Tin tức

Khai thác vàng ở Nghĩa Đàn: Không quản được thì cấm 28/06/2011

0
Chuyện “vàng tặc” lộng hành trên dòng sông Hiếu - đoạn chảy qua địa phận Nghĩa Đàn - không còn mới mẻ trong những năm gần đây. Người dân và đặc biệt là chính quyền huyện Nghĩa Đàn đã thấy rõ những tác động xấu của việc khai thác vàng trái phép và lộn xộn, nhưng dường như nỗ lực của chính quyền vẫn là chưa đủ để giúp việc khai thác vàng đi vào quy củ. Người dân vẫn phải chung sống với vàng tặc trước sự bất lực của chính quyền.


Sông dữ vì vàng

Hiện nay, hoạt động khai thác vàng sa khoáng trên dòng sông Hiếu - đặc biệt là đoạn chảy qua xã Nghĩa Thịnh (huyện Nghĩa Đàn) - đang trở nên nóng bỏng hơn lúc nào hết. Dù vào thời điểm PV có mặt tại hiện trường, 9 tàu khai thác vàng đều đã bị tạm đình chỉ hoạt động vô thời hạn để phục vụ công tác kiểm tra của chính quyền huyện Nghĩa Đàn; thế nhưng, dường như hậu quả mà “vàng tặc” để lại vẫn còn đó. Giữa sông là những đống sỏi cao chất ngất do tàu cuốc múc lên và chưa san gạt lại, khiến cho lòng sông nham nhở đầy hố sâu như những cái bẫy đáng sợ. Dòng chảy của sông cũng bị đổi dòng, khiến đất ruộng bị xói mòn và sụt lở.

Đau xót hơn, ngày 4.6 vừa qua, hai cháu nhỏ trong xã Nghĩa Thịnh là Vi Thị Tâm và Hoàng Thị Mỹ Linh, trong lúc ra sông Hiếu giặt quần áo, không may đã bị tụt xuống một trong những hố vàng do tàu vàng trái phép đào và mất mạng. Bà Trương Thị Phụng - mẹ cháu Mỹ Linh - nước mắt lưng tròng: Từ trước tới nay, con sông hiền hòa là vậy, chỉ nuôi nấng dân làng. Thế nhưng từ khi có “vàng tặc”, con sông bỗng trở nên hung dữ, năm nào cũng cướp đi mạng người.


Lòng sông Hiếu nham nhở bởi “vàng tặc”. Ảnh: H.P

Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thịnh - ông Lê Viết Sỹ - đầy bức xúc khi trao đổi với PV. Ông Sỹ khẳng định, ngay tại địa bàn xã đang có 7 tàu khai thác vàng, trong đó có 5 tàu khai thác không phép.

Theo ông, ngọn nguồn của vấn đề bắt đầu từ lúc Cty CP xuất nhập khẩu khoáng sản Lạng Sơn - chi nhánh Nghệ An (viết tắt là Cty Lạng Sơn) được UBND tỉnh Nghệ An cấp phép khai thác vàng sa khoáng trên lòng sông Hiếu tháng 6.2008; nhưng khi Cty này mới lắp tàu, chưa kịp triển khai việc khai thác trên địa bàn xã Nghĩa Thịnh thì hàng loạt các tàu khai thác vàng trái phép của tư nhân đã ồ ạt xuất hiện.

Những tàu này khai thác đúng vào khu vực được cấp phép của Cty Lạng Sơn; khi khai thác xong lại không san lấp đất đá, hoàn trả lại hiện trạng lòng sông như cũ, khiến cho dòng sông không chỉ bị ô nhiễm mà còn bị đổi dòng, sạt lở đất. Chính quyền xã nhiều lần đẩy đuổi các tàu này nhưng hầu như không có tác dụng...

Không quản được thì cấm!

Bất lực, UBND xã đành đề nghị UBND huyện hỗ trợ. Nhưng theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn - ông Lê Hồng Sơn - huyện cũng gần như “bế tắc” trong khâu xử lý. UBND huyện Nghĩa Đàn có công văn “đề nghị UBND tỉnh thu hồi giấy phép của Cty Lạng Sơn”, với lý do vì có tàu của Cty Lạng  Sơn nên các tàu không phép hùa theo khai thác vàng, làm tình hình lộn xộn.

Đầu tháng 4.2011, theo báo cáo của Sở TNMT Nghệ An, tại thời điểm kiểm tra khu vực sông Hiếu thuộc địa phận huyện Nghĩa Đàn, có 9 tàu khai thác vàng (riêng ở xã Nghĩa Thịnh có 6 tàu), trong đó 7 tàu không phép, còn 2 tàu của Cty Lạng Sơn thì vẫn chưa hoạt động. Đoàn kiểm tra cũng nhận định việc hoàn trả, san lấp đất đá được Cty Lạng Sơn thực hiện tương đối tốt tại xã Nghĩa Thắng...

Sở TNMT kết luận “Việc UBND huyện Nghĩa Đàn đề nghị UBND tỉnh thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản đã cấp cho Cty Lạng Sơn là chưa thuyết phục”. Sở cũng kiến nghị UBND tỉnh giao cho UBND huyện Nghĩa Đàn chỉ đạo các UBND xã, các ban, ngành liên quan giải quyết dứt điểm việc khai thác khoáng sản trái phép tại sông Hiếu...

Cho đến thời điểm này - đã hơn 2 tháng trôi qua - các yêu cầu, kiến nghị trên dường như vẫn chưa đến được với cấp huyện, như thừa nhận của ông Lê Đức An - Trưởng phòng TNMT huyện Nghĩa Đàn. Và huyện vẫn cứ loay hoay với tư duy “không quản được thì cấm” của mình.   

Nguồn tin:http://www.monre.gov.vn