Tin tức

Xây dựng cơ sở dữ liệu không gian 3 chiều Đình Chu Quyến 24/02/2014

0
Tháng 12/2013 Viện Bảo tồn Di tích – Bộ Văn hoá Thông tin Thể thao và Du lịch đã chính thức xây dựng cơ sở dữ liệu không gian 3 chiều (3D Dimension Database) toàn bộ Đình Chu Quyến dựa trên công nghệ quét laser 3 chiều mặt đất (3D Laser Scanning).







Một số hình ảnh đình Chu Quyến
Đình Chu Quyến, còn gọi là đình Chàng, là một ngôi đình cổ, có niên đại thuộc cuối thế kỷ 17. Là ngôi đình tiêu biểu cho kiến trúc gỗ dân gian truyền thống của Việt Nam thời Lê Trung Hưng (Hậu Lê). Đình Chu Quyến là ngôi đình thuộc làng Châu Chàng (tên nôm là làng Chàng) xã Chu Minh, huyện Ba Vì Hà Nội ngày nay.

Đình Chu Quyến có mặt bằng kiểu "chữ Nhất" (一), tức là hình chữ nhật chạy dài 30m, với kiến trúc 3 gian 2 trái, diện tích 395m2, kết cấu khung gỗ rường truyền thống, với đầy đủ 6 hàng cột: 2 hàng cột cái (đường kính 60-81cm), 2 hàng cột quân (50 cm), 2 hàng cột hiên (50 cm), đối xứng với nhau qua trục dọc nhà. Khung cột kiểu "Thượng thu hạ thách". Bốn cột cái lớn gian giữa (chính điện) có đường kính tới 81 cm. Hai đầu hồi cũng có 1 hàng cột hiên ở mỗi hồi, quay vuông góc với hàng cột cái, và các cột hiên này nằm cùng trục dọc với 6 hàng cột dọc. Hàng cột hiên đỡ hệ thống kẻ bẩy ở 4 phía mặt đình. Các kẻ hiên được nối liền, gác lên các cột quân. Nối giữa các đỉnh cột quân với cột cái, là các rường cụt, và cột cái với nhau là hệ thống xà, vì kèo giá chiêng kiểu chồng rường con nhị (nhị, 二). Trên hệ kết cấu khung gỗ: kẻ bảy, rương cụt, ván nong (ván măng),... là những tác phẩm điêu khắc dân gian tinh xảo, miêu tả các cảnh chọi gà, gảy đàn, hát múa dân gian, người cưỡi hổ, cưỡi ngựa, các họa tiết trang trí linh vật như: phượng mẹ và đàn phượng con, rồng là đề tài chủ đạo ở đây và được thể hiện bằng nhiều cách khác nhau. Kết cấu nóc là kiểu 4 mái dốc (hai mái dốc chính và hai mái phụ vuông góc che 2 trái và 2 hiên đầu hồi), với 4 đầu đao vút cong thanh thoát ở 4 góc mái. Trên mái là hệ thống tượng điêu khắc bằng gốm thể hiện các linh vật: con xô, con kìm nóc (cá hóa rồng) trên các bờ nóc, góc mái, đầu đao.

Đình Chu Quyến, một trong những ngôi đình có kiến trúc điển hình của đình làng cổ Việt Nam.

QUY TRÌNH CÔNG NGHỆ ÁP DỤNG TẠI ĐÌNH CHU QUYẾN

Dựa trên những đặc điểm vượt trội và những tính năng cao cấp của công nghệ quét laser 3 chiều mặt đất, sử dụng công nghệ tiến tiến này phục vụ quá trình thu thập số liệu và ghi nhận hình dạng hình học không gian 3 chiều của Đình Chu Quyến. Ngoài máy quét laser 3 chiều mặt đất, trong quá trình triển khai thực địa kết hợp với các thiết bị đo truyền thống khác như máy toàn đạc, máy định vị vệ tinh GPS, máy đo khoảng cách laser cầm tay và máy chụp ảnh kỹ thuật số DSLR.

Quy trình công nghệ tổng quan được mô tả trong sơ đồ dưới đây:



 

THÀNH QUẢ BƯỚC ĐẦU


Sau quá trình xử lý nắn ghép toàn bộ 68 trạm quét, toàn bộ mô hình không gian 3 chiều của Đình Chu Quyến dưới dạng đám mây điểm 3 chiều (3D PointCloud). Đám mây điểm cũng được màu hoá bằng cách ghép các ảnh chụp độ phân giải cao nhằm làm nổi bật tình trạng hiện thời cũng như các hoa văn chạm khắc mang tính đặc thù trong kiến trúc tổng thể của Đình.

Ngoài mô hình đám mây điểm 3 chiều cấu thành cơ sở dữ liệu không gian Đình Chu Quyến phục vụ cho lưu trữ và bảo tồn dưới dạng số, chúng tôi cũng đã xử lý thử nghiệm một số hợp phần trong Đình để tạo các bản vẽ 2 chiều và 3 chiều. Với việc xây dựng thành công cơ sở dữ liệu không gian 3 chiều như đã tiến hành với Đình Chu Quyến, toàn bộ các bước khảo sát chi tiết phục vụ cho thiết kế trùng tu và xây dựng các công trình hoàn toàn không cần thiết nữa, cơ sở dữ liệu không gian 3 chiều có khả năng cung cấp tất cả các thông tin cần thiết liên quan tới kích thước và hiện trạng, toàn bộ các phép đo đều được tiến hành trực tiếp trên mô hình của cơ sở dữ liệu này.
 
 KẾT LUẬN

Về cơ bản toàn bộ cơ sở dữ liệu không gian 3 chiều Đình Chu Quyến đã được xây dựng hoàn chỉnh với độ chính xác cao (tới mm), toàn bộ kích thước của các hợp phần cơ bản cấu thành, cũng như hiện trạng của ngôi Đình hàng trăm năm tuổi này đã được ghi nhận lại một cách đầy đủ và lưu trữ an toàn đề phòng những trường hợp rủi ro có thể xảy ra. Thành công của việc tái dựng lại toàn bộ Đình Chu Quyến, trong không gian 3 chiều là tiền đề quan trọng mở ra cơ hội triển khai nhanh trên diện rộng tất cả các điểm di sản đang xuống cấp nghiêm trọng, hoặc bị đe doạ mất đi vĩnh viễn theo thời gian.

Với những đặc điểm khác biệt của công nghệ quét laser 3 chiều mặt đất như tốc độ triển khai nhanh, độ chính xác cao, đảm bảo đầy đủ thông tin, tái hiện lại trong mô hình không gian 3 chiều với kích thước đầy đủ … đây chắc chắn sẽ là lựa chọn phù hợp nhất để triển khai trên diện rộng cho một Quốc gia sở hữu nhiều điểm di sản quan trọng như Việt Nam. Tuy nhiên thông qua việc triển khai tại Đình Chu Quyến, chúng tôi nhận thấy, để có thể hoàn thiện quy trình công nghệ cũng như thu thập đầy đủ số liệu đối với các công trình bảo tồn có nhiều chi tiết hoa văn kích thước nhỏ, cần phải đầu tư bổ sung các máy quét laser cự ly gần độ chính xác cao để có thể ghi nhận những chi tiết nhỏ nhất.



Nguồn tin: Theo KH&HTQT tổng hợp