Tin tức

Bộ TN&MT đã hỗ trợ TP. Hải Phòng thực hiện Nghị quyết 32 của Bộ Chính trị ở mức cao nhất 19/07/2013

0
Sáng 18/7, tại Hà Nội, Ban Cán sự Đảng Bộ TN&MT có buổi làm việc với Thành ủy Hải Phòng về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 32-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 5/8/2003 về “Xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trong thời kỳ CNH-HĐH đất nước” trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang và Bí thư Thành ủy thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Thành chủ trì buổi làm việc.




Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang và Bí thư Thành ủy
thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Thành tại buổi làm việc


Cùng dự về phía Bộ TN&MT có Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển, Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển, đại diện các Vụ chức năng, Tổng cục, Cục trực thuộc Bộ; về phía thành phố Hải Phòng lãnh đạo UBND, HĐND cùng các đại diện các Sở, ban ngành.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Đỗ Trung Thoại cho biết, sau 10 năm thực hiện, thực tiễn đã khẳng định Nghị quyết 32 là chủ chương đúng, kịp thời thể hiện sự quan tâm của của Đảng, Nhà nước đối với Hải Phòng, nhờ đó, Đảng bộ và nhân dân thành phố đã phát huy khai thác các tiềm năng, lợi thế để phát triển nhanh, bền vững. Về tổ chức triển khai, thực hiện Nghị quyết 32-NQ/TW trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, những năm qua, được sự chỉ đạo, hỗ trợ và hướng dẫn của Bộ TN&MT, thành phố đã triển khai đồng bộ các nhiệm vụ về quản lý Nhà nước, khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.

 

Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang tại buổi làm việc


Cụ thể, về lĩnh vực đất đai: Bộ TN&MT đã chủ động hướng dẫn, hỗ trợ thành phố lập hồ sơ trình Chính Phủ phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất thành phố Hải Phòng thời kỳ 2000 - 2010; thời kỳ 2011 - 2020; Kế hoạch sử dụng đất 2001 - 2005; 2006 - 2010; 2011 - 2015. Đây chính là căn cứ, cơ sở để thành phố thực hiện việc thu hồi 8.352,3 ha đất để triển khai thực hiện 943 dự án. Toàn thành phố hiện có 36 cảng biển, 12 khu/cụm công nghiệp (trong đó có khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải), thu hút 116 dự án FDI còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký 3,1 tỷ USD, có nhiều công trình trọng điểm, dự án lớn cấp quốc gia. Bộ hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách trong việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất trên địa bàn thành phố; phối hợp, thống nhất chủ trương để thành phố Hải Phòng giải quyết triệt để 10 vụ trong tổng số 25 vụ khiếu nại, tố cáo kéo dài, phức tạp, đông người trong lĩnh vực đất đai.

Về việc xây dựng cơ sở dữ liệu và hồ sơ địa chính: Bộ đã hỗ trợ cơ sở dữ liệu địa lý (tỷ lệ 1/2.000) cho Thành phố Hải Phòng với diện tích 650km2 (chiếm khoảng 43% diện tích tự nhiên). Theo Kế hoạch đến cuối năm 2013, Bộ sẽ bàn giao cho thành phố cơ sở dữ liệu địa lý tỷ lệ 1/10.000 phủ toàn thành phố. Thẩm định Dự án xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai thành phố Hải Phòng, làm cơ sở để UBND thành phố phê duyệt; chuyển giao toàn bộ các phần mềm dùng chung để ứng dụng trong đo đạc; kiểm tra sản phẩm; đăng ký thống kê đất đai và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

 Về lĩnh vực môi trường: Bộ đã hỗ trợ Thành phố Hải Phòng 3 dự án với tổng giá trị 1,3 triệu USD là: Trung tâm Quan trắc môi trường;  nâng cao năng lực quản lý về ĐTM; kiểm soát ô nhiễm công nghiệp.

Cũng theo ông Thoại, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội thành phố gặp một số hạn chế, tồn tại cần khắc phục trong lĩnh vực tài nguyên môi trường. Theo đó, thành phố kiến nghị Bộ TN&MT hỗ trợ một số công việc để đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 32 như: Phê duyệt các Dự án "Điều tra tổng hợp tài nguyên và môi trường vùng biển phía Tây vịnh Bắc Bộ phục vụ phát triển kinh tế biển và quốc phòng an ninh” thuộc Đề án 47; mở rộng chương trình 158 của Chính phủ về quản lý tổng hợp vùng bờ thành phố Hải Phòng nói riêng và Hải Phòng - Quảng Ninh nói chung; hỗ trợ Hải Phòng xây dựng mạng lưới quan trắc cơ sở, phương tiện và thiết bị, đào tạo chuyên gia để kiểm soát, đánh giá được các yếu tố tác động tới biển; ưu tiên bố trí nguồn lực để cải tạo, nâng cấp tuyến đê biển nhằm ứng phó với "biến đổi khí hậu và nước biển dâng"; Lập quy hoạch môi trường trên cơ sở hiện trạng môi trường đánh giá định kỳ 5 năm và quan trắc hàng năm để xác định rõ môi trường; đánh giá tổng lượng thải, nhu cầu tiếp nhận chất thải vào môi trường....

 

Ông Đỗ Trung Thoại, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng báo cáo tại buổi làm việc


 Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang nhất trí với các kết quả của thành phố về công tác tài nguyên môi trường và các biện giải pháp trong thời gian tới . Bộ trưởng cho rằng: Thành phố Hải Phòng có vị trí quan trọng trong sự phát triển đất nước nói chung, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng duyên hải Bắc Bộ nói riêng. Tuy nhiên, thời gian qua, các nguồn thu từ tài nguyên đất sử dụng chưa được hiệu quả, việc thu hút đầu tư còn chưa cao dẫn tới bước tiến của thành phố còn chậm. Chính vì vậy, cần tập trung tận dụng lợi thế này hiệu quả hơn nữa.

Về những kiến nghị của thành phố, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết, hiện Bộ đang xây dựng Quy hoạch sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; triển khai xây dựng đề án Quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển để trình Quốc hội phê duyệt trong năm 2014. Trong quá trình xây dựng, triển khai thực hiện quy hoạch, Bộ sẽ phối hợp, hỗ trợ thành phố để thực hiện các nhiệm vụ đặt ra.

 

Quang cảnh buổi làm việc


Hiện nay, Bộ TN&MT đang triển khai các nhiệm vụ của Đề án Hợp tác quốc tế về biển đến năm 2020 (Đề án 80). Xây dựng, chuẩn bị trình phê duyệt 04 dự án hợp tác quốc tế có liên quan đến thành phố Hải Phòng. Ngoài ra, còn triển khai nhiệm vụ Phân vùng sử dụng và lập kế hoạch quản lý không gian vùng bờ Quảng Ninh - Hải Phòng trong khuôn khổ Thỏa thuận khung Hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ về KH&CN biển và vùng bờ giai đoạn 2010 – 2015, theo Hiệp định KH&CN Việt Nam - Hoa Kỳ với kinh phí phía Việt Nam là 2.680 triệu đồng. Đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với Bộ để triển khai hiệu quả các dự án, đề án nêu trên…


Nguồn tin:Theo monre.gov.vn