Tin tức

Thúc đẩy chính sách công trong lĩnh vực môi trường 06/06/2019

0
Theo các chuyên gia Pháp, để giải quyết "bài toán" rác thải và ô nhiễm môi trường, bảo đảm phát triển bền vững, chính sách công được coi là giải pháp tiên quyết để hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường đang ngày càng gia tăng.





Ô nhiễm không khí
 
Ô nhiễm không khí đang là thách thức với các quốc gia đang phát triển, đặc biệt tại khu vực đô thị, thành phố - nơi có mật độ xây dựng cơ sở hạ tầng và lưu lượng giao thông cao. Đánh giá mức độ tăng, giảm ô nhiễm không khí do chính sách công mang lại, hiện, một dự án đánh giá thí điểm xung quanh tuyến phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm do các nhóm chuyên gia của Pháp đang tiến hành được kỳ vọng sẽ là cơ sở khoa học quý báu để các cơ quan quản lý của Việt Nam có những quyết sách phù hợp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí.
 
Ông Emmanuel Cerise - Đại diện vùng Ile-De-France, Giám đốc Cơ quan hỗ trợ Hợp tác quốc tế vùng Paris tại Việt Nam, Trưởng nhóm nghiên cứu - cho biết: Mục tiêu dự án hướng đến nhằm hỗ trợ kỹ thuật cho các chính sách công, giảm thiểu ô nhiễm không khí thông qua đánh giá thí điểm ảnh hưởng của tuyến phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm. Kết quả kỳ vọng sẽ có các mẫu phân tích chất lượng không khí, cung cấp cho chính quyền những thông tin khoa học cũng như luận cứ… nhằm triển khai hoạt động công khác, góp phần bảo vệ môi trường.

 


Chuyên gia giới thiệu mô hình hóa và giả lập về ô nhiễm không khí
 
Quản lý rác thải
 
Một trong những thách thức lớn của môi trường Việt Nam là rác thải sinh hoạt, đặc biệt là rác thải nhựa. Hiện, trung bình Hà Nội thải ra 700 nghìn tấn rác thải sinh hoạt/ngày; trong đó, 80 - 90% được chôn lấp hoặc đốt; hai phương pháp này đều gây ra ô nhiễm môi trường nước, đất, không khí… Do vậy, trước khi tìm kiếm công nghệ xử lý, các chuyên gia Pháp cho rằng, Việt Nam cần có chính sách công để giảm thiểu phát thải rác ra môi trường.
 
Bà Marie –Lan Nguyen Leroy - đến từ Paris Région Expertise-Vietnam - nhận xét: Ở Việt Nam, từ các chợ cóc, quán ăn vỉa hè đến các nhà hàng đều có thói quen dùng túi nilon hoặc sản phẩm sản xuất từ nhựa, gây ra vấn nạn rác thải nilon. Sản phẩm đồ dùng một lần bằng nhựa được các nhà bán lẻ, người bán hàng sử dụng nhiều bởi vì rẻ, mang lại lợi ích kinh tế hơn cho người bán hàng. Do vậy, Việt Nam cần dùng các chính sách công để tác động lên giá thành sản phẩm sử dụng một lần nhằm giảm thiểu rác thải nguy hại. Khi giá thành không còn rẻ, người bán hàng sẽ cân nhắc để lựa chọn các sản phẩm khác thay thế.
 
Sản xuất và phát triển bền vững

 
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp sinh thái, công nghiệp sạch theo hướng sản xuất sạch hơn, sử dụng năng lượng và nguồn lực tài nguyên hiệu quả, tối ưu. Việt Nam đã ban hành Chiến lược tăng trưởng xanh, Chiến lược quốc gia về sản xuất sạch hơn và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2020 - 2030, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả… Bên cạnh đó, nhiều chính sách được ban hành nhằm khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp sinh thái…, góp phần hình thành thị trường nông sản sạch.
 
Theo bà Estelle Biiensable - Viện Nghiên cứu Cirad, Việt Nam đã thành công trong quá trình chuyển đổi kinh tế, các loại hình canh tác sẽ tác động đến môi trường, nhất là một số lĩnh vực canh tác đang sử dụng nhiều tài nguyên nước trong khi tình trạng khô hạn diễn ra thường xuyên. Các dự án triển khai ở Việt Nam mong muốn chuyển đổi từ mô hình nông nghiệp thâm canh sang nông nghiệp sạch, sinh thái, bảo vệ môi trường, mục tiêu cuối cùng là tích hợp tốt hơn các chính sách nông nghiệp, nông thôn, thực phẩm, môi trường, đô thị và thương mại ở cấp quốc gia và khu vực của ASEAN.
 
Bà Nguyễn Thị Thanh An - Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) - cho rằng, so với quốc tế, Việt Nam vẫn là quốc gia phát thải thấp nhưng lại nằm trong số những nước tiêu thụ điện lớn nhất do cường độ tiêu thụ năng lượng của nền kinh tế. "Để giải quyết bài toán thiếu năng lượng và quản lý hiệu quả, chúng tôi đã có những dự án hỗ trợ Việt Nam trong dịch chuyển năng lượng và sinh thái theo hướng có trách nhiệm và bền vững hơn" - bà Nguyễn Thị Thanh An cho biết.
 
Năm 2018, Pháp đã dành 900 triệu Euro cho 18 dự án tại Việt Nam, trong đó có 400 triệu Euro được cam kết cho lĩnh vực năng lượng như: Thủy điện, năng lượng tái tạo, nâng cao năng lực hệ thống truyền tải quốc gia Việt Nam…
 
Trong sản xuất công nghiệp, nhằm giúp các doanh nghiệp Việt Nam hướng đến sản xuất sạch hơn, sử dụng công nghệ thân thiện môi trường, AFD đang cùng với đối tác là các ngân hàng của Việt Nam thương thảo xây dựng Chương trình "Tín dụng xanh" dành cho các doanh nghiệp có nhu cầu chuyển đổi công nghệ, thực hiện dự án hướng đến sản xuất sạch hơn, thân thiện môi trường, sử dụng năng lượng hiệu quả… "Nguồn vốn cấp cho các ngân hàng nhưng đối tượng thụ hưởng cuối cùng là các doanh nghiệp. Chúng tôi kỳ vọng thời gian tới sẽ thống nhất được với các ngân hàng về cơ chế để Chương trình "Tín dụng xanh" được triển khai hiệu quả nhất" - bà Thanh An nhấn mạnh.
 
Ông Bertrand Lortholary - Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam:

 
Kể từ năm 1990 đến nay, Pháp đã tài trợ gần 2 tỷ Euro cho Việt Nam thông qua 80 dự án khác nhau, các dự án đều phải bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững. Tất cả các dự án này đều được sử dụng nguồn vốn vay ODA ưu đãi hoặc không hoàn lại và 100% tương thích với Thỏa thuận Paris về khí hậu năm 2015.



Nguồn tin:Theo congthuong.vn

PHẦN MỀM QUẢN LÝ DỰ ÁN
VĂN BẢN TRỰC TUYẾN
QUẢN LÝ VB&HSCV
HỆ THỐNG QUẢN LÝ CÁN BỘ