Tin tức

Đánh thuế túi nylon không thân thiện môi trường - Băn khoăn trước giờ thực hiện 23/09/2011

0
Chỉ còn vài tháng nữa, Luật Thuế bảo vệ môi trường có hiệu lực (ngày 1-1-2012). Theo luật này, túi nylon không thân thiện môi trường sẽ phải chịu thuế bảo vệ môi trường. Nhiều chuyên gia về môi trường cho rằng đây là một quyết định đúng đắn, song thực hiện ra sao để luật thực sự giúp hạn chế việc sử dụng túi nylon vẫn là vấn đề gây tranh cãi.

Chưa có tiêu chí

Mặc dù đã hơn 1 năm nay tháng nào cũng xuất khẩu từ 1-2 container sản phẩm bao bì tự hủy qua Mỹ, Canada và Australia, song sản phẩm của Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Phúc Lê Gia vẫn chưa được “chính danh” ở thị trường trong nước. Giám đốc Công ty Lê Lộc cho biết, vấn đề là các bộ ngành liên quan chưa có tiêu chí cụ thể cho loại sản phẩm này nên thị trường trong nước chưa biết gọi tên gì cho đúng bản chất của chúng. Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Phúc Lê Gia cùng nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất loại bao bì đã từng kiến nghị bức xúc này lên cấp thẩm quyền và trong khả năng của mình, nhiều bộ ngành cũng đã nhiệt tình hướng dẫn các DN chủ động xây dựng và đăng ký chất lượng sản phẩm với các cơ quan quản lý chuyên ngành.


Hạn chế sử dụng bao nylon sẽ giúp bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu. Ảnh: Cao Thăng

Giao quyền chủ động, tự chịu trách nhiệm về sản phẩm cho DN trong khuôn khổ pháp luật là một hướng đi linh hoạt, sáng tạo và đúng đắn. Thế nhưng, có lẽ do chưa tính toán kỹ nên chủ trương này đã “đụng” Luật Thuế bảo vệ môi trường. Khoản 3, Điều 2 Nghị định 67/2011 triển khai thi hành Luật Thuế bảo vệ môi trường quy định: những túi nylon đáp ứng tiêu chí thân thiện với môi trường theo quy định của Bộ TN-MT được miễn đóng thuế.

Tiến sĩ Lê Văn Khoa, Giám đốc Quỹ Tái chế TPHCM, cho biết: Bộ TN-MT chưa có tiêu chí này nên chẳng biết căn cứ vào đâu để xác định túi nylon thân thiện với môi trường? Chưa hết, về nguyên tắc Bộ TN-MT không có thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn chất lượng mà đây là trách nhiệm của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng thuộc Bộ Khoa học Công nghệ. Từ nay đến khi Luật Thuế bảo vệ môi trường có hiệu lực, liệu Bộ TN-MT có kịp làm việc với Bộ Khoa học Công nghệ để ban hành bộ tiêu chí như quy định? Việc này đang là nỗi bức xúc rất lớn đối với các DN sản xuất túi nylon thân thiện với môi trường. Nhất là khi chi phí để sản xuất các sản phẩm ấy thường cao hơn chi phí sản xuất túi nylon thường nhiều lần. DN rất cần sự hỗ trợ bằng cơ chế chính sách của nhà nước để sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường.

 Luật Thuế bảo vệ môi trường
– Khoản 4, Điều 3: Túi nylon thuộc diện chịu thuế bảo vệ môi trường.
– Điều 8: Mức thuế đối với túi nylon thuộc loại chịu thuế là 30.000 - 50.000 đồng/kg.
Nghị định số 67/2011/NĐ-CP
– Khoản 3, Điều 2: Đối với túi nylon thuộc loại chịu thuế (túi nhựa) là loại túi, bao bì nhựa mỏng làm từ màng nhựa đơn HDPE, LDPE hoặc LLDPE (Linear low density polyethylene resin), trừ bao bì đóng gói sẵn hàng hóa và túi nylon đáp ứng tiêu chí thân thiện môi trường theo quy định của Bộ TN-MT.

Đánh thuế: Chưa đủ

PGS-TS Phùng Chí Sỹ, Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật nhiệt đới và Bảo vệ môi trường, cho rằng đánh thuế cho các sản phẩm túi nylon không thân thiện với môi trường là quyết định đúng. Tuy nhiên, ông vẫn băn khoăn trước sự tiện dụng của loại túi này và giá thành dù đã được đánh thuế nhưng vẫn còn khá rẻ. Hiện nay, giá 1kg túi nylon tùy loại chỉ khoảng vài chục ngàn đồng. Dù có chịu thuế, giá 1kg cũng chỉ hơn 100.000 đồng. Mức giá này là không cao đối với nhiều người, nhiều DN. Do vậy, quan điểm của ông Phùng Chí Sỹ là: Bên cạnh việc đánh thuế bảo vệ môi trường đối với túi nylon không thân thiện môi trường, nhà nước vẫn cần có thêm nhiều cơ chế khuyến khích DN tìm tòi, đầu tư, sản xuất ra nhiều hơn nữa các sản phẩm thân thiện với môi trường. Đặc biệt, đối với người dân, công tác tuyên truyền, vận động không sử dụng túi nylon không thân thiện với môi trường phải được tiến hành thường xuyên, lâu dài.

Ngoài lý do giá túi nylon dù đánh thuế vẫn còn khá rẻ, không loại trừ khả năng nếu người dân vẫn còn thói quen sử dụng túi nylon không thân thiện môi trường, các nhà cung cấp sẽ tìm cách đưa thuế môi trường mà đáng lẽ họ phải chịu vào trong giá bán hàng. Người mua hàng sẽ trở thành người phải chịu thuế và như vậy mục tiêu giảm sản xuất, tiêu thụ túi nylon không thân thiện với môi trường của nhà nước không đạt được kết quả như mong muốn.

 Nhựa là một chất bền vững trong môi trường. Bao bì nhựa trong điều kiện tự nhiên mất khoảng 400 năm để phân hủy hoàn toàn. Tuy nhiên khi thải ra môi trường nhựa gây tác động xấu tới các nguồn nước như gây cản trở lưu thông, mất thẩm mỹ và gây tắc nghẽn các công trình thủy lợi, trạm bơm nước...

– Việc xuất hiện túi nhựa với khối lượng lớn trong đất, đặc biệt những khu vực có trồng cây sẽ làm giảm khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng của cây do hệ thống màng bao của túi quấn vào các điểm hấp thụ trong hệ rễ cây, nếu túi nylon xuất hiện trong rác thải tại bãi chôn lấp sẽ làm giảm hiệu quả của các quá trình xử lý.

– Những khối lượng túi nhựa không được xử lý triệt để ngoài tự nhiên sẽ là môi trường rất tốt cho các loại vi sinh vật độc hại phát triển.

Hiện nay trên địa bàn TPHCM có hơn 10.000 cơ sở tư nhân sản xuất bao bì nhựa, túi nylon hoạt động. Trong khi đó, tổng số lượng cơ sở sản xuất bao bì giấy hoặc các loại túi đựng làm từ chất liệu khác được sử dụng nhiều lần chưa bằng 1/5 số lượng cơ sở sản xuất túi nhựa.

– Mỗi ngày, ở TPHCM có hơn 120 tấn bao bì các loại được tiêu thụ cho tất cả các mục đích sử dụng như đóng gói hàng hóa, chứa sản phẩm, chứa rác hay các yêu cầu đặc biệt cho các lĩnh vực khác như nông nghiệp, y tế…

– Trong khối lượng bao bì đáng kể nêu trên, bao bì làm từ chất dẻo (plastic) chiếm phần lớn (hơn 60% sản lượng tiêu thụ, tức khoảng gần 80 tấn/ngày). Ngoài ra còn một số loại bao bì khác cũng được sử dụng tuy không được phổ biến bằng, đó là túi giấy hoặc các loại túi, bao bì được sử dụng nhiều lần.

Nguồn: Viện Kỹ thuật nhiệt đới và Bảo vệ môi trường.


Nguồn tin:http://www.sggp.org.vn