Tin tức

Khoa học và công nghệ phải xuất phát từ thực tiễn để phục vụ phát triển bền vững đất nước 26/05/2016

0
Đó là phát biểu chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà tại Hội nghị tổng kết “Chương trình Khoa học và công nghệ phục vụ Chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu” (KHCN-BĐKH/11-15) và “Chương trình Nghiên cứu khắc phục hậu quả lâu dài chất da cam/dioxin do Mỹ sử dụng trong chiến tranh đối với môi trường và sức khoẻ con người Việt Nam” (KHCN-33/11-15) được Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức sáng ngày 20/5.






Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội Phùng Đức Tiến. Cùng tham dự còn có đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ TN&MT, Bộ KH&CN, Bộ Tài chính; Ban chủ nhiệm 02 chương trình Khoa học và Công nghệ cấp quốc gia cùng 61 chủ nhiệm đề tài KH&CN thuộc 02 Chương trình và các nhà khoa học đầu ngành.
 
Hai Chương trình KH&CN: Giải quyết nhiều vấn đề cấp bách ở tầm quốc gia và quốc tế
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tiến sĩ Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ TN&MT cho biết, trong 5 năm qua Bộ TN&MT đã cùng Bộ KH&CN phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và địa phương, các tổ chức nghiên cứu phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện 02 Chương trình KH&CN cấp quốc gia, trong đó có 48 đề tài cấp quốc gia thuộc Chương trình KHCN về BĐKH và 13 đề tài cấp quốc gia thuộc Chương trình KHCN về Dioxin. Hai Chương trình đã góp phần quan trọng vào việc giải quyết nhiều vấn đề KH&CN cấp bách ở tầm quốc gia và quốc tế.

“Nhiều sản phẩm KH&CN của các đề tài có giá trị khoa học cao, tiệm cận được với trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới, góp phần quan trọng vào việc xây dựng và thực hiện chiến lược chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, quản lý và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội, đồng thời khắc phục các hậu quả của Dioxin.” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
 
 

Tiến sĩ Nguyễn Thái Lai,
Chủ nhiệm Chương trình KHCN về BĐKH phát biểu tại Hội nghị

 
Phát biểu tại Hội nghị, Tiến sĩ Nguyễn Thái Lai, Chủ nhiệm Chương trình KHCN về BĐKH cho biết, trong 5 năm triển khai, Chương trình đã bước đầu tập trung giải quyết các vấn đề về bản chất và tác động của BĐKH đối với một số ngành, lĩnh vực, khu vực dễ bị tổn thương; đề xuất các định hướng, mô hình, giải pháp, cơ chế, chính sách thích ứng, giảm nhẹ BĐKH, chuyển hóa các thách thức thành cơ hội để phát triển kinh tế - xã hội; cung cấp những luận cứ khoa học xác đáng phục vụ công tác hoạch định chính sách, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về ứng phó với BĐKH; tăng cường năng lực đàm phán quốc tế về BĐKH.

“Nhiều mô hình, giải pháp thích ứng, ứng phó với BĐKH, nước biển dâng được áp dụng thực tế, chuyển giao cho các địa phương và có khả năng nghiên cứu nhân rộng trong thời gian tới.” – Tiến sĩ Nguyễn Thái Lai báo cáo tại Hội nghị.
 
 

PGS.TS Lê Kế Sơn,
Chủ nhiệm Chương trình KHCN về Dioxin phát biểu tại Hội nghị


Cũng tại Hội nghị, PGS.TS Lê Kế Sơn, Chủ nhiệm Chương trình KHCN về Dioxin cho biết, Chương trình đã giải quyết các vấn đề khắc phục tác hại của Dioxin đối với môi trường và con người; công nghệ xử lý đất nhiễm Dioxin phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam; đánh giá sự tồn lưu của Dioxin và sự phát thải Dioxin từ các nguồn khác; phương pháp giải độc nhằm hạn chế bất thường thai sản và dị tật bẩm sinh ở những người bị phơi nhiễm Dioxin…, đưa ra các phương pháp luận, lượng giá có cơ sở khoa học và thực tiễn về thiệt hại môi trường do Dioxin ở Việt Nam.

Nâng cao hơn nữa hiệu quả các hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ

 

Toàn cảnh Hội nghị


Các đại biểu tham dự Hội nghị đã cùng nhau trao đổi, thảo luận, chia sẻ các kết quả nghiên cứu, thông tin, kinh nghiệm; từ đó có thể đánh giá một cách khách quan ưu điểm, nhược điểm để rút kinh nghiệm cho việc triển khai Chương trình KH&CN trọng điểm quốc gia trong thời gian tới.

Tiến sĩ Nguyễn Thái Lai cho rằng, tính liên ngành, liên vùng trong các giải pháp thích ứng, ứng phó với BĐKH cần được tiếp tục nghiên cứu, làm rõ, đề xuất các cơ chế chính sách hợp lý dưới dạng những văn bản cụ thể và phải có sự thống nhất giữa các ngành, các cấp, các địa phương. Từ đó, mới có thể dần kiểm nghiệm, hiện thực hóa những giải pháp đã đề xuất trong Chương trình và tiến tới định dạng được một kiểu cơ sở dữ liệu về BĐKH có thể sử dụng rộng rãi.

PGS.TS Lê Kế Sơn đề nghị các cơ quan tiếp nhận dự án triển khai áp dụng kết quả nghiên cứu của chương trình, chú trọng điều trị giải độc không đặc hiệu, hạn chế tai biến sinh sản và dị tật bẩm sinh,công nghệ xử lý dioxin, chính sách đối với nạn nhân và chính sách đấu tranh ngoại giao. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu sự thay đổi về sức khỏe, bệnh tật của nạn nhân trên cơ sở đánh giá toàn diện sự biến đổi nồng độ dioxin, biến đổi hormone, gen, suy giảm miễn dịch… để làm rõ sự liên quan có tính đặc thù của những tổn thương khác nhau do dioxin.

Về phía các nhà quản lý, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho rằng, cần nâng cao công tác quản lý KH&CN, chú trọng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị với các tập thể nghiên cứu khoa học; cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến, chuyển giao cho các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ sở nghiên cứu và đào tạo, các doanh nghiệp và nhân dân khai thác và sử dụng hiệu quả các thành tựu KH&CN phục vụ công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực TN&MT, phục vụ cuộc sống của nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội;cần có những nghiên cứu KH&CN để giải quyết những vấn đề cấp thiết, bức xúc trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
 
 
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà ghi nhận những kết quả của 02 Chương trình KH&CN cấp quốc gia về BĐKH và dioxin. Trong đó, Bộ trưởng nhấn mạnh 04 kết quả quan trọng của 02 Chương trình. Thứ nhất, đã giải quyết được những vấn đề thời sự, cấp bách không chỉ ở Việt Nam mà ở trên toàn Thế giới, đóng góp quan trọng cho sự phát triển chính trị, kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Thứ hai, đã huy động được sự phối hợp liên ngành của các nhà khoa học hàng đầu trong cả nước, xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa các nhà khoa học và nhà quản lý trong giải quyết những vấn đề thực tiễn cuộc sống đặt ra. Thứ ba, đã cung cấp cơ sở khoa học cho việc hoạch định chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường cũng như chế độ chính sách chăm sóc sức khỏe và khắc phục ô nhiễm môi trường do CDC/dioxin. Thứ tư, đã có các nghiên cứu công bố trên các tạp chí khoa học nước ngoài có uy tín, cho thấy sự vươn tầm thế giới trong nghiên cứu KH&CN của Việt Nam.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, các kết quả nghiên cứu mới chỉ là nền tảng ban đầu, mang tính định hướng, cần tiếp tục được đánh giá, chuyển giao và áp dụng để giải quyết các vấn đề mà thực tế cuộc sống đặt ra.

“Trên thực tế, đang có rất nhiều vấn vấn đề cấp thiết, bức xúc đặt ra đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Có thể kể đến như sự cố môi trường gây hiện tượng hải sản chết bất thường ở khu vực một số tỉnh miền Trung vừa qua đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi trong việc giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời với các sự cố môi trường trên biển. Thỏa thuận Paris về BĐKH mở ra kỷ nguyên mới chuyển từ năng lượng đen sang năng lượng xanh, đòi hỏi có sự tăng cường chuyển giao công nghệ sạch từ các nước phát triển để xây dựng một xã hội các bon thấp và tăng trưởng xanh. Hiện tượng hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng xảy ra ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên, trong khi vẫn còn tình trạng sử dụng nước lãng phí… Vì vậy, hơn lúc nào hết, Việt Nam rất cần sự hỗ trợ của khoa học và công nghệ để bắt kịp và giải quyết tất cả các vấn đề cấp bách nói trên.” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động KH&CN trong thời gian tới, Bộ trưởng đề nghị cần đẩy mạnh chuyển giao, áp dụng các thành tựu KH&CN mới nhất đã đạt được tại Việt Nam và trên thế giới; tăng cường sự phối hợp giữa các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân trong đánh giá, áp dụng và nhân rộng các kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tế cuộc sống; cần đề xuất, tổ chức triển khai các nhiệm vụ KH&CN có tính liên vùng, liên ngành, có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội…

“Thay mặt Bộ TN&MT, tôi chân thành cảm ơn các Bộ, ban, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Viện, Trường và các nhà khoa học đã quan tâm phối hợp trong các lĩnh vực quản lý của ngành trong thời gian qua. Tôi cũng mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ hơn nữa; đồng thời, tiếp tục tăng cường sự trao đổi, chia sẻ, tập hợp trí tuệ của các nhà khoa học để phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.”– Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
 
 
Các đại biểu tham dự Hội nghị chụp ảnh lưu niệm
CTTĐT