Tin tức

Ứng phó với biến đổi khí hậu, biến thách thức thành cơ hội 01/11/2011

0
Trận lũ lớn và kéo dài tại Đồng Bằng Sông Cửu Long vừa qua làm 49 người chết, hơn 88.000 ngôi nhà chìm trong nước, gần 23.100 ha lúa bị ngập úng, thiệt hại vật chất ước tính trên 1.400 tỉ đồng.

Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thuỷ văn vào đầu tháng 11 vùng hạ lưu sẽ xuất hiện đợt triều cường mới với đỉnh triều ở mức cao hơn đỉnh triều tháng 9. Trong thời điểm hiện nay, nhiều tỉnh miền Trung cũng đang gồng mình trong mưa lũ, thiệt hại nhiều về người và của. Rõ ràng những tác động của biến đổi khí hậu ngày càng tác động sâu sắc làm thay đổi mọi mặt của đời sống xã hội không chỉ ở nước ta mà còn ảnh hưởng đến nhiều quốc gia khác trên thế giới. Bằng chứng là lũ lụt nghiêm trọng đang diễn ra tại thủ đô Bang Kok của Thái Lan, thiệt hại ước tính trên 6 tỉ USD. Trước đó, là trận bão khủng khiếp đổ vào Philipines, lụt ở Campuchia, Myanmar. Cảnh báo về nguy cơ thiếu lương thực tại khu vực Đông Nam Á trong thời gian tới không còn là điều xa vời.


Ảnh: VOV
Tại nước ta, Đồng Bằng Sông Cửu Long là một trong 3 đồng bằng của thế giới chịu tác động lớn nhất. Từ trước đến nay, người ta vẫn nói nhiều về những thách thức mà nước ta phải đối mặt, nhiều hoạt động thích ứng cũng đã được triển khai, tuy nhiên chính trong thách thức này đã mở ra nhiều cơ hội mới nếu vận dụng bài bản những kế hoạch ứng phó phù hợp. Trong suốt 2 năm qua, Bộ tài nguyên và môi trường phối hợp với các cơ quan có liên quan thông qua nhiều diễn đàn huy động được hơn 1,2 tỷ USD tài trợ quốc tế cho các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt nam. Đáng chú ý là 500 triệu USD từ Nhật bản, 250 triệu USD từ Quỹ công nghệ sạch cho các dự án giao thông đô thị và năng lượng, 100 triệu USD cho chương trình quản lý lâm nghiệp từ chính phủ Na Uy. Bên cạnh đó, nhiều chương trình tài trợ khác đang được đàm phán, thoả thuận. Ông Phạm Văn Tấn - Phó vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế, Bộ Tài nguyên và môi trường cho biết:

Hiện tại, các nước phát triển cam kết trong từ năm 2010 đến năm 2012 huy động khoảng 30 tỷ đô la cho khoảng 150 nước đang phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu, từ năm 2020 con số này sẽ được nâng lên 100 tỷ USD mỗi năm. Từ những nguồn vốn này có thể đầu tư chuyển giao công nghệ xanh, năng lượng sạch cũng như thay đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, nghiên cứu về dịch bệnh, phát triển rừng phòng hộ đầu nguồn và rừng ngập mặn. Hiện một số dự án đã được triển khai tại các tỉnh. PGS TS Trần Thục - Viện trưởng viện khí tượng thuỷ văn và môi trường nhấn mạnh:

Tuy vậy, các nhà khoa học cũng lo ngại, trong thời gian tới, nếu không có những sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành địa phương trong hoạt động giảm thiểu tác động thì cơ hội của nước ta có thể bị mất do sự thay đổi chính sách tài trợ cũng như quan điểm của quốc tế về giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu. Ông Lê Công Thành, Chánh văn phòng chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu đưa ra một vài ví dụ như quy trình kỹ thuật trồng lúa nước theo phương pháp truyền thống hiện nay phát thải khí các bon khá nhiều do bón phân quá liều lượng, tưới tiêu không hợp lý, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tuỳ tiện, đốt rơm rạ sau khi thu hoạch. Hay như các cáo buộc trong việc nuôi cá tra và cá ba sa gây ảnh hưởng đến môi trường đã được đặt ra từ bấy lâu nay rất bất lợi cho nền nông nghiệp của ta. Ngoài ra, một xu hướng đến từ những quốc gia phát triển để giảm phát thải khí nhà kính, họ lựa chọn phương án chuyển nhà máy sản xuất ra khỏi lãnh thổ. Việt nam đang được xem là điểm đầu tư an toàn và nhân công rẻ, đây vừa là lợi thế vừa là thách thức nếu không xem xét kỹ những dự án đầu tư gây hại cho môi trường. Trách nhiệm này không của riêng ai mà cần sự phối hợp đồng bộ với các giải pháp mang tính khu vực. Ông Kỳ Quang Vinh - Chánh Văn phòng biến đổi khí hậu tại TP Cần Thơ chia sẻ:

Trong khi nhiều nước trên thế giới đang quyết liệt thực hiện ứng phó với biến đổi khí hậu như khẩu phần cacbon mà mỗi người dân tại Anh chỉ được phép thải ra môi trường hay việc đánh thuế Carbon vào mỗi tấn khí thải CO2 sẽ áp dụng tại Pháp vào tháng 1, ở Úc vào tháng 7/2012 thì tại nước ta điều này vẫn còn mới mẻ. Cứ ngỡ biến đổi khí hậu còn ở đâu đó xa xôi cũng như ứng phó với nó là trách nhiệm của chính quyền thì thật là không phải. Với những gì mà thế giới hàng ngày chứng kiến thì ngay bây giờ, mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và kể cả người dân cần chủ động nắm bắt cơ hội để phát triển và hạn chế những mặt trái do biến đổi khí hậu gây ra.

Nguồn tin:http://tintuc.xalo.vn