Tin tức

Nhu cầu nhân lực TN&MT: Sẽ "bùng nổ" trong tương lai 29/07/2011

0
Việc đào tạo nhân lực trong ngành tài nguyên và môi trường tại các trường và nhu cầu nói chung vẫn còn thiếu so với nhu cầu thực tế. Mới đây Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu Bộ trưởng Bộ TN&MT chỉ đạo hoàn chỉnh lại Đề án Đào tạo và Phát triển nhân lực ngành tài nguyên và môi trường giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020. Theo đó, nhu cầu nhân lực TN&MT tất yếu sẽ tăng mạnh.

Phó Thủ tướng yêu cầu sau khi Đề án Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ trưởng Bộ TN&MT chỉ đạo hoàn chỉnh lại Đề án Đào tạo và Phát triển nhân lực của ngành giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020 thành Đề án Quy hoạch phát triển nhân lực ngành tài nguyên và môi trường giai đoạn 2011 - 2020 để phê duyệt. Đề án cần xác định nhu cầu nhân lực của ngành theo trình độ, ngành nghề, địa bàn. Cũng cần nêu ra các giải pháp thực hiện quy hoạch mạng lưới các cơ sở đào tạo; đổi mới chương trình đào tạo; đào tạo giáo viên; chính sách với người dạy và người học; đổi mới quản lý các cơ sở đào tạo; kế hoạch tuyển sinh đáp ứng nhu cầu nhân lực của ngành.

Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành TN&MT hiện có khoảng gần 50.000 người, trong đó ở Trung ương 12.000 người có 8% tiến sĩ, 23% thạc sĩ và 61% đại học; ở địa phương 33.600 người, có 15% đại học và sau đại học, 48% trung học, 11% sơ cấp và 26% chưa qua đào tạo.



Bộ TN&MT hiện có 4 viện nghiên cứu, 3 viện khoa học quản lý trực thuộc các tổng cục trong các lĩnh vực đất đai, môi trường, biển và hải đảo. Tổng số cán bộ khoa học của các tổ chức nghiên cứu, phát triển thuộc Bộ TN&MT có 1.318 người trong đó có 92 tiến sỹ, 200 thạc sỹ. Ngoài ra còn có 3 cơ sở đào tạo nhân lực trình độ từ ĐH, CĐ, TCCN. Bên cạnh đó hệ thống 78 trường ĐH, CĐ, TCCN trong nước cũng có các ngành đào tạo cán bộ TN&MT. Một số trường đại học lớn có truyền thống lâu đời được trang bị các phòng thí nghiệm, thực hành lớn về các lĩnh vực của ngành.
 
Nhân lực cho ngành chưa đồng đều

Hiện năng lực đào tạo của các trường, các cơ sở đào tạo chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu nguồn nhân lực cho xã hội và cho ngành. Các trường của Bộ TN&MT đang đào tạo khoảng 7.500 sinh viên hệ cao đẳng, 4.000 học sinh hệ trung cấp. Đối với đại học, cả nước có 78 cơ sở đào tạo bậc đại học, cao đẳng các ngành, chuyên ngành về tài nguyên và môi trường.

Ưu thế của trường ĐH TN&MT mới được thành lập là chuyên đào tạo cán bộ quản lý, cán bộ điều tra cơ bản am hiểu về kỹ thuật, công nghệ TN&MT, khắc phục những hạn chế của các cơ sở đào tạo về TN&MT ngoài ngành là đào tạo chủ yếu về kỹ thuật. Từ nay đến năm 2015 nhà trường cần thêm hơn 100 giảng viên để đáp ứng nhu cầu đào tạo của trường.

"Trường sẽ mời các chuyên gia, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ tham gia giảng dạy, quản lý các khoa, các bộ môn chuyên ngành, đồng thời sử dụng cơ sở vật chất của các đơn vị phục vụ công tác thực hành, nghiên cứu khoa học cho sinh viên", PGS. TS. Hoàng Ngọc Quang Hiệu trưởng nhà trường nói. Từ 7 chuyên ngành tuyển sinh đại học đầu tiên, trường sẽ tiếp tục mở các mã ngành đào tạo đại học về quản lý biển - hải đảo, biến đổi khí hậu, quản lý môi trường…

Tuy nhiên nhìn tổng thể, đội ngũ công chức, viên chức của ngành còn chưa đáp ứng yêu cầu cả về số lượng và chất lượng, hầu hết các lĩnh vực quản lý đều thiếu công chức, viên chức, cơ cấu nhân lực giữa các ngành chuyên môn chưa đồng đều. Nhân lực quản lý đất đai chiếm 52,2% trên tổng số nhân lực, trong khi nguồn nhân lực tài nguyên nước và khí tượng thủy văn chiếm 1%, địa chất khoáng sản chiếm 1,8% nguồn nhân lực, nguồn nhân lực được đào tạo ở các chuyên ngành khác chiếm tới 30,8%.
 
Đủ lượng, đảm bảo chất lượng

Nhu cầu nguồn nhân lực ngành TN&MT trong thời gian tới là rất lớn: Cần bổ sung 4,5 vạn cán bộ công chức và 3 vạn người lao động trong giai đoạn 2011- 2015. Đấy là chưa kể đến nhu cầu về nhân lực của từng lĩnh vực cụ thể đang thiếu hụt nghiêm trọng, có lĩnh vực cần đến 20.000 cán bộ nhân viên và người lao động như lĩnh vực biển và hải đảo.

Quan điểm phát triển nguồn nhân lực ngành TN&MT trong thời gian tới là đào tạo gắn liền với quá trình phát triển của đất nước, và gắn liền với việc bố trí, sử dụng. Mục tiêu cần đạt được là cả đào tạo lại, đào tạo mới và đào tạo nâng cao nhằm đáp ứng nhu cầu về số lượng và chất lượng, đầy đủ các ngành nghề. Mục tiêu cụ thể đến năm 2015 đào tạo mới 150 - 200 tiến sĩ, 800 - 1.000 thạc sĩ, đào tạo nâng cao 6.000 - 8.000 cán bộ; đến năm 2020 đào tạo mới 300 - 350 tiến sĩ, 2.000 -2.500 thạc sĩ, đào tạo nâng cao 3.000 - 4.000 cán bộ; hàng năm còn đào tạo lại cho hơn 10.000 lượt cán bộ ở tất cả các cấp.
 

Nguồn tin:http://www.monre.gov.vn