Tin tức

Đánh giá tác động của Đối thoại phòng chống tham nhũng về tài nguyên đất đai, khoáng sản 17/11/2011

0
Tại buổi Hội thảo trước Đối thoại về phòng chống tham nhũng (PCTN) lần thứ 10 - Đánh giá tác động, hiệu quả của các kỳ Đối thoại về PCTN đối với công tác PCTN tại Việt Nam, ngày 15/11, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã đưa ra một số đánh giá tác động của Đối thoại về PCTN đối với công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên đất đai, khoáng sản..

Đối thoại là một diễn đàn có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với công tác PCTN đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý đất đai, khoáng sản. Từ sau các kỳ Đối thoại về PCTN lần thứ 8, 9 đến nay, công tác PCTN của Bộ TN & MT đã được tăng cường và đẩy mạnh. Bộ đã chỉ đạo các đơn vị tập trung nâng cao nhận thức về công tác PCTN, tuyên truyền, tiếp thu thực hiện những ý kiến đóng góp của các cơ quan chức năng, các nhà tài trợ quốc tế tại các Hội nghị đối thoại.

Thứ trưởng Bộ TN& MT, Chu Phạm Ngọc Hiển cho biết: Đối với các giải pháp PCTN, Bộ đã triển khai một số công việc cụ thể như: Rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai và khoáng sản, ban hành quy trình trong các khâu quản lý; mở rộng và xây dựng hệ thống thông tin về đăng ký đất đai, tăng cường minh bạch trong công tác quy hoạch, trong giao đất, thu hồi đất, định giá đất; tạo lập các cơ chế để tăng cường sự giám sát của cộng đồng đối với hoạt động của công chức, của cơ quan quản lý Nhà nước các cấp trong quản lý và sử dụng đất đai và khoáng sản, từ đó đã phát hiện và kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý các hành vi sai phạm về quản lý và sử dụng đất đai, khoáng sản từ đó loại trừ và ngăn ngừa những hành vi tham nhũng.

Cũng theo Thứ trưởng, các cuộc đối thoại về PCTN trong lĩnh vực đất đai và khoáng sản cần có sự tham gia của các đối tác là các quốc gia có kinh nghiệm và thành tựu trong công tác quản lý đất đai, khoáng sản. Để các cuộc đối thoại về PCTN đạt hiệu quả cũng cần có sự tham gia của Ban Chỉ đạo PCTN ở địa phương, các Bộ, ngành TN&MT ở cơ sở, các ngành có liên quan. Đồng thời, cần phải công khai thời gian, địa điểm các cuộc đối thoại về tham nhũng trong tất cả các lĩnh vực, đối thoại qua giao lưu trực tuyến để người dân biết và tham gia, nhằm có cái nhìn và đánh giá tổng thể nhất về vấn đề tham nhũng hiện nay để có những giải pháp ngăn ngừa, đẩy lùi tệ nạn tham nhũng trong toàn xã hội.

Đối với lĩnh vực quản lý đất đai, Bộ TN&MT đã ban hành một số Thông tư quy định sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến thủ tục hành chính về lĩnh vực đất đai; đánh giá thi hành Luật đất đai năm 2003; tiến hành thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai đối với các tổ chức sử dụng đất tại các tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Đà Nẵng và Khánh Hòa. Kết quả đã kiến nghị Cơ quan có thẩm quyền thu hồi 30.000 m2 đất đô thị, 450 ha đất rừng tự nhiên tại tỉnh Quảng Ninh và đề nghị thu hồi 17.900 m2 đất sản xuất kinh doanh tại tỉnh Khánh Hòa.

Đối với lĩnh vực quản lý khoáng sản, Bộ đã xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về khoáng sản; xây dựng Chiến lược khoáng sản quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; khoanh định khu vực khoáng sản. Trong công tác thanh tra, Bộ đã tiến hành thanh tra hoạt động khai thác titan tại 4 tỉnh miền Trung, từ đó kiến nghị thu hồi 12 giấy phép khai thác titan không đúng quy định tại Bình Định; xử phạt vi phạm hành chính đối với 10/17 đơn vị được thanh tra với tổng số tiền 559 triệu đồng. Bộ cũng tiến hành thanh tra tại các địa phương có hoạt động khoáng sản như Phú Thọ, Thái Nguyên, Lào Cai, Bắc Kạn.

Nguồn tin:http://www.monre.gov.vn