Tin tức

Xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị: Công nghệ nào phù hợp ? 29/09/2011

0
Hiện nay chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) chiếm khối lượng lớn (80%) trong tổng lượng chất thải rắn và đang gia tăng nhanh chóng cùng với quá trình gia tăng dân số, sự tập trung dân do làn sóng di cư đến các đô thị lớn. Lựa chọn công nghệ xử lý nào cho phù hợp với điều kiện KT-XH là thách thức không nhỏ đối với cơ quan quản lý.

* Năm 2015, CTRSH khoảng 37 nghìn tấn/ngày

Lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại các đô thị ở nước ta đang có xu thế phát sinh ngày càng tăng, tính trung bình mỗi năm tăng khoảng 10%. Tỷ lệ tăng cao tập trung ở các đô thị đang có xu hướng mở rộng, phát triển mạnh cả về quy mô lẫn dân số và các khu công nghiệp.

Tổng lượng phát sinh CTRSH tại các đô thị loại III trở lên và một số đô thị loại IV là các trung tâm văn hóa, xã hội, kinh tế của các tỉnh thành trên cả nước lên đến 6,5 triệu tấn/năm, trong đó CTRSH phát sinh từ các hộ gia đình, nhà hàng, các chợ và kinh doanh là chủ yếu. Lượng còn lại từ các công sở, đường phố, các cơ sở y tế. Chất thải nguy hại công nghiệp và các nguồn chất thải y tế nguy hại ở các đô thị tuy chiếm tỷ lệ ít nhưng chưa được xử lý triệt để vẫn còn tình trạng chôn lấp lẫn với CTRSH đô thị. Đô thị có lượng CTRSH phát sinh lớn nhất là TP. Hồ Chí Minh khoảng 5.500 tấn/ngày, Hà Nội khoảng 2.500 tấn/ngày. Đô thị có lượng CTRSH phát sinh ít nhất là Bắc Kạn là 12,3 tấn/ngày; Cao Bằng 20 tấn/ngày; TP. Yên Bái 33,4 tấn/ngày và Hà Giang 37,1 tấn/ngày.

Theo Dự báo của Bộ TN&MT, đến năm 2015, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ các đô thị ước tính khoảng 37 nghìn tấn/ngày và năm 2020 là 59 nghìn tấn/ngày cao gấp 2 - 3 lần hiện nay. Như vậy, với lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị gia tăng nhanh chóng và các công nghệ hiện đang sử dụng không thể đáp ứng yêu cầu do điều kiện Việt Nam mật độ dân số cao, quỹ đất hạn chế, việc xác định địa điểm bãi chôn lấp khó khăn, không đảm bảo môi trường và không tận dụng được nguồn tài nguyên từ rác thải. Việc áp dụng các công nghệ mới hạn chế chôn lấp chất thải rắn nhằm tiết kiệm quỹ đất, đảm bảo môi trường và tận dụng nguồn tài nguyên từ rác thải là cấp bách.

* Giải bài toán chôn và lấp

Một thực tế mà các thành phố lớn ở Việt Nam đang phải đối mặt là lượng CTRSH phát sinh hàng ngày quá lớn. Nhiều nhà đầu tư đã lập các dự án xây dựng nhà máy xử lý rác với các công nghệ khác nhau. Nhưng đa phần, các dự án đó đã không được triển khai hoặc triển khai không hiệu quả, do vậy, đến nay phần lớn rác thải vẫn tiếp tục được xử lý bằng một công nghệ duy nhất đó là chôn lấp.


Lựa chọn công nghệ mới hạn chế chôn lấp chất thải rắn là cấp bách

Các chuyên gia môi trường nhận định, trước hết, các công nghệ xử lý phải phù hợp với đối tượng xử lý. CTRSH ở nước ta có thành phần đa tái chế trực tiếp khá thấp, trong khi đó hàm lượng hữu cơ lên đến hơn 75% và độ ẩm rất cao, nhất là vào mùa mưa, đây là thành phần có khả năng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Mặt khác, cũng cần hiểu rác là nguồn tài nguyên (thứ cấp) với các thành phần, tính chất đặc thù và có một giá trị nhất định. Do đó, rác phải được xem xét, sử dụng một cách hợp lý như các tài nguyên khác.

Công nghệ phân hủy kỵ khí thu Mêtan phát điện theo tiêu chí sử dụng triệt để giá trị của rác, giảm thiểu phát thải khí nhà kính, hiệu quả kinh tế cao đang mở ra hướng giải quyết mới đối với CTRSH tại các đô thị của Việt Nam. Kết quả tính toán theo công nghệ này cho thấy, với lượng chất thải rắn phát sinh ở các đô thị lớn ở nước ta khoảng 21.500 tấn/ngày như hiện nay, trong đó phần hữu cơ chỉếm 70 - 85% sẽ giảm thiểu được 5.430.470 tấn CO2/năm, góp phần giảm thiểu BĐKH và lượng điện thu được khoảng 4.816 MWh/ngày.

Với phương pháp ủ kỵ khí thu hồi khí phát điện, cứ 1 tấn chất thải hữu cơ tạo ra được 224 KW điện trong đó khoảng 59KW sử dụng cho các hoạt động của nhà máy nên tổng lượng điện đấu nối lên lưới trong vòng 15 năm là 60.225 MW/năm thấp hơn so với phương pháp đốt. Ngoài việc tạo ra lượng điện 224 KW/tấn đấu nối vào lưới điện thì còn tạo ra được khoảng 10 % phân compost tốt hơn nhiều so với quá trình ủ phân compost theo công nghệ hiếu khí thông thường. Quá trình phân loại trước khi ủ kỵ khí là quá trình phân loại bằng tuyển thủy khí động lên cát, các chất vô cơ chưa được loại ra trước đó sẽ được tách ra khỏi phần hữu cơ đem đi ủ, đồng thời trong quá trình ủ kỵ khí lượng chất thải hữu cơ được chuyển sang dạng lỏng nên các chất độc hại sẽ ở trong nước thải, phần chất rắn còn lại sau khi ủ kỵ khí đem sản xuất phân compost sẽ không lẫn tạp chất vô cơ hay các chất độc hại.

Nguồn tin:http://www.monre.gov.vn