Tin tức
Sửa đổi Thông tư về quản lý chất thải nguy hại
24/10/2019
“Ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT về quản lý CTNH nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, giúp công tác quản lý Nhà nước về chất thải nguy hại chặt chẽ, rõ ràng và minh bạch hơn.
“Ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT về quản lý CTNH nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, giúp công tác quản lý Nhà nước về chất thải nguy hại chặt chẽ, rõ ràng và minh bạch hơn. Vì vậy, việc soạn thảo dự thảo mới này cần có sự thống nhất với các văn bản luật khác có liên quan, nội dung sửa đổi cần được viết dễ hiểu, dễ áp dụng trong trong thực tế”, đó là chỉ đạo của Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân tại cuộc họp rà soát, sửa đổi, bổ sung Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT về quản lý chất thải nguy hại (CTNH) ngày 23/10.
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân chủ trì cuộc họp
Theo báo cáo của Vụ Quản lý chất thải (Tổng cục Môi trường) việc sửa đổi, bổ sung Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT là nhiệm vụ cần thiết, dựa trên căn cứ Luật Bảo vệ môi trường năm 2014; Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu; Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường…
Theo đó, dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT có nhiều điểm mới quy định chặt chẽ hơn về công tác quản lý chất thải nguy hại. Đơn cử như việc liên kết giữa 2 tổ chức, cá nhân, trong đó, một bên chỉ thực hiện việc vận chuyển chất thải nguy hại và chuyển giao trách nhiệm cho bên quản lý còn lại được quy định thêm về việc liên kết đảm bảo nguyên tắc là việc thu gom, vận chuyển và chuyển giao chất thải nguy hại cho bên tiếp nhận là hoạt động phụ trợ ở quy mô, phạm vi không vượt quá hoạt động chính là thu gom, vận chuyển chất thải nguy hại về cơ sở xử lý chất thải nguy hại của chính bên chuyển giao để xử lý. Bên chuyển giao chỉ được thực hiện liên kết để phục vụ các chủ nguồn thải có mã CTNH được thu gom, vận chuyển về cơ sở của chính mình để xử lý.
Về công tác vận chuyển CTNH, dự thảo quy định không được vận chuyển hoặc xử lý quá năng lực tự vận chuyển CTNH hoặc số lượng CTNH được phép xử lý ghi trên giấy phép. Về trình tự, thủ tục cấp Giấy phép xử lý CTNH, sau khi tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ hợp lệ, sau 10 ngày, đơn vị thường trực sẽ thành lập đoàn kiểm tra thực tế tại cơ sở xử lý CTNH và có văn bản chấp thuận Kế hoạch vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải. Đối với trường hợp tổ chức, cá nhân chưa đáp ứng đủ các điều kiện, yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý theo quy định để vận hành thử nghiệm, đoàn kiểm tra có ý kiến cụ thể trong biên bản kiểm tra hoặc đơn vị thường trực thông báo bằng văn bản (trường hợp cần thiết) cho tổ chức, cá nhân để đáp ứng, thực hiện hoặc giải trình để đơn vị thường trực có văn bản chấp thuận Kế hoạch vận hành thử nghiệm hoặc thành lập đoàn kiểm tra lại…
Sau khi nghe ý kiến đóng góp của các đại biểu vào dự thảo Thông tư, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân chỉ đạo: “Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT về quản lý CTNH nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, giúp công tác quản lý Nhà nước về chất thải nguy hại chặt chẽ, rõ ràng và minh bạch hơn. Vì vậy, việc soạn thảo dự thảo mới này cần có sự thống nhất với các văn bản luật khác có liên quan, nội dung sửa đổi cần được viết dễ hiểu, dễ áp dụng trong trong thực tế”. Thứ trưởng yêu cầu hoàn thành sớm bộ hồ sơ để trình lãnh đạo Bộ. Các đơn vị trực thuộc có ý kiến góp ý để hoàn thiện dự thảo Thông tư, có căn cứ khoa học cụ thể và đảm bảo hiệu quả thiết thực khi triển khai trong thực tế./.
Nguồn tin:Theo monre.gov.vn