Tin tức

Thu phí nước thải sinh hoạt có “gây khó” cho người dân không? 12/04/2013

0
Gần đây, một số ý kiến có đề cập tới tính khả thi của việc thu phí bảo vệ môi trường (BVMT) đối với nước thải theo Nghị định 25/2013/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó có quy định người dân phải nộp phí nước thải sinh hoạt. Đại diện Bộ Tài chính vừa có trao đổi về vấn đề này với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ.




Ông Ngô Hữu Lợi, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài chính

Theo ông Ngô Hữu Lợi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính, mức thu phí BVMT đối với nước thải sinh hoạt của Nghị định 25/2013/NĐ-CP vẫn giữ như quy định hiện hành, nhằm tránh tác động đến đời sống của đại bộ phận người dân.

PV: Những điểm mới nhất của Nghị định 25/2013/NĐ-CP về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải là gì, thưa ông?

Ông Ngô Hữu Lợi: So với các quy định trước đây, Nghị định 25/2013/NĐ-CP có một số điểm mới cơ bản như sau:
Thứ nhất, bổ sung vào đối tượng không chịu phí là nước làm mát thiết bị, máy móc không tiếp xúc với chất gây ô nhiễm trước khi thải ra môi trường và nước mưa tự nhiên chảy tràn.

Thứ hai, xác định rõ về trường hợp các doanh nghiệp sản xuất có sử dụng nước từ đơn vị cung cấp nước sạch thì chỉ phải nộp phí BVMT đối với nước thải công nghiệp (không phải nộp phí BVMT đối với nước thải sinh hoạt trên hoá đơn tiền nước).

Thứ ba, thay đổi cách tính, mức thu phí đối với nước thải công nghiệp. Với mức thu và cách tính phí như trên sẽ đảm bảo được các mục tiêu sau:

- Đảm bảo thu được phí đối với các chất kim loại nặng có trong nước thải mà không phải lấy mẫu, đánh giá phân tích.
- Giảm tải khối lượng công việc cũng như chi phí của doanh nghiệp và cơ quan thu phí trong việc kê phai, nộp phí.
- Đảm bảo công bằng cho các cơ sở sản xuất có nước thải khác nhau.
- Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư kỹ thuật, công nghệ để xử lý chất lượng nước thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ quy định mức thu phí cụ thể: phí cố định (f) và mức phí biến đổi COD và TSS trong khung của Nghị định.

PV: Xin ông cho biết các đối tượng chịu phí và mục đích chính của việc thu phí này là gì?

Ông Ngô Hữu Lợi: Đối tượng chịu phí (kế thừa quy định tại Nghị định 67/2003/NĐ-CP) là nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp.
Mục đích của việc thu phí BVMT nhằm nâng cao ý thức người tổ chức, cá nhân về BVMT; ràng buộc đối tượng xả thải nước thải gây ô nhiễm trong việc đóng góp kinh phí phục vụ cho việc cải tạo ô nhiễm môi trường đối với nước thải. Ngoài ra, khuyến khích các doanh nghiệp tổ chức, cá nhân đầu tư công nghệ xử lý chất lượng nước thải, đảm bảo tiêu chuẩn xả thải trước khi xả thải ra môi trường; từ đó góp phần sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả, hạn chế ô nhiễm môi trường.

PV: Đã có ý kiến cho rằng, với cơ sở vật chất, điều kiện kỹ thuật cũng như nguồn nhân lực của cơ quan quản lý nhà nước hiện nay thì việc phân tích, xác định phần nước thải sinh hoạt trong gia đình khó thực hiện, và như thế tính khả thi của Nghị định sẽ không cao, xin ông cho biết ý kiến?

Ông Ngô Hữu Lợi: Đối với nước thải sinh hoạt, Nghị định quy định mức phí tối đa không quá 10% giá bán nước sạch và thu theo hoá đơn tiền nước hàng tháng. Cách thu này đem lại hiệu quả thu cao trong thời gian qua vì việc tổ chức, thu và nộp đơn giản.
Theo đó, Công ty nước sạch chỉ tính thêm phần tỷ lệ thu phí vào hoá đơn tiền nước của hộ gia đình. Sở dĩ phải thực hiện thu theo hoá đơn tiền nước đầu vào như vậy là vì thực tế số hộ gia đình thải nước sinh hoạt đông, đặc điểm chung của chất gây ô nhiễm trong nước thải sinh hoạt chủ yếu là các chất rắn hữu cơ kèm theo, lẫn trong nước thải, thải ra từ sinh hoạt hàng ngày với khối lượng không nhiều nên việc theo dõi khối lượng đầu ra và phân tích đánh giá để xác định số phí phải nộp là không phù hợp.
 
Mục đích của việc thu phí BVMT nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tổ chức, cá nhân đầu tư công nghệ xử lý chất lượng nước thải, đảm bảo tiêu chuẩn xả thải trước khi xả thải ra môi trường

PV: Như ông đã nói về mục đích của việc thu phí, tuy nhiên, việc thu phí này có thể gây thêm gánh nặng cho người dân, vậy quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Ngô Hữu Lợi: Thực tế, do điều kiện thu nhập bình quân đầu người ở nước ta hiện nay còn thấp nên mức thu phí BVMT đối với nước thải được quy định cũng chủ yếu nhằm mục đích nâng cao ý thức người dân về BVMT mà chưa phải là nhằm bù đắp chi phí xử lý nước thải gây ô nhiễm.

Chính vì vậy, mức thu phí BVMT đối với nước thải sinh hoạt của Nghị định 25/2013/NĐ-CP vẫn giữ như quy định hiện hành, nhằm tránh tác động đến đời sống của đại bộ phận người dân.

Cụ thể là: Nghị định chỉ quy định mức khung tối đa không quá 10% giá bán nước sạch mà không khống chế mức tối thiểu để tuỳ điều kiện cụ thể của mỗi địa phương có thể đưa ra tỷ lệ hợp lý nhất áp dụng cho địa phương mình.

Mức thu phí đối với nước thải công nghiệp có điều chỉnh tăng đối với 2 chất thải COD và TSS và quy định hệ số K trong trường hợp nước thải có chứa kim loại nặng. Tuy nhiên, so với Nghị định hiện hành đã bỏ quy định thu phí đối với 4 loại chất kim loại gây ô nhiễm có trong nước thải (Thuỷ ngân mức thu từ 10-20 triệu đồng/kg; chì mức thu từ 300 – 500 ngàn đồng/kg; Arsenic và Cadmium mức thu từ 600.000 – 1.000.000 đồng/kg).

PV: Thưa ông, việc thu phí sẽ được tiến hành như thế nào, có đơn giản, thuận tiện không?

Ông Ngô Hữu Lợi: Đối với nước thải sinh hoạt, việc thu và nộp phí cơ bản vẫn được thực hiện như hiện nay. Riêng các doanh nghiệp sản xuất mà có sử dụng nước sạch cho hoạt động sản xuất thì đơn vị cấp nước sẽ cần rà soát, phân loại để không thu phí theo hoá đơn tiền nước mà cơ sở chỉ khai nộp phí theo nước thải công nghiệp thải ra để tránh thu trùng.

Đối với nước thải công nghiệp, trước đây, để xác định được số phí phải nộp đối với loại nước thải này, các doanh nghiệp phải định kỳ lấy mẫu, phân tích, đánh giá hàm lượng của 6 chất gây ô nhiễm trong nước nên gặp nhiều khó khăn về nhân lực, chi phí và máy móc phương tiện dẫn đến hiệu quả thu không cao.

Nay, Nghị định mới quy định các doanh nghiệp có dòng thải dưới 30 m3/ngày đêm thì chỉ phải nộp phí cố định cho cả năm hoạt động sản xuất.

Đối với các doanh nghiệp có khối lượng nước thải từ 30 m3/ngày đêm trở lên thì chỉ thu đối với 2 chất gây ô nhiễm phổ biến có trong nước thải để tính phí là COD và TSS. 4 chất kim loại nặng còn lại được thu theo hệ số K bằng cách xếp các doanh nghiệp này vào nhóm các cơ sở sản xuất có nước thải chứa kim loại nặng.

Với cách tính phí đơn giản và rút gọn như trên thì việc kê khai và nộp phí BVMT đối với nước thải sẽ đơn giản và thuận tiện cho cả người nộp và cơ quan thu.

Để hướng dẫn thực hiện, hiện nay, Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thiện dự thảo Thông tư và đang gửi xin ý kiến Bộ, ngành, địa phương trước khi ký ban hành.




Nguồn tin:Theo chinhphu.vn