Tin tức

Huy động nguồn vốn phát triển hạ tầng cấp nước Hà Nội 15/06/2011

0
Cùng với sự phát triển kinh tế xã hội, nhu cầu dùng nước của người dân Hà Nội ngày càng gia tăng. Dự báo, nhu cầu sử dụng nước sạch toàn TP. Hà Nội vào năm 2015 vào khoảng trên 975.500m3/ngày đêm và sẽ lên tới trên 1,5 triệu m3/ngày đêm vào năm 2020. Để có một quy hoạch phát triển phù hợp mang tính khả thi cao đáp ứng được nhu cầu này, Hà Nội sẽ cần khoảng 15.500 tỷ đồng vốn đầu tư, trong đó, kinh phí đầu tư xây dựng nhà máy, nâng công suất các nhà máy, trạm bơm là 5.730 tỷ đồng; trên 8.800 tỷ dành để phát triển mạng lưới đường ống cấp nước. Tuy nhiên, đây là một khó khăn rất lớn đối với TP.Hà Nội và cần sự chung tay của các nhà đầu tư.

Lãnh đạo UBND TP.Hà Nội cho biết, tới đây, Hà Nội sẽ đề nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định số 117/NĐ-CP về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch theo hướng ngân sách đầu tư xây dựng nhà máy nước và mạng lưới đường ống truyền dẫn cấp I. Và để đột phá trong khâu đầu tư, khuyến khích phát triển hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân, UBND TP. sẽ đề nghị cho phép áp dụng hình thức đầu tư xây dựng các công trình sản xuất, cấp nước sạch theo phương thức BT (xây dựng-chuyển giao) nhằm cân đối hiệu quả đầu tư. TP. cũng sẽ đẩy mạnh công tác xã hội hóa các nguồn lực dành cho đầu tư phát triển hệ thống cấp nước; nghiên cứu, áp dụng các hình thức đầu tư mới theo phương thức BT, BOT, PPP...


Nhà máy nước sạch Sông Đà

Để thu hút đầu tư, ông Nguyễn Như Hải, Tổng Giám đốc Công ty Nước sạch Hà Nội cho rằng: TP. nên có cơ chế, chính sách ưu tiên đối với các nhà đầu tư vào hệ thống cấp nước, đặc biệt là khu vực ngoại thành thì mới mong thu hút các nhà đầu tư. Bởi suất đầu tư tại khu vực ngoại thành cao hơn so với khu vực nội thành mà hiệu quả lại thấp do nhà dân không nằm sát nhau như trong nội thành. Trong khi đó, việc dùng nước sạch của các hộ dân ngoại thành lại ít hơn dân nội thành rất nhiều. Với các khu vực này, TP. phải chấp nhận đầu tư để cải thiện đời sống nhân dân chứ không thể chỉ chú trọng vào hiệu quả kinh tế.

Đầu tư nâng công suất Nhà máy Nước mặt sông Đà, đồng thời đầu tư xây dựng Nhà máy Nước mặt sông Hồng và sông Đuống (giai đoạn I); triển khai hàng loạt dự án phát triển tuyến đường ống truyền dẫn và ống dịch vụ nhằm nâng tỷ lệ người dân Thủ đô được cấp nước sạch... Đó là những nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch phát triển hạ tầng cấp nước đô thị và các vùng lân cận TP. Hà Nội giai đoạn 2011 - 2015.

Việc huy động nguồn vốn phát triển hạ tầng cấp nước là vô cùng quan trọng và cần thiết. Một số dự án nếu không có vốn sẽ đồng nghĩa với việc không triển khai được dự án và nguồn cấp nước Hà Nội sẽ bị thiếu hụt. Chẳng hạn như, để xây dựng 2 nhà máy nước mặt sông Hồng và sông Đuống nguồn vốn đầu tư ước tính khoảng gần 5.000 tỷ đồng.

TP. Hà Nội hiện có 4 công ty đảm nhiệm việc cung cấp nước sạch, bao gồm Công ty Nước sạch Hà Nội, Công ty Nước sạch Hà Đông, Công ty CP Đầu tư xây dựng và kinh doanh nước sạch-VIWACO, Công ty CP Cấp nước Sơn Tây. Theo thống kê, tổng công suất cấp nước của 4 đơn vị này hiện tại vào khoảng 780.000m3/ngày đêm. Nguồn nước cấp cho người dân Thủ đô hiện chủ yếu vẫn là nước ngầm, chỉ một phần nhỏ là nước mặt từ Nhà máy Nước mặt sông Đà (130.000m3/ngày đêm). Tỷ lệ người dân tại 9 quận nội thành được sử dụng nước sạch là 97%, quận Hà Đông 90%; tỷ lệ này tại các huyện ngoại thành Hà Nội (cũ) là trên 73%.

Trong 5 năm tới, Hà Nội sẽ tập trung vào 7 dự án tăng nguồn nước ngầm, 28 dự án phát triển mạng cấp nước. Sở Xây dựng cũng đã tính tới việc giảm dần việc khai thác nước ngầm bằng cách chuẩn bị phương án xây dựng Nhà máy Nước mặt sông Hồng và sông Đuống (công suất giai đoạn I mỗi nhà máy 150.000m3/ngày đêm) và đầu tư nâng công suất Nhà máy Nước mặt sông Đà lên 600.000m3/ngày đêm.

Riêng đối với phát triển mạng lưới cấp nước, toàn TP. sẽ đầu tư 284,6km đường ống truyền dẫn cấp I (đường kính từ 300mm-1.500mm). Cụ thể: Tại khu vực phía Tây Thủ đô sẽ hình thành 13 tuyến truyền dẫn dọc theo các trục Hòa Lạc - Xuân Mai, Quốc Oai - Phúc Thọ, Thạch Thất, Hoài Đức... với tổng chiều dài 94,7km; khu vực phía Bắc hình thành 2 tuyến truyền dẫn Yên Viên và Sóc Sơn - Đông Anh - Mê Linh với tổng chiều dài 42,6km; khu vực phía Đông hình thành tuyến Đại lộ Thăng Long - Sơn Tây dài 71,9km...

Nguồn tin:http://www.monre.gov.vn