Tin tức

Khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên 28/09/2011

0
Mấy thập niên qua, kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương (TBD) phát triển vượt bậc, thu nhập bình quân đầu người không ngừng tăng lên, thế nhưng mô hình phát triển thiếu bền vững đã kéo theo nhiều hệ lụy, trong đó những hệ lụy về môi trường không phải là nhỏ. Trong một báo cáo được công bố mới đây, Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) đã chính thức kêu gọi các nước châu Á tiến hành một "cuộc cách mạng công nghiệp xanh".

Báo cáo "Hiệu quả kinh tế của tài nguyên và triển vọng đối với châu Á và Thái Bình Dương" của UNEP cho rằng, khu vực châu Á - TBD đang phải trả một cái giá khá cao cho sự phát triển của mình, bao gồm ô nhiễm, khí thải gây hiệu ứng nhà kinh, mất đi sự đa dạng sinh học, sự suy thoái của hệ sinh thái và nguồn tài nguyện bị cạn kiệt một cách nhanh chóng.

UNEP cho biết, dù chỉ tạo ra gần 30% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới, nhưng khu vực châu Á - Thái Bình Dương chiếm một nửa tổng lượng tài nguyên tiêu dùng của thế giới. Ví dụ như chỉ tính riêng năm 2005, tổng lượng nguyên liệu tiêu thụ của khu vực này, bao gồm sinh vật, nhiên liệu hóa thạch và các nguyên liệu công nghiệp và xây dựng đã lên đến khoảng 32 tỷ tấn. UNEP ước tính con số này có thể tăng lên mức 80 tỷ tấn vào năm 2050, nếu không có sự thay đổi lớn nào.



Theo báo cáo, trên phạm vi thế giới, việc sử dụng tài nguyên phục vụ cho phát triển kinh tế đã có xu hướng giảm dần về số lượng. Năm 1970, phải sử dụng đến 2,2 kg tài nguyên để có thể tạo ra 1 USD thu nhập cho Nhà nước, thế nhưng đến năm 2005, con số này đã tuột xuống còn 1,1 kg. Trong khi đó tại vùng châu Á-TBD, đến tận năm 2005, con số này còn đến 3,1 kg.

Bước vào thế kỷ 21, khu vực này đã trở thành nơi tiêu thụ tài nguyên nhiều nhất hành tinh. Mức tiêu thụ năng lượng tăng trung bình 3,9%/năm trong giai đoạn 1970-2005, trong khi mức tăng bình quân ở các vùng khác chỉ có 1,4%. Trong vòng 35 năm, nhu cầu về than trong vùng đã tăng lên gấp 3 lần.

Theo báo cáo, sự gia tăng này là do sự tăng trưởng của nền kinh tế di chuyển từ các nước sử dụng năng lượng hiệu quả (như Nhật Bản) về phía các nước khác sử dụng năng lượng kém hiệu quả hơn (như Trung Quốc và Ấn Độ). Ước tính, vào năm 2005, chỉ riêng Trung Quốc đã sử dụng đến 60 % tổng lượng tài nguyên được tiêu thụ trong vùng, còn Ấn Độ là 20%.

Việc tiêu thụ quá mức này đã kéo theo hiện tượng khan hiếm các loại tài nguyên cơ bản. Trong giai đoạn 1980-2005, tỷ lệ nước bị cạn kiệt đã tăng 25%. Ngoài hai nước đông dân nhất hành tinh nói trên, UNEP cũng cảnh báo hiện tượng khai thác tài nguyên nước một cách quá mức ở Uzbekistan, Turkmenistan và Tadjikistan.

Tuy nhiên, báo cáo cũng ghi nhận, diện tích đất nông nghiệp tại châu Á đã tăng 6% trong giai đoạn 1970-2007, trong khi ở những nơi khác chỉ có 1%.

Tổng Giám đốc UNEP Achim Steiner lưu ý, sự phát triển kinh tế ấn tượng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã giúp hơn nửa tỷ người thoát khỏi đói nghèo, nhưng họ lại chịu những hậu quả về xã hội và môi trường kéo dài. Do đó, ông cho rằng, một nền kinh tế xanh, sử dụng hiệu quả hơn các nguồn tài nguyên không chỉ là sự thay thế cho phát triển bền vững mà còn là công cụ để thực hiện sự phát triển bền vững.

Theo UNEP, để có thể đạt được sự phát triển bền vững, ước tính lượng tài nguyên tiêu dùng trên mỗi đơn vị GDP của khu vực, bao gồm cả nguyên vật liệu xây dựng và nhiên liệu, cần phải giảm khoảng 80% so với mức hiện nay. Do đó, UNEP kêu gọi toàn bộ khu vực phải nỗ lực để cải thiện, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thông qua các chính sách công phù hợp, bao gồm cả các chính sách về  tài chính như thuế môi trường và cải cách ngân sách.

Nguồn tin:http://vea.gov.vn