Tin tức

Phát triển đô thị thích nghi và ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam 21/04/2011

0
Ở nước ta, trong ¼ thế kỷ qua, cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là quá trình đô thị hóa tương đối nhanh. Tuy vậy, so với quá trình đô thị hóa trung bình của châu Á thì đô thị hóa ở nước ta chậm hơn khoảng 13 - 14 năm. Chính vì đô thị hóa đã làm suy thoái tài nguyên và ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng. Trong thời đại hiện nay, biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng (NBD) sẽ gây ra các tác động tiêu cực đối với xây dựng và phát triển đô thị, nếu không có giải pháp bảo vệ môi trường (BVMT) và ứng phó với biến đổi khí hậu thì sẽ không đảm bảo phát triển đô thị bền vững, nhất là đối với nước ta là một nước còn nghèo và là một trong 10 nước bị tác động của BĐKH và NBD mạnh nhất.

Phần lớn đô thị ở nước ta nằm ở vùng đồng bằng và ven biển, đặc biệt là các đô thị lớn, như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ..., với quy hoạch phát triển đô thị chưa tính đến BĐKH và NBD, chưa theo hướng xây dựng đô thị sinh thái, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội yếu kém nên rất dễ bị tổn thương dưới tác động của BĐKH do:

- Tốc độ phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đô thị chậm hơn rất nhiều so với tốc độ tăng dân số đô thị và tốc độ gia tăng phương tiện giao thông. Diện tích đất giao thông đô thị không đủ, mạng lưới đường giao thông phân bố không đồng đều, không bảo đảm chất lượng. Tại Hà Nội, diện tích đất giao thông chiếm khoảng 7,8%, mật độ đường đạt 3,89 km/km2; tại TP Hồ Chí Minh tương ứng là 7,5% và 3,88 km/km2. Trong khi đó ở nhiều thành phố tiên tiến trên thế giới, tỷ lệ diện tích giao thông chiếm tới 15 - 18%. Phương tiện giao thông cá nhân ở các đô thị nước ta tăng trưởng rất nhanh. Vì vậy, thường xảy ra tắc nghẽn, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường và tăng lượng phát thải khí “nhà kính”.

- Hệ thống cấp nước, thoát nước thải trong cả nước chưa đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh, tỷ lệ số dân đô thị được cấp nước sạch còn thấp, khoảng 50% - 80%, từ 90% - 100% nước thải đô thị chỉ xử lý sơ bộ rồi thải thẳng vào sông, hồ, gây ô nhiễm trầm trọng môi trường nước mặt.

- Hệ thống thoát nước mưa của các đô thị nước ta quá yếu kém, lại bị suy thoái trong quá trình đô thị hóa. Trong điều kiện BĐKH, nạn úng ngập trong mùa mưa sẽ xảy ra tràn lan hơn và ngày càng nghiêm trọng hơn.

- Hệ thống thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn (CTR) ở hầu hết các đô thị chưa đạt yêu cầu và ở các đô thị lớn tại Việt Nam đều thiếu nhà ở. Các dân cư nghèo rất ít được tiếp cận với dịch vụ môi trường đô thị.

Ngoài ra, diện tích cây xanh là một trong những chỉ tiêu quan trọng của đô thị sinh thái, đô thị thích ứng với BĐKH.

Tỷ lệ diện tích cây xanh ở các đô thị của nước ta, đặc biệt là Hà Nội, Đà Nẵng và Hải Phòng còn rất thấp so với yêu cầu của một đô thị xanh, thích nghi với BĐKH (Bảng 2)

Loài người đang đứng trước một thách thức vô cùng to lớn là BĐKH. Nguyên nhân BĐKH chính là do phát thải khí nhà kính (90% là do hoạt động của con người gây ra, trong đó 60% là do dân đô thị và 10% là do thiên nhiên) đã làm cho nhiệt độ Trái đất ấm lên, làm tan băng ở Bắc và Nam cực, mực nước biển dâng lên làm tăng cường độ và tần suất bão tố, hạn hán, lũ lụt, tính bất thường của thời tiết diễn ra khốc liệt, khó lường trước được.

Đối với việc xây dựng đô thị ở Việt Nam, BĐKH đã làm mất đất xây dựng đô thị, úng ngập nhiều năm; thiếu nước ngọt cấp cho đô thị đồng bằng và ven biển do xâm nhập mặn tăng; lũ quét và sạt lở đất, đá cũng tăng cao; thay đổi áp lực gió do thay đổi cường độ và mật độ ảnh hưởng của bão, lốc tố; tăng hiệu ứng “đảo nhiệt” ở các đô thị lớn trong các đợt nắng nóng; hạn hán tăng ảnh hưởng tới môi trường nước, sản xuất lương thực và dịch bệnh.

Từ đó, có những giải pháp hữu hiệu để ứng phó với BĐKH trong xây dựng đô thị nước ta, cụ thể là:

1. Củng cố và phát triển đê ở vùng ven biển, vùng đồng bằng để ứng phó với mực nước biển dâng và thiên tai bão lụt

Ở nước ta đã tồn tại hệ thống đê sông, đê biển lâu đời trên nhiều vùng. Đối với vùng đã có đê, như đê sông Hồng ở Hà Nội, cần có phương án nâng cao đê và củng cố đê để ứng phó với lũ lụt lớn hơn, mực nước biển dâng cao hơn, xói lở đất mạnh hơn. Đối với nơi chưa có đê, trong tương lai, cần giành đất ở ven sông, ven biển để đắp đê khi cần thiết.

2. Phát triển vùng đệm bảo vệ các đô thị ven biển

- Phát triển rừng ngập mặn để cản sóng và giảm xói lở, ổn định bờ biển;

- Phát triển các giải cây xanh dọc theo bờ biển để cản gió bão và ổn định bờ biển;

- Đối với các đô thị ven biển dễ bị ngập lụt cần giành giải đất dự trữ để đắp đê và để xây dựng các đường ống thoát nước cũng như trạm bơm chống úng ngập, khi cần thiết.

3. Lưu trữ nước mưa, hạn chế khai thác nước ngầm, chống ô nhiễm môi trường nước mặt

 - Thực hiện các biện pháp lưu trữ nước mưa ở đầu nguồn (xây dựng các hồ chứa nước) và phát triển ao, hồ và xây dựng các bể ngầm chứa nước mưa ở các đô thị với mục đích tạo nguồn nước trong mùa hạn hán và duy trì áp lực nước lục địa làm giảm xâm nhập nước mặn, đồng thời giảm lũ quét và úng ngập trong mùa mưa; chống ô nhiễm nguồn nước mặt - nước sông hồ, để bảo đảm nguồn nước mặt cung cấp nước cho sinh hoạt đô thị, sản xuất công nghiệp và nông nghiệp lâu dài. Nước mặt ở Hà Nội không chỉ phục vụ cho bản thân Hà Nội, mà còn có các dòng sông là nguồn nước của các tỉnh lân cận, như sông Cầu, sông Nhuệ, sông Đáy. Khoảng 70% lượng thải chất ô nhiễm chảy vào sông Nhuệ, sông Đáy là do Hà Nội gây ra.

- Giảm dần khai thác nước ngầm để cấp nước sinh hoạt và sản xuất ở các đô thị vùng gần biển, đặc biệt là ở các đô thị lớn, gần bờ biển, dễ bị xâm nhập mặn, như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Huế, Hải Phòng...

4. Cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước mưa để chống úng ngập đô thị


Do NBD và mưa tập trung lớn hơn nên đối với các đô thị ở vùng ven biển và vùng đồng bằng cần phải tiến hành ngay việc cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước mưa để thích ứng với BĐKH. Bao gồm: Bảo tồn hệ thống ao, hồ, đất trũng, sông ngòi, kênh rạch - tạo thành “ắc quy nước”; Tăng cường hệ thống dòng chảy thoát nước mưa tương thích với lượng mưa lớn hơn; Xây dựng hệ thống các trạm bơm nước mưa khi cần thiết. Ví dụ: Đối với TP Hà Nội, cần tuyệt đối không san lấp ao, hồ, đất trũng, cống hóa các sông ngòi; Tiến hành phá bỏ tất cả các kè đá 450C ở tất cả các hồ, sông ngòi nội thành và thay bằng kè bê tông thẳng đứng; Cải tạo hệ thống cống thoát nước với các đường cống chính có kích thước đường kính lớn, tối thiểu là 1,8 m, để đủ tiết diện dòng chảy và dễ dàng nạo vét bùn cát lắng đọng; Xây dựng thêm các trạm bơm thoát nước.

5. Phát triển các công trình xanh và xây dựng đô thị sinh thái

Phát triển các công trình xanh và xây dựng đô thị sinh thái là một biện pháp quan trọng trong các biện pháp xây dựng đô thị thích ứng với BĐKH, làm giảm hiệu ứng đảo nhiệt ở đô thị, và có nhiều tác dụng trong việc giảm thiểu khí nhà kính, tạo ra điều kiện sống của người dân đô thị thích ứng với BĐKH. Phát triển công trình xanh, xây dựng đô thị sinh thái nhằm giảm mức tiêu hao năng lượng trong các công trình, nhất là các trung tâm thương mại, khách sạn, các công sở, các cơ sở sản xuất...

6. Phát triển cây xanh đô thị

Diện tích cây xanh trong đô thị rất có giá trị về thích ứng với BĐKH, không những có tác dụng hấp thụ khí CO2, nhả khí O2, hấp thụ nhiệt, lọc bụi, giảm nhiệt độ trong mùa hè, phòng ngừa hiện tượng “đảo nhiệt” trong đô thị, cản gió bão, mà còn là diện tích thấm nước, cung cấp cho nguồn nước ngầm, giảm úng ngập đô thị...

7. Liên kết chặt chẽ các giải pháp ứng phó với BĐKH và NBD với các giải pháp phòng chống thiên tai

Hậu quả của BĐKH là sự gia tăng hoạt động của các thiên tai khí tượng, thiên tai gây ra những hậu quả nghiêm trọng nhất cả về sinh mạng và của cải ở tất cả các vùng. Vì vậy, cần phải kết hợp chặt chẽ các giải pháp ứng phó với BĐKH và phòng chống thiên tai.

8. Giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm và phát thải khí “nhà kính” trong đô thị.

- Từng bước loại bỏ các cơ sở sản xuất, dịch vụ gây ô nhiễm và phát thải khí “nhà kính” lớn ở bên trong khu vực đô thị;

- Sử dụng năng lượng có hiệu quả và tiết kiệm trong mọi hoạt động của đô thị;

- Khuyến khích phát triển sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng gió, bức xạ mặt trời, địa nhiệt, năng lượng sóng thủy triều, khí sinh học;

- Phát triển hệ thống giao thông bền vững về mặt môi trường, phát triển giao thông công cộng, hạn chế ô tô, xe máy cá nhân, khuyến khích đi xe đạp và đi bộ trong đô thị;

- Nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng trong chiếu sáng đô thị;

- Xử lý rác thải bằng công nghệ tiên tiến nhằm giảm phát thải các khí “nhà kính”.

Đánh giá tác động của BĐKH và NBD đối với đô thị và xây dựng các giải pháp có hiệu quả, có tính khả thi ứng phó với BĐKH và NBD là một lĩnh vực khoa học mới không những đối với nước ta mà còn đối với tất cả các nước trên thế giới. Dưới đây đề xuất định hướng nghiên cứu khoa học ứng phó với BĐKH và NBD trong xây dựng đô thị ở nước ta.

- Xây dựng chiến lược và quy hoạch phát triển đô thị có tính đàn hồi

Hiện nay, một số tổ chức nghiên cứu khoa học trên thế giới đang tập trung nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn để xây dựng và ứng dụng chiến lược và quy hoạch phát triển đô thị có tính đàn hồi, có khả năng phục hồi nhanh năng lực khi bị tác động để thích ứng với BĐKH như: xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, đặc biệt là hệ thống cấp thoát nước có tính đàn hồi; thích ứng với mực nước biển dâng lên, thích ứng với lũ lụt và các rủi ro BDKH gây ra đối với đô thị; thiết kế xây dựng các công trình đô thị có tính đàn hồi để thích ứng với BĐKH; quy hoạch đô thị liên kết với vùng nông thôn xung quanh sao cho thích ứng với trường hợp nếu vùng nông thôn xung quanh bị tác động của BĐKH tàn phá, dân cư nông thôn không thể sống được thì di chuyển vào đô thị, hoặc ngược lại thì đô thị sẽ dịch chuyển vào vùng nông thôn xung quanh, kể cả trường hợp lũ lụt bất thường. Vấn đề khoa học ở đây là các giải pháp và hành động như thế nào để cải thiện tính đàn hồi của hệ thống đô thị thích ứng với BĐKH, NBD và lập kế hoạch hành động ứng phó với rủi ro của BĐKH và NBD cho đô thị như thế nào là hiệu quả.

- Nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật xây dựng đô thị thích ứng với BĐKH và NBD

Bên cạnh các nghiên cứu có tính chiến lược, cần phải tiến hành nghiên cứu các giải pháp cụ thể để thích ứng với BĐKH nhằm giải quyết các vấn đề sau:

+ Xây dựng và củng cố hệ thống đê đập ven biển, ven sông và nhà thuyền, thích ứng với NBD, cũng như xây dựng các vật chắn để hạn chế bờ biển lùi, bờ sông lùi vào đô thị.

+ Xây dựng hệ thống dự báo, cảnh báo để di tản dân sớm đối với các thiên tai khốc liệt: sóng thần, lũ lụt, bão lốc, gió xoáy... xảy ra;

+ NBD sẽ gây ngập nước đối với các đô thị ở vùng đồng bằng và vùng ven biển, có thể xảy ra tình trạng hệ thống cống thoát nước của các đô thị này sẽ thấp hơn mực nước biển, mực nước sông, do đó nước thải sẽ không tự chảy ra sông, biển được;

+ NBD sẽ tăng áp lực nước mặn, cùng với sự suy thoái rừng đầu nguồn và phát triển xây dựng các nhà máy thủy điện sẽ làm giảm áp lực của nước ngọt, do đó, vùng bị mặn hóa sẽ lấn sâu vào đất liền (đối với cả nước dưới đất và nước mặt), hậu quả là các đô thị sẽ thiếu nguồn nước ngọt, kết cấu nền móng công trình sẽ bị ăn mòn mạnh hơn;

+ Thời tiết biến đổi thất thường, lượng mưa có thể tập trung vào một thời gian ngắn trong năm sẽ gây ra úng ngập nghiêm trọng đối với đô thị và ngược lại, mùa khô, hạn hán có thể kéo dài hơn sẽ gây ra nạn khan hiếm nước ngọt cho đô thị.

+ BĐKH sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cộng đồng, có thể phát sinh các bệnh dịch mới lạ, đặc biệt là đối với cộng đồng ở các đô thị, vì mật độ dân cư ở đây rất đông đúc.

- Tổng soát xét lại các quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế xây dựng đô thị cho phù hợp với BĐKH

Đẩy mạnh nghiên cứu về tác động của BĐKH và NBD một cách định lượng đối với xây dựng đô thị để làm cơ sở khoa học để soát xét lại các quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng cho phù hợp với BĐKH, đặc biệt là các quy chuẩn, tiêu chuẩn sau: Xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị; Thiết kế thoát nước mưa; Thiết kế hệ thống điều hòa vi khí hậu (tải trọng nhiệt); Tính toán tải trọng gió công trình; Nhiệt kỹ thuật của kết cấu bao che công trình; Mật độ xây dựng công trình; Cây xanh đô thị.

GS.TSKH. Phạm Ngọc Đăng
PGS.TS. Trần Việt Liên
Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam
TCMT 02/2011

Nguồn tin:http://www.vea.gov.vn