Tin tức

Phát triển năng lượng tái tạo - Cần sự hỗ trợ của Nhà nước 04/05/2011

0
Giải pháp phát triển năng lượng tái tạo để thay thế nguồn năng lượng từ các hóa thạch đã bị khai thác cạn kiệt đồng thời cũng là để giảm phát thải - một trong những nguyên nhân được coi là tác nhân gây hiệu ứng nhà kính, làm trái đất nóng dần lên, đã được nhiều nhà khoa học đưa ra. Thậm chí, tại sao giải pháp này vẫn chưa được triển khai mạnh mẽ trong thực tế, cũng đã được không ít nhà khoa học đề cập tới. Ý kiến của ông Hoàng Hữu Thận tuy vẫn phản ánh nội dung này song có khá nhiều nét mới.

Nhiều dạng năng lượng tái tạo

Loài người đã dành rất nhiều công sức tìm dạng năng lượng thay thế, gồm năng lượng nguyên tử, còn gọi là năng lượng (phân hạch) hạt nhân, là năng lượng được giải phóng khi hạt nhân nặng (uranium và plutonium) phân rã, năng lượng nhiệt hạch là năng lượng sản sinh ra ở phản ứng tổng hợp hạt nhân hydro nặng thành heli và năng lượng tái tạo. Năng lượng phân hạch hạt nhân có trữ lượng lớn, hầu như không phát tán thán khí, được các nước tập trung ưu tiên phát triển, đã thỏa mãn một lượng đáng kể nhu cầu năng lượng ở nhiều nước.

Tuy nhiên, sau một số sự cố nhà máy điện hạt nhân, nhiều nước đã thận trọng trong việc phát triển loại năng lượng này. Để sử dụng được năng lượng nhiệt hạch, cần kiểm soát được phản ứng tổng hợp hạt nhân hydro nặng nên con đường chinh phục nó còn cần một khoảng thời gian chưa xác định chính xác được.


Hệ thống pin mặt trời và năng lượng gió tại Khu Công nghệ cao TPHCM. Ảnh: THANH TÂM

Niềm hy vọng ở giai đoạn hiện nay hướng cả vào năng lượng tái tạo, gồm thủy điện, gió, mặt trời, sinh khối (gồm cả rác và chất thải nông nghiệp), thủy triều, sóng biển, địa nhiệt…

Thủy điện có nhiều ưu điểm trong sử dụng, có thể kết hợp mục tiêu thủy lợi, du lịch, cải thiện khí hậu… được các nước tập trung phát triển. Nhiều nước đã khai thác coi như hết trữ năng kinh tế. Nước ta đến sau 2020 cũng coi như không còn thủy điện để phát triển nhà máy mới. Dự án thủy điện lớn cũng có những ảnh hưởng môi trường cần được quan tâm giải quyết, trong đó chiếm đất làm hồ chứa và diễn biến hạ du là đáng quan ngại nhất.

Khi phát triển thủy điện, nếu kết hợp được thủy lợi (hạn chế đỉnh lũ, cấp nước tưới mùa khô) và khắc phục tốt các diễn biến môi trường sẽ trở thành nguồn năng lượng vô cùng quý giá. Trữ năng thủy điện nhỏ hiện nay còn khá dồi dào và cùng với việc tăng giá năng lượng, tính khả thi của các dự án này là khá lớn. Điều cần quan tâm khi phát triển thủy điện nhỏ và vừa là bảo vệ môi trường. Để tạo điều kiện phát triển thủy điện nhỏ và vừa cần quan tâm đến việc phát triển lưới điện thu gom và giá điện theo chi phí tránh được cần tính đúng, tính đủ.

Năng lượng sinh khối, gồm cả rác thải, chất thải nông – lâm nghiệp (trấu, lá ngô, thân, cành cây…) hiện là dạng năng lượng tiềm tàng, tương đối tập trung, công nghệ khai thác không phức tạp, vừa cấp năng lượng, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cần được ưu tiên khuyến khích phát triển. Tuy nhiên, trữ lượng của loại năng lượng này chỉ ở mức độ vừa phải, cho phép thay thế một phần không lớn năng lượng hóa thạch. Để tạo điều kiện phát triển dạng năng lượng này cũng cần giải quyết những vấn đề tương tự như thủy điện nhỏ và vừa.

Năng lượng gió nước ta có trữ năng không lớn. Do tính phân tán cả về không gian và thời gian, công nghệ khá phức tạp, lại tốn đất làm cánh đồng gió. Do nhu cần cấp bách tìm nguồn thay thế năng lượng hóa thạch, các nước đã tập trung nghiên cứu công nghệ phát điện gió và đạt được những tiến bộ rất cơ bản về động cơ gió và chế độ hòa lưới điện chung. Vấn đề còn lại là giá. Có 3 yếu tố giúp giảm giá điện gió là áp dụng công nghệ tiên tiến nhưng với giá thiết bị hợp lý, thực hiện dự án bằng cách tận dụng vật liệu địa phương và thiết kế tối ưu hóa và ưu đãi đầu tư. Nếu tính đủ các yếu tố theo thông lệ, giá điện gió có thể giảm nhiều, xuống xấp xỉ mặt bằng giá chung. Đó có lẽ là hướng đi đúng đắn để phát triển điện gió bên cạnh giải pháp ưu đãi giá ở mức nền kinh tế chấp nhận được.

Năng lượng mặt trời có trữ năng đủ thỏa mãn nhu cầu năng lượng của loài người. Cũng như năng lượng gió, do tính phân tán cả về không gian và thời gian nên công nghệ khai thác phức tạp, thiết bị đắt tiền. Nhà máy điện mặt trời dùng gương hội tụ có quy mô gần so sánh được với các nhà máy điện truyền thống, cũng phải qua một thời gian nữa mới có thể đủ điều kiện cho phép áp dụng phổ biến như các nhà máy điện truyền thống. Pin mặt trời hiện đang được tập trung phát triển và hứa hẹn nhiều triển vọng. Việt Nam vừa khởi công dự án sản xuất tấm pin mặt trời Mặt trời đầu tiên (First Solar) ở Củ Chi với quy mô 250 MW/năm, giá theo thông tin trên báo là 150 USD/85W, cỡ 2 200 USD/kW đặt. Giá thành điện năng tương ứng cỡ 13-15 cent Mỹ/kWh, nếu phấn đấu giảm chi phí để giảm giá tấm pin, sẽ mở ra một triển vọng rất lớn khai thác năng lượng mặt trời ở nước ta.

Các dạng năng lượng tái tạo khác như địa nhiệt, thủy triều, sóng biển, chênh nhiệt độ nước biển… được chú trọng nghiên cứu phát triển, nhưng còn nhiều hạn chế và quy mô tham gia cân bằng năng lượng không đủ lớn.

Hỗ trợ năng lượng tái tạo

Nên chăng, cần đặt một mức phụ cấp thu hút vào giá năng lượng tái tạo. Việc này làm giá bán bình quân sẽ tăng một lượng phụ thuộc và mức trợ giá. Phần tăng thêm sẽ phân cho các tải dùng nhiều năng lượng, để tạo ra thói quen sử dụng tiết kiệm năng lượng một cách triệt để. Chính giá điện còn mang tính bao cấp hiện nay (giá bán chưa đủ bù chi phí và có lãi để tái đầu tư trong hoàn cảnh nhà nước đã dành nhiều ưu đãi cho sản xuất điện) không khuyến khích tiết kiệm điện. Người ta có chủ trương chạy xe đạp điện vì giá điện rẻ hơn nhiều so với giá xăng. Nhiều công nghệ sản xuất hàng hóa không chú trọng đến tiết kiệm điện do chi phí điện chiếm một tỷ lệ khá nhỏ trong giá thành.

Việc áp dụng chính sách trợ giá thu hút cho năng lượng tái tạo và để giá điện tiếp cận giá thị trường đối với các hộ dùng nhiều điện sẽ giảm mức tăng nhu cầu điện, tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong cân bằng năng lượng quốc gia, nhờ đó sẽ làm giảm nhu cầu sử dụng năng lượng hóa thạch một cách thiết thực, hiệu quả, giúp khắc phục nạn khan hiếm năng lượng hóa thạch, hạn chế phát thải thán khí từ các nhà máy điện, góp phần quan trọng giải quyết vấn nạn thiếu điện.

Nguồn tin:http://www.sggp.org.vn