Tin tức

Các làng nghề chế biến nông sản thực phẩm: Nan giải bài toán môi trường 04/04/2011

0
Hà Nội hiện có khoảng 100 làng nghề (LN) chuyên chế biến nông sản thực phẩm (CBNSTP), hầu hết đều ô nhiễm môi trường (ONMT) nghiêm trọng. Mặc dù một số địa phương và các ngành chức năng đã có những nỗ lực "giải cứu" môi trường, nhưng kết quả đều chưa như mong đợi.

Thôn Bá Dương Nội, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng có nghề nấu rượu và làm đậu phụ truyền thống, thu hút hàng trăm hộ dân (chiếm khoảng 80% số hộ) tham gia. Tận dụng phế phẩm từ bỗng rượu và bã đậu, mỗi hộ làm nghề thường nuôi thêm từ 10-20 con lợn. Nước thải, chất thải chăn nuôi không qua xử lý hằng ngày xả thẳng ra cống rãnh, lắng đọng, phân hủy và bốc mùi hôi thối ngay trong khu dân cư, khiến bầu không khí ở đây lúc nào cũng ngột ngạt. Ở huyện Hoài Đức, "bộ ba" LN chế biến nông sản thực phẩm là Dương Liễu, Minh Khai, Cát Quế thu hút hàng nghìn hộ dân tham gia chế biến bột đao, bột sắn, miến dong, bún phở khô, nấu nha... đều sản xuất trong khu dân cư, nước thải và chất thải không qua xử lý đổ thẳng ra môi trường (mỗi năm riêng nước thải đã có hơn 4.600.000m3 với nồng độ chất ô nhiễm hữu cơ cao hơn nước thải công nghiệp hàng trăm lần.

Theo Phòng Tiểu thủ công nghiệp và làng nghề (TTCN&LN) (Sở Công thương Hà Nội), thành phố hiện có khoảng 100 LN chế biến NSTP, hầu hết đều bị ONMT nghiêm trọng. Ở các LN này, nước mặt nhiều nơi có hàm lượng COD, BOD5, NH4+, Coliform vượt hàng chục đến hàng trăm lần quy chuẩn Việt Nam. Còn theo kết quả điều tra mới nhất của Viện Khoa học - Công nghệ & môi trường (Đại học Bách khoa Hà Nội), tại các LN chế biến NSTP có 13-38% phụ nữ mắc bệnh phụ khoa, 8-30% mắc bệnh đường tiêu hóa, 4-23% mắc bệnh viêm da, 6-18% mắc bệnh đường hô hấp và 9-15% bị đau mắt.


Sản xuất tại nhiều làng nghề chế biến nông sản thực phẩm gây ô nhiễm môi trường.
Ảnh: Bảo Lâm

Có thể thấy, việc sản xuất với quy mô nhỏ, tự phát lại xen lẫn khu dân cư nên gây nhiều bất cập trong công tác bảo vệ môi trường. Cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống thoát nước thải còn kém, nguồn vốn đầu tư cho việc xử lý môi trường tại các LN rất hạn chế. Đa phần các hộ sản xuất không có đủ kinh phí để đầu tư các hệ thống xử lý chất thải rắn, chất thải lỏng. Trong khi đó, việc xử lý các cơ sở vi phạm tại các LN rất khó vì chủ yếu họ làm trong khuôn khổ hộ gia đình không có đăng ký kinh doanh.

Trong khi ONMT ở các LN chế biến NSTP đáng báo động thì mô hình tổ chức cụm, điểm công nghiệp để tách các hộ sản xuất khỏi khu dân cư - giải pháp hữu hiệu để khắc phục ô nhiễm lại đang bị đình trệ do rất nhiều nguyên nhân. Nhiều xã đã có quỹ đất và xây dựng đề án nhưng phải chờ thời gian phê duyệt quá lâu do huyện cũng phải chờ quy hoạch của thành phố… Các biện pháp trước mắt như xây trạm xử lý nước thải, xử lý rác đều gặp khó khăn, triển khai chậm. Lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường Quốc Oai cho biết, năm 2010, huyện đã triển khai các bước chuẩn bị đầu tư dự án thí điểm xử lý nước thải cho LN tinh bột sắn tại xã Cộng Hòa, với công suất dự kiến 200 - 300m3/ngày đêm nhưng đến nay dự án vẫn chưa chuyển động.

Tương tự, năm 1998, xã Cát Quế (Hoài Đức) tiếp nhận dự án xử lý nước thải chế biến của Viện Khoa học thủy lợi, song kết quả không được như mong muốn. Năm 2002, "bộ ba" LN Dương Liễu, Cát Quế, Minh Khai cũng đã được đầu tư xây dựng một nhà máy xử lý nước thải, nhưng cũng không thể hoạt động được vì thiếu kinh phí chi cho các khâu nhiên liệu, bảo dưỡng. Mặt khác, lượng chất thải quá lớn, mà công suất của nhà máy thì hạn chế. Cứ như vậy, từ nhiều năm nay, dù nhiều cơ quan đã vào cuộc nhưng vẫn chưa có một giải pháp nào giải quyết được tổng thể tình trạng ô nhiễm và các LN chế biến NSTP vẫn phải khổ sở chống chọi với nước thải và rác hữu cơ.

Minh Phú

Nguồn tin:http://www.hanoimoi.com.vn