Tin tức

Nâng cao tính minh bạch trong ngành khai khoáng 07/07/2011

0
"Mặc dù các nước Mỹ Latinh dồi dào về dầu mỏ và khoáng sản, song không phải là vô tận. Họ cần sử dụng nguồn tài nguyên này một cách hiệu quả để kinh tế trở nên đa dạng hơn. Các khoản thanh toán được thực hiện giữa các tập đoàn xuyên quốc gia với Nhà nước đòi hỏi mức độ minh bạch cao nhất". Đó là lời cảnh tỉnh của María del Carmen Pantoja, người đứng đầu "Transparencia Extrayendo", một chương trình cung cấp thông tin và cách sử dụng hiệu quả các tài nguyên không tái sinh, thuộc tập đoàn Grupo Faro (Ecuador).

Trong khi đó, Akram Esanov, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Viện Quan sát doanh thu (RWI), nói: "Mỹ Latinh là khu vực có nguồn dự trữ dầu mỏ lớn thứ hai thế giới và một số nước Mỹ Latinh đang phụ thuộc quá nhiều vào hoạt động khai thác nguồn nhiên liệu hóa thạch này. Hoạt động khai thác dầu chiếm tới 50% thu nhập của Chính phủ Venezuela, 57% thu nhập của Trinidas và Tôbagô và gần 40% thu nhập của Mexido. Các mỏ dầu ngoài khơi mới được phát hiện ở Brazil có thể giúp nước này trở thành một trong số những nước có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới. Vì vậy, tính minh bạch trong việc quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên là điều cần thiết để đảm bảo các khoản thu nhập được sử dụng hiệu quả trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế của các quốc gia này".


Quặng sắt tại Brazil

Các tổ chức xã hội dân sự đang nỗ lực gây ảnh hưởng đến quá trình minh bạch hóa với nhiều cách khác nhau. Tại Pêru, một trong những nhà sản xuất khoáng sản lớn nhất thế giới, tập đoàn Propuesta Ciudadana đang thúc đẩy trách nhiệm minh bạch tài chính thông qua các báo cáo định kỳ, giám sát việc khai thác và sản xuất dầu mỏ, cũng như doanh thu từ hoạt động này, đồng thời làm rõ các kế hoạch sử dụng khoản thu nhập đó của Chính phủ và các địa phương. Ngoài ra, các tổ chức này cũng làm việc với lãnh đạo của từng địa phương. Epifanio Rivas, thuộc tập đoàn Propuesta Ciudadana nói: "Ngành công nghiệp khai khoáng hoạt động tại 10 trong tổng số 25 tỉnh thành của Pêru, vì vậy, lãnh đạo các địa phương cần biết rằng họ có một phần trách nhiệm trong các khoản thu nhập từ hoạt động khai khoáng và phải có kế hoạch sử dụng chúng một cách hiệu quả hơn". Propuesta Ciudadana cũng tìm cách gây những ảnh hưởng mang tính chính trị bằng việc đề xuất các điều luật hoặc cơ chế thuế, ví dụ như thuế thu nhập cũng sẽ tăng lên khi giá dầu và khoáng sản tăng cao.

RWI được thành lập từ Chương trình theo dõi thu nhập của ngành công nghiệp khai khoáng Trung Á, và trở thành một tổ chức độc lập vào năm 2006. Với sự tài trợ của triệu phú George Soros, RWI đã phát triển thành một tổ chức với nhiều văn phòng đặt tại Mỹ Latinh, châu Phi, Trung Á, Đông Nam Á, cũng như tại New York và Luân Đôn.

Theo nghiên cứu của RWI, chỉ số theo dõi doanh thu ngành công nghiệp khai khoáng của một số nước Mỹ Latinh như Brazil, Chilê, Côlômbia, Ecuador, Mexico và Pêru đều nằm ở nhóm đầu trong số các quốc gia cung cấp thông tin rộng rãi về quản lý dầu mỏ, khí đốt và các lĩnh vực khai khoáng khác.

Chỉ số của Bôlivia, Venezuela, Trinidas và Tôbagô nằm ở nhóm giữa, nơi mà các tiểu bang cũng công khai thông tin tài chính của ngành khai khoáng cho người dân, song vẫn còn những trở ngại đáng kể cho người dân truy cập vào các dữ liệu.

Katarina Kuai, thuộc Chương trình đào tạo và bồi dưỡng năng lực của RWI cho hay: "Êcuađo thường công bố các hợp đồng mua bán, khai thác dầu hoàn chỉnh, nhưng chỉ số  theo dõi doanh thu ngành công nghiệp khai khoáng của nước này có thể sẽ bị giảm xuống do các tiêu chí đàm phán không được công khai".

Cải cách mới trong Luật Khai thác dầu mỏ của Ecuador được thông qua tháng 7/2010, đã thay thế sự phân chia các hợp đồng sản xuất bằng việc thu thuế theo sản lượng dầu khai thác. Động thái này đã giúp Chính phủ Ecuador tăng đáng kể doanh thu từ ngành công nghiệp này. Nghiên cứu của Ngân hàng Đầu tư Merrill Lynch (Mỹ) cho thấy, Ecuador đứng thứ 5 thế giới về sự tham gia của Nhà nước trong các hoạt động thuê mỏ dầu, chiếm 80%, xếp sau Libya 94%, Nga 91%, Angola 86% và Nigeria 84%, nhưng lại xếp trên Bôlivia 76%, Na Uy 74% và Pêru 64%.

RWI cũng đang thúc đẩy Sáng kiến minh bạch trong ngành công nghiệp khai khoáng (EITI), được đề ra bởi Chính phủ các nước, các công ty khai thác mỏ, các tổ chức đa quốc gia và các tổ chức phi Chính phủ, giúp cung cấp các thông tin công khai trong ngành khai khoáng và giảm thiểu nguy cơ tham nhũng. Tuy nhiên, hiện chỉ có hai nước Mỹ Latinh là Guatêmala và Pêru, trong tổng số 24 quốc gia, cam kết thực hiện sáng kiến này.

 

Nguồn tin:http://www.monre.gov.vn