Tin tức

Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu: Đạt 45% độ che phủ rừng ngập mặn vào 2020 09/01/2013

0
Đây là một trong những mục tiêu của Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây cũng được xem như động thái cấp thời để Việt Nam ứng phó với nguy cơ biến đổi khí hậu - thách thức nghiêm trọng nhất đối với toàn nhân loại nói chung và Việt Nam nói riêng.


Nước biển dâng 1m, tổn thất 10% GDP

Những con số được các chuyên gia cảnh báo cho thấy VN là một trong những nước sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Cụ thể nếu mực nước biển dâng cao 1m, sẽ có khoảng 40% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long, 11% diện tích Đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các tỉnh khác thuộc vùng ven biển sẽ bị ngập. Trong đó, TPHCM sẽ bị ngập trên 20% diện tích; khoảng 10 - 12% dân số nước ta bị ảnh hưởng trực tiếp và tổn thất khoảng 10% GDP...

Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu cũng cho thấy VN coi biến đổi khí hậu là một thách thức nặng nề song cũng là cơ hội cho phát triển bền vững. Tại Hội nghị cấp cao Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP17/CMP7) tại thành phố Durban, Nam Phi diễn ra từ 28.11 - 9.12.2011, Trưởng đoàn VN - Thứ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà - đã có cuộc gặp song phương với Phó đặc phái viên về biến đổi khí hậu của Tổng thống Hoa Kỳ Jonathan Pershing trao đổi về việc triển khai hợp tác giữa VN và Hoa Kỳ trong việc thực hiện sáng kiến “Phát triển phát thải cácbon thấp” (LEDS).

Tại cuộc gặp với Thứ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản Naoko Ishii, Thứ trưởng Trần Hồng Hà cũng thảo luận tăng cường hợp tác giữa Nhật Bản và VN trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là việc Nhật Bản hỗ trợ tài chính cho chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu tại VN.

Những việc cần làm ngay

Biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng không nhỏ đến VN. Vì vậy ngoài việc thực hiện từng bước 4 mục tiêu lớn của chiến lược, trước mắt VN phải tập trung chủ động ứng phó với thiên tai và giám sát khí hậu. Đây là 1 trong 10 nhiệm vụ chiến lược của Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu. Cụ thể đến năm 2015, phải hoàn thành việc xây dựng hệ thống giám sát biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Nâng thời hạn dự báo bão, không khí lạnh lên đến 3 ngày với độ chính xác ngang mức tiên tiến của khu vực Châu Á để có thể cảnh báo sớm, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Đồng thời rà soát, xây dựng các quy hoạch phát triển, quy chuẩn xây dựng trong vùng thường xuyên bị thiên tai phù hợp với điều kiện gia tăng thiên tai do biến đổi khí hậu; củng cố, xây dựng các công trình phòng, chống thiên tai trọng điểm cấp bách; nghiên cứu và triển khai các giải pháp cụ thể để phòng, chống hiệu quả thiên tai, lũ quét và sạt lở ở vùng núi.

Bên cạnh đó một việc hết sức cấp thiết là nâng cao chất lượng rừng, trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc bảo đảm khai thác hiệu quả các loại rừng để duy trì và nâng cao khả năng phòng, chống thiên tai, chống sa mạc hóa, xâm thực, suy thoái đất; tăng cường bảo vệ, quản lý và phát triển rừng ngập mặn, các hệ sinh thái đất ngập nước; phấn đấu đến 2020 nâng độ che phủ của rừng lên 45%.

4 mục tiêu của Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu

1. Đảm bảo an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, xóa đói giảm nghèo, bình đẳng giới, an sinh xã hội, sức khỏe cộng đồng, nâng cao đời sống, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
2. Nền kinh tế cácbon thấp, tăng trưởng xanh trở thành xu hướng chủ đạo trong phát triển bền vững.
3. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm và năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu của các bên liên quan; phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực; hoàn thiện thể chế, chính sách...; tận dụng các cơ hội từ biến đổi khí hậu để phát triển kinh tế - xã hội.
4. Góp phần tích cực với cộng đồng quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu...



Nguồn tin:Theo Lao động