Tin tức

Tài nguyên nước: Càng quản, càng lơi lỏng 08/11/2011

0
Mô hình quản lý tài nguyên nước như hiện nay là hết sức phân tán, lỏng lẻo, chồng chéo, không có thực quyền, không có trách nhiệm đến cùng và thực tế là bất lực trước các tranh chấp do lợi ích nhóm.

Trước đây, Bộ Thủy lợi là cơ quan duy nhất được nhà nước giao cho quản lý tất cả các nguồn nước và đưa nước về đúng vị trí của nó là “tài nguyên” quý báu của quốc gia. Tuy nhiên, từ khi nước được pháp luật công nhận là “tài nguyên” thì việc quản lý tài nguyên này cứ dần tuột khỏi ngành thủy lợi...

Chồng chéo

Một nghịch lý là khi chức năng quản lý tài nguyên nước chuyển từ Bộ Thủy lợi (sau là Bộ NN-PTNT) sang Bộ TN-MT thì các chuyên gia cùng trang thiết bị được... ở lại Bộ NN-PTNT. Trong khi đó, Bộ TN-MT lại phải tổ chức, phải biên chế, phải sắm trang thiết bị…gần như mới hoàn toàn để quản lý tài nguyên này. Và cũng từ đó, việc quản lý tài nguyên nước bắt đầu nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp hơn về quản lý.


Đập thủy điện Hòa Bình. (Ảnh: Minh Cường)

Ông Nguyễn Ty Niên, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng chống lụt bão (Bộ NN-PTNT) cho rằng, mô hình quản lý tài nguyên nước như hiện nay là hết sức phân tán, lỏng lẻo, chồng chéo, không có thực quyền, không có trách nhiệm đến cùng và thực tế là bất lực trước các tranh chấp của các nhóm lợi ích.

Đơn cử, nước sinh hoạt nông thôn do Bộ NN-PTNT quản nhưng nước sinh hoạt đô thị lại do Bộ xây dựng quản; nước tưới cho lúa và rau màu, nước xả vào hệ thống thủy lợi do Bộ NN-PTNT quản và cấp phép nhưng nước xả thải ra sông, suối lại do Bộ TN-MT cấp phép; nước chứa ở các hồ thủy điện lại do ngành điện thuộc Bộ Công thương quản lý…

Hoặc như hiện nay, trên một con sông, ngoài hệ thống quản lý tài nguyên nước đang vận hành còn có 2 tổ chức lưu vực sông là Ban Quản lý quy hoạch lưu vực sông, trực thuộc Bộ NN-PTNT và Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông, trực thuộc Bộ TN-MT. Nhưng theo đánh giá của các nhà khoa học, hai tổ chức này dường như không có tiếng nói đối với các vấn đề quan trong của lưu vực.

“Toàn thể bộ máy đều là kiêm nhiệm, chức năng nhiệm vụ chung chung không rõ ràng, quyền hạn có thể nói là không có gì. Như vậy, thử hỏi làm sao mà hoạt động có hiệu quả được”, ông Đinh Khắc Tĩnh, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thái Nguyên, Phó Tiểu ban quản lý quy hoạch lưu vực sông Cầu, cho biết.

Trong khi đó, hiện Việt Nam có 2360 sông, mỗi sông có chiều dài trên 10km, 14 sông có diện tích lưu vực trên 10.000km, 75 hệ thống thủy điện lớn, trên 800 hồ đập lớn và vừa, hơn 3500 hồ có dung tích trên 1triệu mét khối nước và hàng ngàn công trình thủy lợi vừa và nhỏ do nhiều cơ quan, ban ngành, đơn vị khác nhau quản lý.

Cần tổ chức lại

Hiện nay hệ thống sông ngòi Việt Nam gánh trên 500 công trình thủy điện lớn nhỏ. Cứ theo quy hoạch của Bộ Công thương, tương lai sẽ có 1021 công trình thủy điện sẽ được xây dựng với tổng công suất lên đến 24.246MW.

“Với mật độ thủy điện dày đặc (sông Đồng Nai 14/420km sông; La Ngà 5/290km sông; sông Bé 6/350km sông; hạ lưu sông Mê Kông 11/2400km sông) đang đặt ra những thách thức lớn cho môi trường, sinh thái, sinh kế và vùng đầu nguồn. Nếu chúng ta không có những biện pháp tháo gỡ kịp thời”. TS Đào Trọng Tứ, ủy viên ban điều hành Mạng lưới cộng tác vì nước của Việt Nam (VNWP) cho biết.

Mong muốn công tác quản lý tài nguyên nước, thủy lợi, thủy văn, đê điều và phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai tập trung vào một bộ để thống nhất quản lý và cần quy định chi tiết, cụ thể trong Luật tài nguyên nước là mong mỏi các chuyên gia, các nhà khoa học tâm huyết với ngành thủy lợi.

 “Để phát triển bền vững đã đến lúc đòi hỏi phải tổ chức lại quản lý tài nguyên nước thống nhất vào một đầu mối trên cơ sở hình thành một Bộ Thủy lợi và ứng phó biến đổi khí hậu đủ thực quyền, đủ lực lượng khoa học để phục vụ đáp ứng lợi ích của mọi ngành và của xã hội”, ông Nguyễn Ty Niên thẳng thắn.
Minh Cường

GS.TS Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam: “Trái ngược với lập luận cho rằng, càng phân chia nhiều cho các ngành, càng phân chia ra nhiều cấp thì sẽ giảm bớt công việc phải giải quyết và giảm chi phí thì bài học của thế giới đã chỉ ra rằng, khi sự phân chia, phân cấp càng nhiều thì sẽ chồng chéo, kém hiệu quả và gây tốn kém”.

Nguồn tin:http://baodatviet.vn