Tin tức

Gặp mặt báo chí về kết quả thực hiện dự án “Xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống trọng lực quốc gia” 02/04/2013

0
Được sự đồng ý của Bộ Tài nguyên và Môi trường, ngày 25/3 Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ đã phối hợp với Vụ Thi đua - Khen thưởng tổ chức gặp mặt các cơ quan thông tấn báo chí nhằm giới thiệu về kết quả thực hiện Dự án “Xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống trọng lực quốc gia




    Đây là Dự án quan trọng của lĩnh vực đo đạc và bản đồ, là một trong 10 sự kiện nổi bật của ngành Tài nguyên và Môi trường năm 2012. Đến dự buổi gặp mặt báo chí có đại diện của các Vụ; các cơ quan Tổng cục, Cục, Trung tâm, Viện trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường; các đơn vị ngoài Bộ và gần 50 cơ quan thông tấn báo chí.

    Hệ thống trọng lực quốc gia bao gồm hệ thống các điểm trọng lực cơ sở và mạng lưới trọng lực hạng I, được xây dựng nhằm bảo đảm việc cung cấp các số liệu điều tra cơ bản về trọng trường Quả đất trên lãnh thổ Việt Nam phục vụ thực hiện các nhiệm vụ khoa học - kỹ thuật thuộc một số ngành như: Đo đạc và Bản đồ; Địa chất và Khoảng sản; Khí tượng và Thủy văn; Biển và Hải đảo; An ninh- Quốc phòng...

    Trong gần 10 năm qua, Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ đã xây dựng được hệ thống trọng lực bao gồm: Hệ thống trọng lực cơ sở (trọng lực tuyệt đối) gồm 11 điểm, 29 điểm trọng lực hạng I, 120 điểm trọng lực vệ tinh, 02 đường đáy với tổng số 15 điểm, 548 điểm trọng lực điểm tựa (trọng lực hạng III) và 10.614 điểm trọng lực chi tiết với độ chính xác cao, kết nối các số liệu trọng lực chi tiết thu thập được Viện đã xây dựng được cơ sở dữ liệu trọng lực cho toàn bộ vùng đồng bằng, trung du Việt Nam.

    Các số liệu trọng lực giúp các nhà khoa học giải quyết nhiều nhiệm vụ khoa học cơ bản của ngành như tính toán, xác định mặt Quasigeoid độ chính xác cao, xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống tọa độ, độ cao quốc gia; nghiên cứu xác định biến thiên cục bộ của trường trọng lực Trái đất, làm rõ nguyên nhân và quy mô của tác nhân gây ra sự thay đổi, biến động của bề mặt trái đất và các tai biến tự nhiên như động đất, nước biển dâng, sự thay đổi của các dòng chảy; nghiên cứu chi tiết các lớp khoáng sản trong lòng quả đất phục vụ tìm kiếm khoáng sản và nghiên cứu xác định sự biến thiên cục bộ của trường trọng lực phục vụ dự báo tai biến thiên nhiên...

    Chủ trì buổi gặp mặt báo chí, PGS. TSKH Hà Minh Hòa – Viện trưởng Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ đã khẳng định “Với việc xây dựng hệ thống trọng lực quốc gia bằng phương pháp đo trọng lực tuyệt đối, Việt nam thuộc danh sách không nhiều nước có hệ thống trọng lực quốc gia hiện đại và có độ chính xác cao”.

    Các câu hỏi xung quanh về kết quả Dự án của các nhà báo tại bổi gặp mặt báo chí được PGS. TSKH Hà Minh Hòa – Viện trưởng Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ giải đáp ngay. Viện trưởng cho biết thêm, trong thời gian sắp tới, Viện sẽ tiến hành đo trọng lực vùng núi cũng như trên biển Đông của Việt Nam bằng phương pháp trọng lực hàng không.

    Tại buổi gặp mặt báo chí, Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ cũng giới thiệu về các hướng hoạt động, nghiên cứu chính của Viện: Nghiên cứu địa động lực tại Việt Nam; Hệ thống trọng lực quốc gia; Nghiên cứu cơ sở khoa học của việc hoàn thiện lưới độ cao quốc gia gắn với việc xây dựng hệ tọa độ động quốc gia; Chuyển đổi mặt biển tự nhiên DNSC08 MDT về hệ độ cao quốc gia; Thành lập cơ sở dữ liệu cho vùng đất ngập nước quốc gia; Hệ thống thông tin địa lý và thành lập bản đồ.

 Viện cũng giới thiệu về Dự án Khảo sát đo đạc, thành lập các loại bản đồ phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững vùng đất ngập nước Đồng Tháp Mười./

Nguồn tin:Theo vigac.vn