Tin tức

Nguy cơ thiếu nước sạch do quá trình đô thị hóa 05/04/2011

0
Với tốc độ đô thị hóa như hiện nay, dự báo đến năm 2025 dân số đô thị của Việt Nam lên tới 52 triệu người và sẽ là thách thức lớn cho lĩnh vực cung cấp nước sạch, cũng như việc thoát nước và xử lý nước thải.

Cả nước mới có 240 nhà máy nước, công suất khai thác thực tế chỉ đạt khoảng 4,5 triệu m3 nước/ngày đêm, tỷ lệ thất thoát lên tới 30-40%.

Hiện trong tổng số 750 đô thị ở Việt Nam mới có 450 đô thị có hệ thống cấp nước, với tỷ lệ dân cư được cấp khoảng 76%. Ngoài các dự án đang triển khai tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Nẵng, các đô thị khác vẫn chưa có được hệ thống xử lý nước thải tập trung. Riêng Hà Nội mỗi ngày thải ra 500.000m3 nước thải, trong đó chỉ có dưới 10% lượng nước thải được xử lý.



Tại 154 khu công nghiệp, tuy có 43 khu đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung và mới có một vài nhà máy xử lý hiệu quả, nhưng chính quyền địa phương cũng rất ít thực hiện những biện pháp cưỡng chế đối với chất lượng nước xả thải từ các nhà máy vào hệ thống nước mưa hay nước thải chung.

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nguy cơ ngập lụt đã trở thành vấn nạn tại Thành phố Hồ Chí Minh, các thành phố nằm tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và các vùng duyên hải trũng thấp. Việc thiếu các hệ thống thoát nước đồng bộ, hệ thống chắp vá xuống cấp, các cơ sở chứa nước nghèo nàn, nước thải và nước mưa thu gom chung và bãi thấm kém chất lượng... là nguyên nhân chủ yếu.

Ngoài ra, chưa có cơ quan chuyên ngành thật sự có những kinh nghiệm thực tế trong công tác tư vấn thiết kế, thi công xây lắp, đặc biệt là quản lý vận hành các công trình xử lý nước thải.

Tiến sỹ Phạm Ngọc Thái, Hội Cấp thoát nước Việt Nam cho rằng các dự án thoát nước và xử lý nước thải ở đô thị là những dự án đặc biệt do phải đào bới rất phức tạp. Đây là dự án đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn và không có khả năng trả nợ vì chủ yếu mang tính chất công ích. Chỉ tính việc xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn hàng năm phải cần đến trên 377 triệu USD, nên phải dựa vào nguồn vốn ODA là chính.

Để đạt được mục tiêu cấp nước và thoát nước-xử lý nước thải tại các đô thị theo định hướng đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ngay từ bây giờ, Việt Nam phải tận dụng những dự án ODA, lựa chọn công nghệ phù hợp cải tạo mạng cung cấp nước, mở rộng dịch vụ và chống thất thoát nước; xây dựng các hệ thống công trình thoát nước và mô hình quản lý vận hành hiệu quả, bền vững.

Văn Hào (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn tin:http://www.vfej.vn