếu phim, người dân đã biết tác hại của lũ. "Chúng tôi đã thay đổi bằng cách tiết kiệm lúa, gạo, tiền, biết nam cần làm gì, nữ cần làm gì khi mùa lũ đến, biết chăm sóc người già, người khuyết tật. Trước đây thì chưa có ai hay tài liệu nào nói đến".

Thời điểm trước khi lũ về, tháng 9 - tháng 10 hàng năm, các xã nên tiến hành diễn tập cảnh báo bão, lũ khẩn cấp. Tổ chức phi Chính phủ Oxfam (Anh) đã tổ chức mô hình này tại 13 xã thuộc tỉnh Đồng Tháp.

Bà Trần Thị Hậu, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp cho rằng, cuộc diễn tập đã giúp cho các xã có ý thức chủ động hơn trong công tác ứng phó với lũ, trong việc di dời dân, cứu người tại những chỗ ngã 3 kênh rạch khi chìm xuồng hay là tình huống vỡ đê. Cụ thể hóa phương châm "bốn tại chỗ" và huy động được sự tham gia của người dân cùng với lực lượng cán bộ xã trong công tác ứng phó khi có tình huống cứu người, vỡ đê… Kịch bản diễn tập đề cập đến các tình huống như : Chằng chống nhà cửa, di dời dân, cứu hộ cứu nạn, bảo vệ bờ bao ao cá, xây dựng nơi trú tránh bão tại chỗ.

"Người lớn, con nít gì cũng cần phải học bơi cho biết bơi. Tai nạn đuối nước có chừa ai đâu. Mấy chị lớn tuổi đừng có ngại ngùng, cứ đi học bơi để bản thân mình an toàn, vì đây là vùng sông nước mà, khi có lũ lại càng nguy hiểm hơn".  Đây là lời bà Phạm Thị Sang, 63 tuổi, ấp Lợi Nhơn, xã Mỹ Lợi B, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang  sau  khi tham gia khóa tập bơi cho phụ nữ và trẻ em. Những  khóa dạy bơi cho người dân đã được nhiều đơn vị triển khai, làm tăng khả năng sống chung với lũ của người dân vùng lũ.

 Liên Hợp Quốc vừa tổ chức Diễn đàn toàn cầu về giảm nhẹ rủi ro thiên tai với chủ đề "Đầu tư hôm nay cho một ngày mai an toàn hơn: Tăng đầu tư cho các địa phương hành động". Ở Việt Nam, hưởng ứng Ngày Giảm nhẹ rủi ro thiên tai 22/5, "Sáng kiến mạng lưới vận động chính sách chung" (JANI) sẽ tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao kiến thức về giảm thiểu rủi ro cho người dân tại Nghệ An (ngày 24/5), Kon Tum (ngày 24/5), Huế (ngày 24 và 25/5), Đà Nẵng (ngày 26/5) và Quảng Trị (ngày 28/5).


Nguồn tin:http://www.monre.gov.vn