Tin tức

Phân loại rác tại nguồn - Lời giải xử lý rác thải sinh hoạt 10/05/2011

0
Sở Tài nguyên-Môi trường TPHCM phối hợp với các ngành chức năng phát động chương trình phân loại rác tại nguồn (PLRTN) tại chợ đầu mối nông sản Bình Điền. Đây là lần thứ hai chương trình này được triển khai tại TPHCM. Việc thực hiện thành công chương trình này sẽ giúp thành phố giảm thiểu lượng rác thải chôn lấp, giảm diện tích đất và kinh phí xử lý rác. Đặc biệt, một lượng lớn rác thải sẽ được tái chế thành sản phẩm có ích.

Giảm diện tích đất, tăng lợi nhuận từ rác

Theo ông Nguyễn Trung Việt, Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn Sở TN-MT TPHCM, trung bình mỗi ngày thành phố tiếp nhận khoảng 6.000 tấn rác. Nguồn chất thải này phát sinh chủ yếu từ các hoạt động sinh hoạt của 1,4 triệu hộ dân (gần 8 triệu người); 12.000 khu nhà hàng, khách sạn và các nhà máy; 400 khu hành chính công sở, chợ và siêu thị; 134 bệnh viện và 600 cơ sở y tế; 15 khu công nghiệp tập trung. Hiện 10%/tổng lượng rác này đang được tái chế thành phân compost. Số còn lại được xử lý bằng cách chôn lấp. Vì thế mà chỉ tính riêng diện tích đất dành cho chôn lấp rác đã và đang “ngốn” khoảng hơn 300ha diện tích đất của thành phố.

Điều đáng lo ngại là khối lượng rác không ngừng tăng liên tục 8-10%/năm. Trong khi đó, việc thu gom, vận chuyển toàn bộ khối lượng chất thải này còn nhiều bất cập. Một lượng nhỏ rác thải có thể tái chế được chuyển đến các cơ sở thu mua và tái chế phế liệu. Các cơ sở này thường hoạt động có quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu nên khả năng gây ô nhiễm môi trường rất cao. Về phía thành phố, việc xử lý rác thải cũng còn gặp nhiều khó khăn do chỉ mới có 2 nhà máy tái chế rác thải thành phân compost đi vào hoạt động là Công ty CP Vietstar và Công ty Tâm Sinh Nghĩa, công suất xử lý tổng cộng khoảng 2.000 tấn/ngày. Còn lại vẫn phải xử lý bằng phương pháp chôn lấp.




Ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Sở TN-MT, cho biết: TPHCM là một trung tâm lớn đang có tốc độ phát triển cao. Do vậy, việc triển khai tiếp chương trình PLRTN là hết sức cần thiết. Đây là cơ sở để hình thành và phát triển thị trường tái sử dụng, tái chế chất thải. Từng bước xã hội hóa thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nói chung; phát triển năng lượng sạch từ bãi chôn lấp rác; giảm thiểu khối lượng rác phát sinh cũng như áp lực xử lý chất thải cho thành phố.

Cần sự chung tay của cộng đồng

Trên thực tế, từ năm 2004, TPHCM đã thực hiện thí điểm chương trình PLRTN ở 6 quận là 1, 4, 5, 6, 10 và huyện Củ Chi. Theo đó, mỗi gia đình tham gia chương trình này đều có 2 thùng đựng rác. Một thùng đựng rác hữu cơ - chủ yếu là thực phẩm bỏ ra từ nhà bếp và một thùng đựng rác vô cơ. Việc này đã được các hộ dân trong khuôn khổ chương trình hưởng ứng và thực hiện khá tốt. Cho đến nay, chương trình tiếp tục mở rộng thêm tại nhiều quận huyện mới.

Ông Hồ Phước Hải, Giám đốc Công ty Quản lý kinh doanh chợ Bình Điền, cho biết, mỗi ngày, chợ Bình Điền thải ra khoảng 30-40 tấn rác, trong đó 90% là rác hữu cơ còn lại là rác vô cơ. Với tốc độ phát sinh chất thải như hiện nay, nếu không phân loại tại nguồn thì nguy cơ gây ô nhiễm ngày càng nhanh hơn. Những vấn đề môi trường phát sinh từ hoạt động chôn lấp rác như mùi hôi, nước rỉ rác ngấm vào lòng đất làm ô nhiễm nguồn nước đang đe dọa chất lượng sống của người dân. Do vậy, hạn chế tình trạng ô nhiễm này là việc làm cấp bách để cải thiện chất lượng môi trường sống của người dân. Tuy nhiên, để chương trình PLRTN đạt hiệu quả cần có sự chung tay hợp tác của tất cả mọi người. Về phía cơ quan chức năng phải hướng dẫn cụ thể cho từng người dân biết đâu là rác hữu cơ, rác vô cơ và nhất là phải giúp người dân thấy được những lợi ích của việc PLRTN. Có như vậy chương trình mới mong sớm có được kết quả.

Tiếp xúc với chúng tôi, rất nhiều tiểu thương chợ Bình Điền tỏ ra quan tâm tới chương trình này. Chị Hoàng Thị Lý, tiểu thương kinh doanh cua ghẹ, chia sẻ, đây là việc làm rất có ý nghĩa. Tuy nhiên, để có thể tạo thêm nhiều sự đồng thuận từ phía người dân, các cơ quan ban ngành cần phải có những kế hoạch cụ thể hơn như bố trí thêm nhiều thùng đựng rác. Mỗi thùng ký hiệu rõ chứa loại rác nào, tạo điều kiện thuận lợi để người dân dễ dàng phân loại. Cùng quan điểm với chị Lý, chị Thu Ánh, tiểu thương kinh doanh mặt hàng rau củ, cũng cho biết, nếu mình làm sạch được nơi mình kinh doanh thì quá tốt. Người mua sẽ thấy dễ chịu và thoải mái hơn. Song phải làm sao mà mọi người cùng tham gia thì mới hiệu quả, chứ người làm người không thì cũng không giải quyết được việc gì. PLRTN là việc nhỏ có ý nghĩa lớn. Thế nhưng để thay đổi được thói quen của mọi người cần phải tuyên truyền vận động lâu dài mới có thể nâng cao nhận thức cộng đồng.

Nguồn tin:http://www.vea.gov.vn