Tin tức

Xây dựng Luật Khí tượng Thủy văn - Mở rộng phạm vi, tăng tính liên kết 23/11/2011

0
Trọng tâm công tác xây dựng văn bản pháp luật về khí tượng thủy văn (KTTV) trong năm 2012 là xây dựng Luật Khí tượng Thủy văn, tạo hành lang pháp lý đủ mạnh, toàn diện để quản lý lĩnh vực ngày càng có vai trò quan trọng trong phát triển bền vững.

Văn bản pháp lý về KTTV đã lạc hậu
 
Bà Nguyễn Thị Bình Minh, Phó Cục trưởng Cục KTTV và Biến đổi khí hậu cho biết, việc xây dựng Luật KTTV hiện nay rất cần thiết, bởi các văn bản luật liên quan đến lĩnh vực này có nhiều song phân tán và không còn phù hợp với tình hình phát triển của ngành, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Lĩnh vực KTTV hiện được điều chỉnh bởi 8 văn bản do Quốc hội và Chính phủ ban hành, 4 văn bản của các Bộ, ngành và 5 Thông tư do Tổng cục KTTV (trước đây) ban hành với văn bản  có tính pháp lý cao nhất, đề cập đầy đủ nhất đến các lĩnh vực hoạt động KTTV là Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình KTTV 1994. Qua 17 năm thực hiện, Pháp lệnh này bộc lộ rất  nhiều hạn chế.

Theo nghiên cứu tổng hợp của Cục KTTV và Biến đổi khí hậu, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Pháp lệnh chỉ  bó hẹp đối với việc khai thác và bảo vệ công trình KTTV, mới chú trọng đến mạng lưới quan trắc và thu thập số liệu. Khái niệm "công trình KTTV" được đề cập đến chủ yếu nói về công trình, đài trạm. Về tư liệu chủ yếu mới đề cập đến số liệu lưu trữ, chưa đề cập đến sản phẩm chủ yếu của ngành theo nghĩa rộng là thông tin KTTV. Trong khi hoạt động KTTV hiện nay rất phong phú, từ quan trắc điều tra cơ bản đến truyền tin, dự báo, khai thác tư liệu... Thêm nữa, các qui định chủ yếu để áp dụng cho ngành KTTV, chưa bao quát phạm vi toàn xã hội, chưa chú ý đến các đặc thù của hoạt động KTTV chuyên dùng của các ngành.

Tính thực thi pháp lý chưa cao do tổ chức và cơ chế thực hiện chưa có nền tảng pháp lý và cơ chế tài chính cần thiết để thực hiện. Ví dụ, để quản lý việc sử dụng tư liệu KTTV điều 16-Nghị định 24/CP qui định "người nào sử dụng các tư liệu KTTV chưa đăng ký và đánh giá chất lượng vào các đề án và công trình nói trên mà để gây ra thiệt hại thì phải chịu trách nhiệm…". Nhìn chung những qui định chưa có các biện pháp thực thi đi kèm.

Theo Phó Cục trưởng Nguyễn Thị Bình Minh, các văn bản pháp luật hiện nay về KTTV đều dựa trên trình độ công nghệ quan trắc của ngành KTTV cách nay đã 10 -15 năm, khi đó quan trắc chủ yếu bằng phương pháp thủ công.

"Trong điều kiện biến đổi của khí hậu toàn cầu đã được ghi nhận với những biểu hiện ngày càng rõ ràng hơn, thiên tai ngày một khốc liệt hơn, đòi hỏi các quy định về pháp luật KTTV phải mở rộng phạm vi, có tính liên kết với công tác phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu...", bà Minh nói.

2011: Thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập Luật KTTV

Theo Trưởng phòng Kinh tế, Pháp chế và Chính sách (Cục KTTV và Biến đổi khí hậu) Nguyễn Trần Linh, Luật KTTV đã được Quốc hội khóa XIII đưa vào Chương trình chuẩn bị năm 2012. Trong năm 2011, Bộ TN&MT sẽ thành Ban soạn thảo và Tổ biên tập để triển khai nhanh việc xây dựng Luật vào năm 2012.

Từ năm 2009, Cục đã dịch, nghiên cứu, tham khảo Luật Khí tượng, Thủy văn của một số quốc gia, vùng lãnh thổ như Nga, Trung Quốc, Đài Loan, Australia. Các chuyên gia luật về KTTV cũng đã trao đổi, khảo sát thực tiễn về việc xây dựng Luật điều chỉnh lĩnh vực KTTV tại Trung Quốc, Hồng Kông, Philippines.
 

Luật KTTV cần mở rộng phạm vi điều chỉnh mọi hoạt động KTTV

Từ các hoạt động nghiên cứu và khảo sát thực tiễn, các chuyên gia KTTV đã đưa ra một số quan điểm chính có thể áp dụng xây dựng Luật KTTV. Đó là các hoạt động KTTV mang tính chất phục vụ phòng chống thiên tai góp phần bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân và toàn xã hội cũng như an ninh quốc phòng nên phải có một cơ quan Nhà nước chịu trách nhiệm.

Cơ quan KTTV Nhà nước cần có vai trò chủ chốt bảo đảm cung cấp các thông tin KTTV phục vụ phòng chống thiên tai và an ninh quốc phòng, thiết lập hệ thống quan trắc, thu thập số liệu và dự báo chủ yếu, đồng thời Nhà nước khuyến khích các ngành, các tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động KTTV nhằm xã hội hóa các hoạt động KTTV, đáp ứng các yêu cầu đa dạng của kinh tế - xã hội.

Việc đối tượng phạm vi cũng được mở rộng, Nhà nước cần thống nhất quản lý các hoạt động KTTV trong cả nước bao gồm các công tác: Quan trắc, thu thập, chỉnh lý, lưu trữ số liệu, dự báo KTTV, cung cấp và truyền phát các sản phẩm KTTV đến mọi đối tượng sử dụng.

Nhà nước phải đề ra các khuôn khổ pháp lý và chủ trương, chính sách phát triển hạ tầng KTTV, đào tạo phát triển nguồn nhân lực phục vụ ứng dụng và phát triển hoạt động KTTV.

Các chuyên gia cho rằng, cần phân loại rõ các sản phẩm của hoạt động KTTV để có điều chỉnh cho sát. Theo đó, các sản phẩm này nên phân thành hai loại: Loại phục vụ công cộng và phòng chống thiên tai được cung cấp miễn phí và được phổ biến rộng rãi, loại phục vụ chuyên dùng được coi như một loại hàng hóa lưu thông trong xã hội.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và biến đổi khí hậu toàn cầu, Luật cần thể hiện quan điểm mở rộng trao đổi thông tin KTTV quốc tế, hợp tác quốc tế về KTTV thực hiện trên cơ sở các hiệp định quốc tế nước ta đã ký kết và lồng ghép vấn đề biến đổi khí hậu.

Dự kiến, các vấn đề cần được hướng dẫn cụ thể để thực hiện Luật sẽ có việc phê duyệt trạm KTTV chuyên dùng; quy định về điều kiện, trình độ chuyên môn và các vấn đề liên quan khác đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động KTTV; cấp phép và đăng ký hoạt động KTTV; giới hạn đối với việc xây dựng các công trình xung quanh trạm quan trắc KTTV, ra-đa thời tiết và trạm thu thông tin từ vệ tinh khí tượng; kiểm định thiết bị đo KTTV; thu thập, quản lý, khai thác, sử dụng dữ liệu, thông tin về KTTV; cung cấp thông tin, dữ liệu KTTV; quản lý và vận hành các hồ chứa; mức báo động lũ.

Nguồn tin:http://www.monre.gov.vn