Tin tức

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang trả lời chất vấn: Cần mạnh tay trong xử lý sai phạm khoáng sản và để đất hoang hóa lãng phí 29/09/2014

0
Siết chặt quản lý khoáng sản, đất đai để dành tài nguyên cho thế hệ sau và giải quyết các bất cập trong quản lý tài nguyên là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang tại phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 29/9. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, trên tư cách là tư lệnh ngành TN&MT, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang đã nghiêm túc, có nhiều nỗ lực trong công tác tham mưu Chính phủ và trực tiếp chỉ đạo điều hành các nhiệm vụ quản lý Nhà nước về TN&MT.



 


Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang trả lời chất vấn


Siết chặt quản lý khoáng sản, đất đai để dành tài nguyên cho thế hệ sau và giải quyết các bất cập trong quản lý tài nguyên là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang tại phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 29/9. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, trên tư cách là tư lệnh ngành TN&MT, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang đã nghiêm túc, có nhiều nỗ lực trong công tác tham mưu Chính phủ và trực tiếp chỉ đạo điều hành các nhiệm vụ quản lý Nhà nước về TN&MT.

Trả lời câu hỏi chung liên quan đến quản lý Nhà nước về khoáng sản, môi trường và đất đai của đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội), Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang khẳng định: Trong bối cảnh phát triển kinh tế song cần tính đến yêu cầu phát triển bền vững, việc quản lý các lĩnh vực này đều khó, “nóng” bởi liên quan đến toàn xã hội. Các Luật Đất đai, Khoáng sản, Bảo vệ môi trường đều đã được ban hành với những điều chỉnh, bổ sung, cập nhật tình hình thực tế, phục vụ cho việc quản lý tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả.

 “Vấn đề quan trọng hơn là thực hiện tốt, nghiêm túc để các Luật đi vào cuộc sống. Đó là trách nhiệm chung từ cấp Trung ương đến địa phương. Chúng tôi tăng cường thanh kiểm tra, phát hiện những vướng mắc để kịp thời điều chỉnh các quy định”, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang nói.

* Xử lý vi phạm khoáng sản còn quá nhẹ

Đó là ý kiến của đại biểu Đỗ Văn Đương (Hải Dương). Bởi phần lớn các vi phạm khoáng sản mới xử phạt hành chính, rất ít vụ việc xử lý hình sự. Đồng tình với ý kiến này, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho rằng, trong các phạm vi của các Nghị định của Chính phủ chỉ quy định xử phạt vi phạm hành chính. Cũng cần đưa ra các hình thức xử phạt khác như thu hồi tiền, đóng cửa mỏ hoặc xử lý hình sự. Điều này cần được điều chỉnh trong các Luật khác.

Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Xuân Vinh (Quảng Nam) liên quan đến việc Bộ TN&MT sớm giải quyết việc cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản ở địa phương, Bộ trưởng cho biết, chủ trương của Chính phủ là cần xem xét rất kỹ lưỡng việc cấp phép cho các mỏ mới. Năm 2011, Bộ TN&MT không cấp giấy phép nào. Từ năm 2012 đến nay, Bộ cấp 109 giấy phép, trong đó 58 giấy phép thăm dò và 51 giấy phép khai thác. “Toàn bộ các hồ sơ này đều nhận trước ngày 1/7/2011 (khi Luật Khoáng sản có hiệu lực) và đều được phép của Thủ tướng Chính phủ”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng đề nghị, địa phương cho cấp phép đối với các điểm mỏ nằm trong quy hoạch khoáng sản phân tán nhỏ lẻ mà Thủ tướng Chỉnh phủ đã phê duyệt. Các mỏ đang cho khai thác cần đánh giá lại trữ lượng để xem xét tiếp tục gia hạn. Không nên làm tràn lan như trước đây. Bộ trưởng cũng lưu ý, các địa phương cần quan tâm hơn nữa đến việc xây dựng quy hoạch khoáng sản.

* Có chế tài đối với sử dụng đất lãng phí

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị như vậy khi tổng hợp cuối phiên chất vấn. Bởi theo Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang, Bộ vẫn đang nghiên cứu chính sách đảm bảo không để đất hoang hóa.
Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) cho biết thực trạng ở nhiều vùng nông thôn, một bộ phận nông dân đã chuyển đổi nghề nghiệp, không dùng đến đất nông nghiệp nhưng không trả lại đất, bỏ hoang đất hoặc sử dụng đất lãng phí. Việc này địa phương chưa có hướng giải quyết.
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho rằng, quyền sử dụng đất là của người dân. Địa phương nên có biện pháp để khuyến khích người dân chuyển nhượng, để đất được sử dụng hiệu quả; hoặc để thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa.

Một thực trạng khác là bất cập trong quản lý đất nông lâm trường quốc doanh. Đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) cho biết, nhiều hộ gia đình đã làm nhà và sinh sống ổn định nhiều đời trên đất nông lâm trường nhưng cho đến nay, vẫn chưa được thực hiện nghĩa vụ của mình trên mảnh đất đó. Đại biểu Danh Út (Kiên Giang) cho rằng, đất đai nông lâm trường đang bị chiếm dụng. Trước đây, thông kê là hơn 5 triệu ha nhưng hiện nay chỉ còn 3 triệu ha. Vậy 2 triệu ha này đã chuyển đổi mục đích sử dụng như thế nào?

Bộ trưởng cho biết, Bộ đang xây dựng Thông tư quy định về đo đạc, lập bản đồ địa chính, giao đất, cho thuê đất, cấp Giấy chứng nhận đối với Công ty nông, lâm nghiệp và Ban quản lý rừng. Việc quản lý đất nông lâm trường sẽ sớm được giải quyết trong năm 2015.
Về đảm bảo giữ 3,8 triệu ha đất trồng lúa để đảm bảo an ninh lương thực trọng bối cảnh biến đổi khí hậu, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết, hiện không có gì thay đổi về diện tích. Trên đất lúa, người dân có thể trồng cây hàng năm, nhưng cơ bản đất vẫn sử dụng để trồng lúa được. Vấn đề là nâng hiệu quả sử dụng đất.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Bộ TN&MT cần tăng cường hơn nữa việc cập nhật, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất liên quan đến đất lúa, bảo đảm diện tích đất lúa theo Nghị quyết Quốc hội. Việc giữ đất lúa phải phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước và địa phương.

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh: Khiếu nại về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chiếm lượng lớn nhất
Theo thống kê của Thanh tra Chính phủ, trong năm 2014, cả nước phát sinh phát sinh 82.000 đơn khiếu nại về đất đai. Số lượng đơn về đất chiếm 68% tổng lượng đơn mà Thanh tra Chính phủ nhận được.

Trong số các khiếu nại về đất đai thì khiếu nại về bồi thường, hỗ trợ tái định cư chiếm lượng lớn nhất (khoảng 50%), tiếp đó là tranh chấp đất đai (25%) và đòi lại đất cũ (20%)…

Một vấn đề cần lưu ý trong giải quyết khiếu nại liên quan đến đất đai là hiện các vụ việc cũ còn khá nhiều tồn đọng (63%). Bởi thế, Thanh tra Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương cần tích cực hơn. Theo tôi, giải pháp cần chú trọng nhất hiện nay hoàn thiên thể chế chính sách, đặc biệt quan tâm đến chất lượng văn bản và cần đánh giá việc thực hiện các văn bản đó để bổ sung điều chỉnh cho phù hợp. Đồng thời nâng cao trách nhiệm cơ quan Nhà nước. Việc người đứng đầu cơ quan Chính phủ tiếp công dân ít nhất 1 ngày trong tháng (theo Luật Tiếp Công dân) sẽ thúc đẩy việc giải quyết các vụ việc khiến nại kéo dài. Cũng cần tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người dân để họ hiểu, khiếu nại đúng thẩm quyết.

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương: Địa phương cấp phép khai thác khoáng: Nhiều bất cập

Chỉ từ 1/7/2011 đến 31/12/2012 mà địa phương cấp 957 giấy phép khai thác khoáng sản theo tôi là nhiều song việc quản lý còn nhiều vấn đề cần xem xét. Chỉ riêng khai thác cát sỏi, Bộ Công an và công an các địa phương đã phát hiện 6.200 vụ từ năm 2008 đến nay. Qua kiểm tra, theo dõi, chúng tôi cho rằng việc cấp phép ở các địa phương hiện đang có các tồn tại sau: Đó là cấp phép không đúng thẩm quyền; cấp phép khi đăng ký kinh doanh không có chức năng khai thác khoáng sản; cấp phép không thông qua đấu giá; cấp phép khi đơn vị chưa có giấy chứng nhận đầu tư; cáp phép khi chưa có quy hoạch; cấp phép khi chưa làm báo cáo đánh giá tác động môi trường; cấp phép khi chưa có đánh giá trữ lượng khoáng sản.

 
 

Nguồn tin:Theo monre.gov.vn