Tin tức
Nghành đo đạc bản đồ hướng đến tầm nhìn xa 2040
29/06/2020
Cục Đo đạc Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam đã hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển Ngành Đo đạc và bản đồ Việt Nam và xây dựng Hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia, giai đoạn đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2040 trình Bộ TN&MT, trình Chính phủ phê duyệt.
Cục Đo đạc Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam đã hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển Ngành Đo đạc và bản đồ Việt Nam và xây dựng Hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia, giai đoạn đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2040 trình Bộ TN&MT, trình Chính phủ phê duyệt.
* 12 năm thực hiện Chiến lược 33
Ông Hoàng Ngọc Lâm, Cục trưởng Cục Đo đạc Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam cho biết: Qua 12 năm thực hiện Chiến lược phát triển Ngành Đo đạc và bản đồ Việt Nam đến năm 2020 (Chiến lược 33), ngành đo đạc và bản đồ Việt Nam đã có bước phát triển toàn diện về tổ chức, lực lượng và tiềm lực khoa học - kỹ thuật, đạt được những mục tiêu mà Chiến lược đề ra.
Trong đó, thành tựu nổi bật nhất là đã xây dựng hoàn thiện được hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về đo đạc và bản đồ, các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế - kỹ thuật về đo đạc và bản đồ đồng bộ, đầy đủ đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý nhà nước và triển khai các nhiệm vụ đo đạc và bản đồ. Đặc biệt ngày 14 tháng 6 năm 2018, Luật Đo đạc và bản đồ đã được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 5 thông qua và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2019. Luật Đo đạc và bản đồ là khung pháp lý quan trọng làm cơ sở thúc đẩy sự phát triển của Ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo.
Cùng với đó là, hệ thống cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ từ trung ương đến địa phương đã từng bước được hoàn thiện đảm bảo đồng bộ, với đội ngũ cán bộ công chức có năng lực chuyên môn vững vàng, đáp ứng yêu cầu thực hiện công tác quản lý nhà nước ngày càng chặt chẽ, hiệu lực, hiệu quả, góp phần xứng đáng trong sự phát triển mạnh mẽ của Ngành Tài nguyên và Môi trường.
Tuy nhiên, theo Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam, hiện còn có một số hạn chế, bất cập, đó là: Việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về đo đạc và bản đồ, đặc biệt nguồn nhân lực chuyên môn về công nghệ thông tin, xử lý dữ liệu không gian địa lý còn rất thiếu; chưa có các cơ chế chính sách đãi ngộ thỏa đáng để thu hút được nhân lực có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu nhân lực để phát triển trong tình hình mới.
Thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ hiện nay về cơ bản là đầy đủ, tuy nhiên việc cập nhật dữ liệu còn chậm, quy định về việc tiếp cận, khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ còn nhiều hạn chế, thiếu các cơ chế chia sẻ thông tin dữ liệu để sử dụng chung, thiếu các chương trình, giải pháp hỗ trợ người dùng trong việc phát triển các ứng dụng để khai thác sử dụng dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ một cách hiệu quả trong các hoạt động quản lý nhà nước cũng như trong hoạt kinh tế xã hội.
Việc đầu tư, triển khai các dự án còn kéo dài dẫn tới chưa đồng bộ trong việc thực hiện các nhiệm vụ chiến lược, chưa phát huy được hết hiệu quả của dữ liệu không gian địa lý, của việc ứng dụng khoa học, công nghệ.
* Tiệm cận trình độ khu vực và thế giới
Ông Hoàng Ngọc Lâm cho biết: Dự thảo Chiến lược được xây dựng với 05 quan điểm, đây là những quan điểm phù hợp với chính sách phát triển kinh tế xã hội nói chung và Ngành Đo đạc và bản đồ nói riêng, đã được quy định tại Luật Đo đạc và bản đồ. Cụ thể là: Phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Ngành đo đạc bản đồ xây dựng chiến lược phát triển đến 2040
Ưu tiên đầu tư cho các nhiệm vụ đo đạc và bản đồ phục vụ phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục sự cố môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ đo đạc và bản đồ theo hướng tiên tiến, hiện đại.
Xây dựng, phát triển hạ tầng dữ liệu không gian quốc gia đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.
Khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư, nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới; đào tạo phát triển nguồn nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ.
Tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tiếp cận, khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ, hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia; tham gia hoạt động đo đạc và bản đồ.
Ông Hoàng Ngọc Lâm cũng thông tin: Trên cơ sở kết quả đạt được, những vấn đề cần tiếp tục phát triển của Chiến lược 33, đảm bảo kế thừa, chuyển tiếp để đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin dữ liệu sản phẩm đầy đủ, chính xác, kịp thời phục vụ quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, và các nhiệm vụ xây dựng, vận hành hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia; trên cơ sở khung mục tiêu theo khuyến cáo của Liên Hợp Quốc về xây dựng hành hạ tầng dữ liệu không gian địa lý, Chiến lược đã đề ra 6 mục tiêu, đó là: Xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và hệ thống bản đồ địa hình quốc gia đồng bộ, thống nhất trong cả nước trên đất liền, vùng biển và hải đảo Việt Nam, đảm bảo được cập nhật đầy đủ, chính xác, kịp thời đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu;
Xây dựng, hoàn thiện công trình hạ tầng đo đạc; Xây dựng và quản lý hạ tầng dữ liệu không gian quốc gia đảm bảo tích hợp, chia sẻ dữ liệu không gian địa lý giữa các cơ quan, ban ngành, giữa trung ương với địa phương phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số; Thúc đẩy việc khai thác, sử dụng rộng rãi thông tin, dữ liệu sản phẩm đo đạc và bản đồ trong mọi hoạt động kinh tế - xã hội; Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển ứng dụng công nghệ; đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực cho phát triển Ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam; đào tạo hướng dẫn tổ chức cá nhân để nâng cao năng lực trong việc khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.
Mở rộng hợp tác quốc tế sâu rộng trong hoạt động đo đạc và bản đồ, thiết lập hợp tác liên ngành, quan hệ đối tác cộng đồng nhằm thúc đẩy việc quản lý, trao đổi, tạo dựng, duy trì giá trị thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ.
Theo ông Hoàng Ngọc Lâm, để đảm bảo sự phát triển lâu dài, bền vững của ngành, tầm nhìn đến năm 2040 đặt mục tiêu để phát triển ngành với trình độ cao, chủ động trong công nghệ, phương tiện thu nhận, xây dựng, cập nhật thông tin, dữ liệu sản phẩm đo đạc và bản đồ ngang tầm với các nước trong khu vực, các nước phát triển trên thế giới. Xây dựng vận hành Hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia đảm bảo được cập nhật, quản lý vận hành, trao đổi, tạo dựng, duy trì giá trị thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ liên tục, cung cấp thông tin không gian được tích hợp nhằm tối đa hoá việc ra quyết định về phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quản lý môi trường, quốc phòng, an ninh đáp ứng yêu cầu trao đổi thông tin của toàn xã hội; kết nối mạng dữ liệu không gian của Việt Nam với mạng dữ liệu không gian toàn cầu.
Để thực hiện thành công các mục tiêu đề ra, Dự thảo Chiến lược cũng đề ra 11 nhóm nhiệm vụ và giải pháp. Trong đó ưu tiên việc hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về đo đạc và bản đồ.
Xây dựng, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ đảm bảo đồng bộ, chính xác thuận lợi cho việc sử dụng chung.
Hoàn thiện, công bố số liệu các mạng lưới đo đạc quốc gia gồm: mạng lưới tọa độ quốc gia, mạng lưới độ cao quốc gia, mạng lưới trọng lực quốc gia và mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia. Xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và thành lập hệ thống bản đồ địa hình quốc gia đầy đủ, chính xác, kịp thời, làm nền tảng cho hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia…
“Các giải pháp đã được nghiên cứu xây dựng trên cơ sở kế thừa các thành tựu mà Chiến lược 33 đã đạt được, những yêu cầu đặt ra cho Ngành trong giai đoạn tới; đối với các nhiệm vụ giải pháp xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý (NSDI), các nhiệm vụ giải pháp đã bám sát yêu cầu về NSDI, trên cơ sở các giải pháp theo khuyến cáo của Liên hợp quốc về xây dựng NSDI” – Ông Hoàng Ngọc Lâm cho biết thêm.
Nguồn tin:Theo monre.gov.vn