Tin tức

Quản lý chặt chẽ các dự án trên mặt nhưng vẫn đáp ứng yêu cầu khai thác khoáng sản. 15/04/2020

0
Ngày 15/4, tại cuộc họp trực tuyến xây dựng Nghị định “Quy định về quản lý khoáng sản ở các khu vực dự trữ để phát triển các dự án trên mặt”, Thứ trưởng Trần Quý Kiên chỉ đạo: “Xây dựng Nghị định phải đảm bảo quản lý chặt chẽ các dự án trên mặt nhưng vẫn đáp ứng yêu cầu khai thác khoáng sản, tiềm năng lớn của đất nước khi điều kiện khai thác và điều kiện thị trường trong nước, quốc tế có nhu cầu”.





Thứ trưởng Trần Quý Kiên chủ trì cuộc họp trực tuyến

Báo cáo tại cuộc họp, đại diện Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cho biết, tiếp thu ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, Tổng cục đã bổ sung nội dung phân tích mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; bổ sung thống kê trữ lượng khoáng sản cần dự trữ tại từng địa phương, thông tin về nhu cầu triển khai các dự án trên mặt đầu tư trong khu vực dự trữ khoáng sản tại các địa phương như Bình Thuận, Ninh Thuận, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam....; dự kiến về các mâu thuẫn, xung đột lợi ích có thể xảy ra, vấn đề ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng, sở hữu tài nguyên quốc gia ở khu vực dự trữ. Đồng thời nêu rõ trong Tờ trình tính cấp bách của việc quy định các chính sách mới khi đề nghị cho phép xây dựng Nghị định theo trình tự, thủ tục rút gọn.


 
Đại biểu tham dự cuộc họp trực tuyến tại các đầu cầu

Tổng cục đã rà soát, sắp xếp và bố cục lại thành 05 chính sách: Chính sách 1: Thời gian dự trữ khoáng sản quốc gia phải đảm bảo nhu cầu sử dụng khoáng sản, đồng thời phát triển các dự án trên mặt, nhằm phát huy sử dụng hiệu quả, tối đa các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội. Chính sách 2: Xác lập cơ sở pháp lý để đầu tư các dự án phát triển trên mặt trong khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia phải phù hợp các quy định của pháp luật về đầu tư, khoáng sản và pháp luật khác có liên quan. Chính sách 3: Việc triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội trên mặt phải đáp ứng yêu cầu bảo vệ khoáng sản chưa khai thác nằm trong khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia. Chính sách 4: Việc điều chỉnh khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia (về thời gian, diện tích dự trữ) phải đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư đang triển khai dự án phát triển trên mặt. Chính sách 5: Quản lý nhà nước đối với các dự án phát triển trên mặt; quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trong diện tích khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia là trách nhiệm của các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh có liên quan.

Về vấn đề thời gian dự trữ khoáng sản quốc gia, Tổng cục đã làm rõ cơ sở khoa học, thực tiễn và đề xuất 02 phương án về thời gian dự trữ khoáng sản quốc gia tối đa và tối thiểu để sử dụng hiệu quả tối đa tài nguyên đất, tài nguyên khoáng sản ở vực dự trữ khoáng sản, quy định về thời gian dự trữ khoáng sản đủ để phát triển các dự án kinh tế-xã hội trên khu vực dự trữ hoạt động có hiệu quả, phát huy tối đa các nguồn lực phát triển kinh tế xã hội trong từng thời kỳ.

Sau khi nghe ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự cuộc họp, Thứ trưởng Trần Quý Kiên cho rằng, việc xây dựng “Nghị định quản lý khoáng sản ở các khu vực dự trữ để phát triển các dự án trên mặt” là thực hiện nghị quyết của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và địa phương nhất là các địa phương có khoáng sản trên mặt đất và dưới lòng đất, nên cần sự tập trung đầu tư, nghiên cứu, hoàn thiện sớm.

Nhấn mạnh tới tính khả thi và sự đồng thuận của doanh nghiệp và cơ quan quản lý, tháo gỡ được khó khăn cho doanh nghiệp, Thứ trưởng đề nghị Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam tham khảo thêm ý kiến các chuyên gia về đất đai và các lĩnh vực liên quan; tiếp thu, giải trình và lắng nghe ý kiến, phản ánh của các bộ, ngành, các địa phương để hoàn thiện dự thảo Nghị định.

Về quy định thời gian dự trữ khoáng sản quốc gia, Thứ trưởng nêu quan điểm: “Xây dựng Nghị định phải đảm bảo quản lý chặt chẽ các dự án trên mặt nhưng vẫn đáp ứng yêu cầu khai thác khoáng sản, tiềm năng lớn của đất nước khi điều kiện khai thác và điều kiện thị trường trong nước, quốc tế có nhu cầu”. Việc quy định thời gian hợp lý sẽ tạo cơ sở pháp lý để phát triển các dự án kinh tế trên mặt mang lại việc làm cho người dân địa phương tham gia vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ được khoáng sản dự trữ, đồng thời triển khai được dự án trên mặt có hiệu quả. Việc quy định thời gian dự trữ khoáng sản phải phù hợp với loại hình khoáng sản, với từng loại hình công nghệ khai thác và các quy định của pháp luật có liên quan để triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội trên mặt và phải đồng bộ, phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Đảng, nhà nước và các quy định tại Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Khoáng sản, Bộ luật Dân sự và các hệ thống pháp luật khác có liên quan.




Nguồn tin:Theo monre.gov.vn