Tin tức

Thống nhất quản lý các hoạt động đo đạc và bản đồ - Cần công cụ pháp lý đủ mạnh 09/12/2011

0
Để việc thống nhất quản lý ngành đo đạc và bản đồ theo kịp quy mô hoạt động ngành ngày càng lớn và tốc độ xã hội hóa ngày càng nhanh, Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam đang tiến hành sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 12/NĐ-CP/2002 về hoạt động đo đạc bản đồ (ĐĐBĐ). Trao đổi với Báo TN&MT, Cục trưởng Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam Nguyễn Tuấn Hùng (ảnh) cho biết:

- Theo tôi, hiện có 5 khó khăn bất cập trong việc thống nhất quản lý hoạt động ĐĐBĐ.

Thứ nhất là,  bất cập về chính sách quản lý, đặc biệt trong việc quản lý kế hoạch, quản lý các sản phẩm ĐĐBĐ do các Bộ, ngành khác thực hiện, tránh lãng phí ngân sách do đầu tư chồng chéo. 

Nghị định 12/CP quy định về phân cấp triển khai nhiệm vụ về ĐĐBĐ chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý của các Bộ, ngành, tuy nhiên, không quy định rõ về cơ chế quản lý, kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước về ĐĐBĐ đối với các hoạt động này. Các văn bản pháp quy về ĐĐBĐ đều là văn bản dưới Luật, chế tài chưa có hoặc không đủ mạnh nên dường như chưa đủ sức nặng, hiệu quả thi hành pháp luật không cao, đa số các Bộ, ngành xem nhẹ hoặc thực hiện không nghiêm quy định về báo cáo. Các vi phạm không bị xử lý dẫn đến thực trạng các Bộ ngành chưa thật sự coi trọng việc thực thi các VBQPPL do cơ quan quản lý Nhà nước về ĐĐBĐ ban hành.

Đối với địa phương, các Sở TN&MT cấp tỉnh mới chỉ tập trung đến công tác quản lý hoạt động đo đạc và bản đồ phục vụ quản lý đất đai, còn việc kiểm tra, giám sát các hoạt động ĐĐBĐ chuyên ngành khác trên địa bàn hầu như bị bỏ ngỏ.

Thứ hai là, bất cập trong quản lý các tổ chức hoạt động ĐĐBĐ trong điều kiện mở rộng xã hội hóa hoạt động này. Hiện cả nước đã có hơn 900 tổ chức được cấp phép hoạt động ĐĐBĐ, trong đó khoảng 700 tổ chức thuộc các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước, đòi hỏi Nhà nước cần phải xây dựng một môi trường pháp lý tốt, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh của các tổ chức tham gia vào hoạt động ĐĐBĐ.

Thứ ba là, các chính sách quản lý, cung cấp, bảo mật thông tin dữ liệu ĐĐBĐ chưa theo kịp với sự gia tăng mạnh mẽ của các loại hình sản phẩm ĐĐBĐ. Trong bối cảnh kinh tế thị trường hội nhập quốc tế, việc quản lý công tác xuất bản, phát hành, trao đổi quốc tế, xuất, nhập khẩu thông tin, dữ liệu ĐĐBĐ trong điều kiện vừa phải đáp ứng các nhu cầu xã hội vừa đảm bảo các nguyên tắc bảo mật Nhà nước cũng là một thách thức lớn cho công tác quản lý.

Thứ tư là, tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước về ĐĐBĐ từ Trung ương đến địa phương chưa đồng bộ. Hiện nay, cơ cấu tổ chức của các sở TN&MT còn chưa phù hợp với yêu cầu của công tác quản lý Nhà nước về ĐĐBĐ. Phần lớn các Sở TN&MT không có phòng chức năng riêng để quản lý hoạt động ĐĐBĐ, mà thường gộp chung với một số lĩnh vực khác.

Thứ năm là, đầu tư của Nhà nước cho công tác quản lý ngành còn hạn chế, nguồn kinh phí của Nhà nước dành cho hiện đại hóa công sở, đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý ngành từ Trung ương đến địa phương chưa cao.
 
 Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 12/2002/NĐ-CP sẽ có những đổi mới căn bản nào để khắc phục những bất cập này, thưa Cục trưởng ?

- Trước hết là về quản lý kế hoạch ĐĐBĐ, dự thảo sửa đổi theo hướng xác định rõ hơn vai trò, trách nhiệm cơ quan quản lý Nhà nước về ĐĐBĐ bắt đầu từ khâu lập dự án. Cụ thể, Bộ TN&MT có trách nhiệm thẩm định các hạng mục ĐĐBĐ thuộc các dự án do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tham gia ý kiến về sự cần thiết, phạm vi nhiệm vụ, giải pháp kỹ thuật công nghệ của hạng mục ĐĐBĐ thuộc các dự án do các Bộ, ngành phê duyệt; Sở TN&MT có trách nhiệm tham gia ý kiến về sự cần thiết, phạm vi nhiệm vụ, giải pháp kỹ thuật công nghệ của hạng mục ĐĐBĐ thuộc các dự án do UBND cấp tỉnh phê duyệt.

Dự thảo cũng sẽ quy định trách nhiệm phối hợp của Bộ TN&MT với các Bộ, ngành trong việc xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật về ĐĐBĐ chuyên ngành.

 
Đo GPS ở Đắk Mil

Về triển khai hoạt động ĐĐBĐ, trong lần sửa đổi này, Dự thảo sẽ quy định theo hướng khái quát: "Các Bộ, ngành có trách nhiệm triển khai công tác ĐĐBĐ thuộc phạm vi quản lý của Bộ, ngành theo chức năng và nhiệm vụ". Bởi lẽ theo quy định hiện nay, tại Điều 17 Nghị định số 12 phân công cụ thể trách nhiệm của 10 Bộ, cơ quan ngang Bộ đã dẫn đến việc không bao quát được hết trách nhiệm của từng Bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ được Chính phủ giao đồng thời không có tính ổn định lâu dài khi tên gọi, cơ cấu tổ chức của hầu hết các Bộ đã thay đổi dẫn đến chức năng, nhiệm vụ cũng thay đổi theo.

Về quản lý thông tin, dữ liệu, sản phẩm ĐĐBĐ, dự thảo bổ sung quy định về trách nhiệm của chủ đầu tư dự án trong việc giao nộp sản phẩm cuối cùng thuộc danh mục sản phẩm ĐĐBĐ cơ bản về Bộ TN&MT để thống nhất quản lý phục vụ mục đích khai thác sử dụng chung. Bên cạnh đó, bổ sung quy định về khai thác, sử dung: "Thông tin, dữ liệu, sản phẩm ĐĐBĐ do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cung cấp chỉ được sử dụng đúng mục đích khi yêu cầu và không được chuyển giao cho bên thứ ba để khai thác, sử dụng trừ trường hợp được sự đồng ý của cơ quan cung cấp".

 Xin trân trọng cám ơn ông !

Nguồn tin:http://www.monre.gov.vn