Tin tức

Từng bước hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất Thứ ba, 18/06/2013 18/06/2013

0
(TN&MT) - Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là một công cụ quản lý  quan trọng để đảm bảo cho phát triển bền vững, nhưng thực tế công tác này thời gian qua mang tính hình thức chậm và lạc hậu đáng kể so với tình hình sử dụng đất.




Bên cạnh đó là tình hình buông lỏng quản lý, nôn nóng, chạy theo lợi ích kinh tế ở nhiều địa phương, tự phát, chuyển mục đích sử dụng đất tạo ra sự rối loạn trong sử dụng đất để lại tác động xấu đến môi trường. Thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) ngày 17/6 các đại biểu Quốc hội đã có nhiều đề xuất từng bước hoàn thiện công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
 
Công tác quy hoạch sử dụng đất cần công khai, minh bạch

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) cho rằng, việc quy hoạch đất sử dụng đất hiện gây tác động không tốt đến tâm lý của người dân, vì thế công tác quy hoạch sử dụng đất cần công khai, minh bạch, không để xảy ra lợi ích nhóm. Việc công bố kế hoạch sử dụng đất các cấp không thể coi như việc công bố các văn bản khác, cần công khai, công bố tại trụ sở cơ quan, qua mạng, báo chí và các kênh khác để người dân được tiếp cận rộng rãi.

Về nguyên tắc dân chủ công khai trong lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) cho biết, trên thực tế nhiều năm qua, người dân vẫn phàn nàn họ luôn bị động trước quy hoạch của Nhà nước do không biết thông tin, không được tham gia ý kiến của quá trình lập quy hoạch. Đại biểu đề nghị Dự thảo quy định một điều về lấy ý kiến nhân dân đối với lập quy hoạch sử dụng đất ở các cấp.

Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) cho rằng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là vấn đề quan trọng, quyết định việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai. Vì thế, đề nghị công tác này phải bảo đảm nhất quán, tính liên kết giữa các địa phương trong vùng kinh tế, bảo đảm không bị phân tán nguồn lực đất đai.

Ở góc nhìn khác, đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) cho rằng, hiện nay công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn nhiều bất cập, gây lãng phí, khiến khiếu kiện kéo dài. Không ít quy hoạch dồn người dân đi từ bức xúc này đến bức xúc khác vì quy hoạch treo, đền bù, bồi thường cho người dân không thỏa đáng. Vì vậy, cần quy định rõ đất đai nằm trong quy hoạch sử dụng đất thì bị hạn chế những điều gì. Ví dụ không được tự ý xây dựng tức là không được chuyển mục đích sử dụng, sang nhượng, vậy thì cần phải quy định rõ. Việc hạn chế quyền sử dụng đất cũng phải được đền bù giống như thu hồi đất, vì thực tế người dân hạn chế quyền sử dụng đất cũng chịu thiệt hại rất lớn như không được sang nhượng, xây dựng, trồng cây lâu năm.
 
Phân cấp quy hoạch như cấp quản lý đất đai

Một số đại biểu cho rằng trong quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất cần có 4 cấp quản lý như Luật đất đai hiện hành. Theo đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình), cấp xã có thể đưa ra quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo Luật hiện hành vì xã có tổ chức đảng, có kế hoạch phát triển hàng năm đòi hỏi có kế hoạch sử dụng đất, nên chủ thể phải là cấp xã. Cũng từ nguyên tắc trên quy hoạch chi tiết, cấp xã hiểu biết nhất điều kiện kinh tế xã hội của địa phương.

Đồng quan điểm, đại biểu Trần Minh Diệu (Quảng Bình) cho rằng, dự thảo sửa đổi không quy định cấp xã thực hiện quy hoạch kế hoạch sử dụng đất để tiết kiệm thời gian, nhân lực như giải trình là chưa thuyết phục. Quy hoạch kế hoạch sử dụng đất không thể không gắn liền với quy hoạch kế hoạch về xây dựng nông thôn mới do cấp xã đang trực tiếp thực hiện. Những xung đột về đất đai, các lợi ích khác đều xảy ra ở cấp xã, tuy nhiên mọi công việc nếu được nhân dân và chính quyền địa phương bàn bạc quyết định thì dù khó đến mấy họ cũng quyết tâm để vượt qua và thực hiện.

Đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) lại cho rằng, quy hoạch là một lộ trình gồm 2 công đoạn là phân tích chính sách trước khi ra quyết định và quản lý thực hiện các chính sách sau khi quyết định. Nguồn cung ứng thông tin được rút ra từ sự đối thoại với xã hội. Hiện nay nội hàm các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn kém, quy hoạch phát triển quá rộng, quá chung chung, khó thực hiện trong khi quy hoạch cụ thể lại quá chi tiết và cứng nhắc, thiếu tính đồng bộ khi triển khai thực tế. Việc tổ chức thực hiện thiếu ổn định điều này không thu hút được các nhà đầu tư.

Đại biểu Trịnh Ngọc Phương kiến nghị sửa Điều 36 theo hướng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch kế hoạch sử dụng đất vùng tỉnh, kế hoạch sử dụng đất vùng, miền Chính phủ quy định chi tiết điều này. Theo đó đối với quy hoạch, kế hoạch sử đụng đất cấp quốc gia chỉ quy hoạch ở dạng chiến lược, nghĩa là đưa ra khung pháp lý mang tính chất chung, các định hướng phát triển và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên cho các vùng, miền có tính chất tương đồng về điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, về cơ cấu kinh tế, vị trí địa lý. Trên cơ sở đó quy hoạch sử dụng đất vùng tỉnh sẽ xác định các mục đích chính, có chính sách chiến lược vùng để sở hữu, sử dụng và sắp xếp các nguồn lực, nhằm đạt được mục đích đề ra cho vùng, đồng thời kết nối phù hợp định hướng với quy hoạch chung của quốc gia, sau đó vùng huyện đưa quy hoạch chi tiết và cụ thể về kế hoạch sử dụng đất cùng vùng, đồng thời xây dựng kế hoạch sử dụng đất cho cấp xã. Mỗi vùng có quyền quyết định về lập quy hoạch và vùng không có quyền cho phép địa phương thực hiện các quy hoạch nếu điều đó làm ảnh hưởng đến lợi ích chung của vùng.

Đại biểu cũng cho rằng, không nhất thiết trong Điều 36 phải có riêng về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho quốc phòng và an ninh, vì hai lĩnh vực này đã được kết hợp trong các quy hoạch vùng. Đại biểu Phương kiến nghị, từ Điều 38 đến Điều 41 cần điều chỉnh lại và đưa vào nghị định hướng dẫn. Việc điều chỉnh như vậy sau khi chúng ta xây dựng Luật quy hoạch sau này sẽ có tính chất nhất quán, trong đó hợp nhất các quy hoạch kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, cơ sở hạ tầng, quy hoạch ngành và quy hoạch đô thị để tìm tiếng nói chung, đảm bảo yêu cầu công bằng, sống tốt và bền vững, đặc biệt là cơ sở dữ liệu quốc gia về các quy hoạch có sự thống nhất cao. Theo đó, chúng ta cần một sản phẩm quy hoạch duy nhất bao gồm cả quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng chi tiết, trong đó có quy hoạch sử dụng đất, sẽ giải quyết được những bất cập mà lâu nay chúng ta đang vướng là nên lựa chọn loại quy hoạch nào làm căn cứ giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, đồng thời hạn chế những khiếu nại của dân.

Đại biểu Trịnh Ngọc Phương cũng đề nghị Ban soạn thảo nên bổ sung điều, khoản về giám sát và đánh giá hiệu quả, hiệu suất cũng như tác động của quy hoạch kế hoạch sử dụng đất trong quá trình thực thi quy hoạch. Bởi vì nếu thiếu sự giám sát khó có thể đưa ra những điều chỉnh hợp lý và loại bỏ những bất hợp lý khi triển khai quy hoạch trong thực tế, dẫn đến tình trạng quy hoạch treo như hiện nay.
 
Làm rõ trách nhiệm của Hội đồng thẩm định

Đại biểu Phùng Đức  Tiến (Hà Nam) nêu vấn đề, Điều 43, về thẩm định quy hoạch kế hoạch sử dụng đất ở Khoản 2 có ghi, Hội đồng thẩm định Quy hoạch kế hoạch sử dụng đất các cấp có trách nhiệm thẩm định và thông báo kết quả thẩm định quy hoạch kế hoạch sử dụng đất đến cơ quan có trách nhiệm lập quy hoạch kế hoạch sử dụng đất. Nếu ghi như vậy chưa làm rõ quyền hạn, trách nhiệm của Hội đồng thẩm định, tôi đề nghị Hội đồng thẩm định phải chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định của mình, để tránh tình trạng làm việc thiếu trách nhiệm của Hội đồng thẩm định hoặc có sự thỏa thuận của Hội đồng, thành viên Hội đồng với tổ chức tư vấn, làm quy hoạch kế hoạch sử dụng đất, mặt khác cũng cần làm rõ khi Hội đồng thẩm định và cơ quan lập quy hoạch kế hoạch sử dụng đất không thống nhất được với nhau thì xử lý như thế nào.

Còn Hội đồng thẩm định đã có ý kiến đúng thì cơ quan có trách nhiệm lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải tiếp thu ý kiến của Hội đồng thẩm định, chỉnh sửa quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trước khi trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Cũng trong Khoản 2 cần làm rõ, Hội đồng thẩm định thông báo kết quả thẩm định đến cơ quan có trách nhiệm cần quy hoạch kế hoạch sử dụng đất là cơ quan nào. Vì trong Điều 42, Khoản 2 nêu cơ quan quản lý cấp tỉnh, cấp huyện chủ trì giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp trong việc lập quy hoạch kế hoạch sử dụng đất.

Theo đại biểu Trần Văn Tấn (Tiền Giang), về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được quy định tại Khoản 2, Điều 48 và Điều 92 chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của Nhà nước mà chưa chú ý đế các quyền của người sử dụng đất trong vùng quy hoạch. kế hoạch sử dụng đất.

Trong thực tế xảy ra nhiều cơ quan Nhà nước công bố quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, công bố diện tích đất phải thu hồi theo dự án, nhưng sau đó không thực hiện hoặc chậm thực hiện làm ảnh hưởng trực tiếp đến các quyền và cuộc sống của người dân trong khu vực có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Đại biểu Trần Văn Tấn đề nghị bổ sung vào Điều 164 về quyền chung của người sử dụng đất với nội dung quy định: Nhà nước có chính sách hỗ trợ đối với những trường hợp người sử dụng đất trong vùng đã công bố quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, có diện tích đất bị thu hồi mà thiệt hại do hạn chế quyền sử dụng đất.

Đồng tình quan điểm này, theo một số đại biểu, thời hạn kế hoạch sử dụng đất của cấp huyện được lập hàng năm là quá ngắn. Theo đại biểu, chu kỳ nên quy định là 2 năm, 5 năm 2 lần. Bởi lẽ việc quy định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm dễ gây nên xáo trộn trên thực tiễn, không yên tâm của người dân. Luật quy định giao đất ổn định lâu dài 50 năm thì các quy hoạch cũng cần phải có tính ổn định.



Nguồn tin:Theo tainguyenmoitruong.com.vn