Tin tức

Ý kiến công dân góp ý dự thảo Luật Đất đai sửa đổi 26/11/2012

0
Xung quanh dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đang được Quốc hội bàn thảo, nhiều bạn đọc, ý kiến công dân đã gửi đến Cổng Thông tin điện tử Chính phủ ý kiến đóng góp hoàn thiện dự thảo này.

Về thời gian, hạn mức giao đất nông nghiệp

Về vấn đề hạn mức giao đất nông nghiệp, ông Lê Xuân Chiến, ở Phủ Lý, Hà Nam cho rằng: Để phù hợp với trình độ phát triển của sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn, nhất là trong công cuộc đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, phát triển cánh đồng mẫu lớn, phát triển kinh tế trang trại,... dự thảo Luật nên quy định cụ thể về thời gian giao đất nông nghiệp phù hợp với từng loại đất như: trang trại, đất trồng lúa, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản,.. không nên quy định một mức thời hạn chung cho các loại đất nông nghiệp là 50 năm.

Ông Lê Xuân Chiến cho rằng, "Cùng là sản xuất nông nghiệp nhưng đặc thù mỗi loại hình sản xuất có sự khác nhau. Nếu trồng rừng gỗ tốt, như trồng lim phải 70 năm mới được thu hoạch; nếu khai hoang, phục hóa, lấn biển,... phải mất hàng chục năm mới có thể khai thác,... Việc kéo dài thời hạn sử dụng đất làm cho nông dân gắn bó hơn với đồng ruộng, yên tâm đầu tư sản xuất, nâng cao hiệu quả sử dụng đất".

Góp ý về hạn mức giao đất nông nghiệp và hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân, ông Nguyễn Văn Sơn (ở tỉnh Đồng Nai) cho rằng: Theo quy định tại Điều 113 dự thảo là: "không quá 10 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân", nhưng hiện nay nhà nước đang khuyến khích phát triển cánh đồng mẫu lớn với diện tích vài chục, cả trăm ha. Do đó, Luật Đất đai sửa đổi nên nghiên cứu mở rộng mức hạn điền để khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn.

Quản lý đất các khu công nghiệp

Về quy định quản lý đất công nghiệp tập trung, ông Nguyễn Mạnh Thế (ở Thành phố Hà Nội) đề nghị cần quy định chi tiết một số nội dung tại Điều 132 của dự thảo: "Việc sử dụng đất để xây dựng khu công nghiệp phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng khu công nghiệp đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt.

Khi quy hoạch, thành lập khu công nghiệp, khu chế xuất và các khu sản xuất, kinh doanh tập trung khác có cùng chế độ sử dụng đất phải đồng thời lập quy hoạch, xây dựng khu nhà ở, công trình công cộng phục vụ đời sống người lao động".

Ông Thế cho rằng: Luật Đất đai sửa đổi cần có quy định chi tiết vấn đề quản lý đất công nghiệp tập trung, theo hướng: Khi đầu tư xây dựng các khu công nghiệp, khu chế xuất và các khu công nghiệp tập trung, cần quy định cụ thể trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, xử lý nước thải, xây dựng các khu nhà ở, công trình công cộng,... sau khi hoàn thiện cơ bản các công trình này mới được phép thu hút đầu tư, có như vậy mới bảo đảm phát triển bền vững.

Số hóa dữ liệu đất đai

Bày tỏ quan điểm đồng tình với những nội dung liên quan đến việc xây dựng hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai, anh Lê Thanh Hùng (ở thành phố Đà Nẵng) cho rằng, dự thảo quy định việc xây dựng "Hệ thống thông tin đất đai thống nhất trên phạm vi cả nước, phục vụ đa mục tiêu là hết sức cần thiết. Chủ trương này, không chỉ giúp các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, mà còn giúp cho nhân dân và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các thông tin, dữ liệu về: địa chính, quy hoạch sử dụng đất, giá đất,...".

Ông Hùng cũng cho rằng, dự thảo cần quy định cụ thể cơ chế thực hiện các dịch vụ công trực tuyến như: đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất; đăng ký giao dịch bảo đảm về đất đai và tài sản gắn liền với đất; cung cấp thông tin, dữ liệu về đất đai.

Đồng thời, để Luật Đất đai sửa đổi sau khi được ban hành sớm đi vào cuộc sống, cũng phải quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý đất đai trong việc cung cấp các dịch vụ thuận tiện, đơn giản cho tổ chức và cá nhân trên môi trường mạng, đảm bảo lộ trình triển khai các dịch vụ công này cho phù hợp với công cuộc cải cách hành chính hiện nay.

Hoàn thiện hệ thống VBQPPL đất đai


Theo Luật gia Vũ Xuân Tiền, Luật Đất đai thông qua năm 2003 và đã có một hệ thống các văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành với khoảng trên 400 văn bản, gây khó khăn cho cả cán bộ, công chức thi hành công vụ và việc chấp hành pháp luật của người dân. Một trong những nguyên nhân của tình trạng đó là có rất nhiều vấn đề được Luật chuyển cho các văn bản dưới Luật quy định. Luật gia Vũ Xuân Tiền đề nghị Luật Đất đai (sửa đổi) nên khắc phục triệt để tình trạng nêu trên, chỉ nên chuyển cho văn bản dưới Luật những vấn đề mang tính hướng dẫn, thủ tục, không có nội dung quy phạm pháp luật, nhằm giúp cho công tác triển khai áp dụng luật được thuận lợi.


Nguồn tin:Theo chinhphu.vn