Tin tức

Quy định ký Quỹ cải tạo, phục hồi khai thác khoáng sản: Cần điều chỉnh 30/11/2011

0
Hoạt động khai thác mỏ có tác động lớn tới môi trường sinh thái. Quy mô khai thác càng lớn, tác động càng nhiều, nhất là các vùng khoáng sản tập trung như than Quảng Ninh, bauxite Tây Nguyên, thủy điện, sắt thép Thái Nguyên… Công tác ký quỹ, cải tạo, phục hồi môi trường được quy định tại Quyết định 71/2008/QĐ-TTg là một bước tiến trong việc cụ thể hóa trách nhiệm của các tổ chức cá nhân trong khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, sau 3 năm thực hiện đã bộc lộ những bất cập cần phải điều chỉnh, mới có thể tạo ra hành lang pháp lý chuẩn mực hơn nữa…
 

Kết quả bước đầu khích lệ

Theo báo cáo của 41 tỉnh, thành phố, đến hết tháng 10/2011, các địa phương đã ban hành nhiều văn bản pháp luật triển khai công tác quản lý Nhà nước về khai thác khoáng sản và bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản; mở các lớp tập huấn cho cán bộ làm công tác môi trường triển khai công tác ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản. Nhiều nỗ lực nhất là Quảng Ninh, Gia Lai, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Hòa Bình, Nghệ An…


QĐ 71 "làm thay đổi căn bản quan điểm" của giới chủ mỏ về trách nhiệm cải tạo môi trường

41 tỉnh, thành phố đã thẩm định, phê duyệt 1.753 dự án cải tạo, phục hồi môi trường với tổng số tiền gần 880 tỷ đồng. Các địa phương Yên Bái (69 dự án) và Quảng Ninh (67) mặc dù không có số dự án phê duyệt nhiều nhất, nhưng có số tiền ký quỹ cao nhất, đều đạt 164 tỷ đồng. Các tỉnh có nhiều mỏ khai thác như Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Sơn La, Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Trị, Gia Lai, Kon Tum, Tây Ninh, Bình Dương…đều quan tâm đến công tác thẩm định, phê duyệt dự án cải tạo, phục hồi môi trường.

Bộ TN&MT phê duyệt 54 dự án cải tạo, phục hồi môi trường với tổng số tiền ký quỹ trên 650 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu là loại hình khai thác lộ thiên (600 tỷ đồng), dự án cải tạo phục hồi môi trường khai thác cát sỏi lòng sông còn rất khiêm tốn, chỉ có 5 dự án với số tiền gần 10 tỷ đồng.
 
Bài học từ những tồn tại

Tổng Công ty Than trước đây và Tập đoàn Than và Khoáng sản hiện nay, là ngành kinh tế đi đầu trong việc dành tài chính cho công tác bảo vệ môi trường và tự xây dựng Quỹ Bảo vệ môi trường của ngành. Công tác hoàn thổ, trả lại màu xanh tại khu vực khai thác đã được tiến hành từ nhiều năm nay. Nhưng chính Tập đoàn cũng gặp không ít khó khăn đối với việc ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác.

Ông Hoàng Việt Dũng, Giám đốc Chi cục Bảo vệ môi trường Quảng Ninh cho biết, mặc dù Quyết định 71 "làm thay đổi căn bản quan điểm" của giới chủ mỏ về trách nhiệm cải tạo môi trường trở về gần trạng thái ban đầu, nhưng công tác này vẫn còn gặp rất nhiều khó, đặc biệt đối với việc giải quyết các bãi thải tồn tại từ 30 -40 năm nay.

Công ty cổ phần Than Đèo Nai phải bỏ ra 152 tỷ mới cải tạo được bãi thải Đèo Nai. Quảng Ninh đang có 3 bãi thải tương tự như vậy, liệu có nên bắt doanh nghiệp phải gánh toàn bộ hậu quả đổ thải từ "xưa" không? Điều bất cập thứ 2, chính là việc quy định khoản tiền ký quỹ thực tế là quá ít so với chi phí cải tạo môi trường sau khai thác. "Một mỏ đá nguyên liệu cho ngành xi măng ký quỹ 400 triệu đồng, một mỏ than ký quỹ 800 triệu đồng, trong trường hợp doanh nghiệp phá sản, chuyển đổi... thì khoản tiền này chưa đủ để tháo dỡ thiết bị, nói gì tới cải tạo phục hồi môi trường", ông Dũng nói.

Ông Trần Miên, Trưởng Ban An toàn và Môi trường - Tập đoàn Than và Khoáng sản cho biết, công tác phục hồi môi trường thực hiện trong suốt quá trình khai, đơn vị thành viên thực hiện đến đâu, Tập đoàn phải trả tiền đến đó, vì tiền ký quỹ lại chỉ được dùng vào giai đoạn sau khai thác. Như vậy cùng một việc, cần tới 2 khoản tiền, điều đó gây thiệt hại cho doanh nghiệp, đội giá thành sản phẩm. "Tôi cho rằng chỉ ký quỹ đối với công tác cải tạo, phục hồi môi trường sau khi đóng cửa mỏ" - Ông Trần Biên kiến nghị.

Ông Nguyễn Đình Duyệt, Giám đốc Chi cục Bảo vệ môi trường Lạng Sơn cho rằng, cùng với khó khăn do Thông tư 34 hướng dẫn thực hiện Quyết định 71 chậm hơn một năm sau, còn có việc cho đến nay vẫn chưa có hướng dẫn lập Quỹ Bảo vệ môi trường tại địa phương, nên rất ít quỹ được thành lập, gây khó khăn cho công tác ký quĩ. Ông Nguyễn Đình Duyệt còn cho rằng, không nên giao cho cấp huyện phê duyệt dự án cải tạo phục hồi môi trường…

 PGS. Hồ Sỹ Giao người có thâm niên thẩm định các dự án loại này nhận xét : "Các dự án cải tạo phục hồi môi trường khai thác khoáng sản mới chỉ làm được chức năng nâng cao trách nhiệm nhà đầu tư, chưa thực hiện được chức năng điều chình dự án". Có lẽ đây là vấn đề cần quan tâm số một trong quá trình xây dựng Quyết định mới thay thế Quyết định 71 mà Tổng cục Môi trường đang bắt tay soạn thảo.

Nguồn tin:http://www.monre.gov.vn