Tin tức

Xác định Việt Nam ở đâu để làm cách mạng công nghiệp 4.0 13/07/2018

0
Sáng 5/12, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Hội thảo - Triển lãm Quốc tế về Phát triển Công nghiệp thông minh (Smart Industry 2017) với chủ đề "Định hình và phát triển nền sản xuất công nghiệp thông minh trong tương lai”.






Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
đã đến dự hội thảo và cắt băng khai trương triển lãm.

Xác định Việt Nam ở đâu để làm cách mạng công nghiệp 4.0

Thủ tướng cho rằng cần xác định rõ Việt Nam đang ở đâu, xuất phát điểm và đánh giá thực tiễn ra sao để nắm bắt và xây dựng chiến lược phát triển cách mạng công nghiệp 4.0.


Xác định 3 nhiệm vụ trọng tâm

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng nhấn mạnh 3 nhiệm vụ trọng tâm và đề nghị các diễn giả, nhà khoa học, doanh nghiệp,  cơ quan Nhà nước nghiên cứu và làm rõ.


Thủ tướng cùng lãnh đạo bộ, ngành, các đại biểu cắt băng
khai trương triễn lãm Smart Industry 2017. Ảnh: VGP.

"Thứ nhất cần xác định Việt Nam đang ở đâu trên con đường phát triển. Đánh giá hiện trạng ứng dụng công nghệ mới, khoa học kỹ thuật, thực tiễn nền kinh tế, nền sản xuất trong nước, từ đó chỉ ra những cơ hội, thách thức, đe dọa để tiếp cận công nghiệp 4.0", người đứng đầu Chính phủ phát biểu.

Nhiệm vụ thứ hai, theo Thủ tướng, là cần xác định thế giới đang làm gì để phát triển cách mạng công nghiệp 4.0. Các nước trên thế giới, đặc biệt những nơi có điều kiện tương đồng với Việt Nam đã làm gì, có chiến lược ra sao.

Thứ ba là chỉ ra Việt Nam cần làm gì để phát triển nền kinh tế số, phát triển cách mạng 4.0.

Thủ tướng nhấn mạnh thế giới đang chứng kiến cuộc cách mạng 4.0 với sự phát triển bùng nổ các loại khoa học kỹ thuật mới. Cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra thách thức và cơ hội cho sự phát triển của mỗi quốc gia, mỗi doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân.
Chính phủ Việt Nam cũng đã quan tâm xây dựng cơ chế và chính sách phát triển công nghiệp thông minh 4.0. Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 16 phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực… Các bộ ngành, địa phương cũng đã tập trung xây dựng ứng dụng công nghệ thông tin.

 

Theo người đứng đầu Chính phủ, việc tận dụng cách mạng công nghiệp 4.0 là
then chốt để phát triển, hiện đại hóa đất nước, định hướng tăng cường
tiềm lực, khuyến khích và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Ảnh: VGP.

Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đổi mới sáng tạo tăng gần gấp đôi, lên 3.000 doanh nghiệp năm 2017. Các tập đoàn, ngân hàng lớn tiếp tục huy động nguồn tài chính lớn cho khởi nghiệp.

Những thách thức lớn cho Việt Nam ở thời đại 4.0

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh phát triển cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra nhiều thách thức lớn với Việt Nam.
Nhiều ngành nghề có số lượng lao động lớn như dệt may, da giày… sẽ từng bước thay đổi công nghệ, ứng dụng bằng robot là thách thức hàng triệu người lao động trong nước.
Thách thức khác nữa là doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu nhỏ và vừa, chưa tiếp cận với chuỗi giá trị toàn cầu, do yếu kém về công nghệ, nắm bắt các xu thế kinh doanh mới, trình độ công nghệ của nền kinh tế còn khiêm tốn. Nhiều ngành, nhiều lĩnh vực còn lạc hậu, ảnh hưởng lớn đến môi trường, thách thức quốc phòng an ninh.

 

Thủ tướng trao đổi với các đại biểu,
doanh nghiệp bên lề hội thảo. Ảnh: H. Công


Tuy nhiên, Việt Nam có vị trí địa lý thuận lợi tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, có kinh tế phát triển nhanh. Chúng ta cũng đang ở thời kỳ dân số vàng, nguồn lao động rất dồi dào. Việc tận dụng cách mạng công nghiệp 4.0 là then chốt để phát triển, hiện đại hóa đất nước, định hướng tăng cường tiềm lực, khuyến khích và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Quan điểm của Chính phủ là phát triển kinh tế số, tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Chính phủ sẽ tập trung hoàn thiện thể chế và chính sách, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế số, chuyển đổi số, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào xây dựng Chính phủ điện tử.

Doanh nghiệp vừa là trung tâm vừa là động lực phát triển công nghệ thông minh, công nghệ mới, phát triển nền kinh tế số ở Việt Nam. Các doanh nghiệp phải có tầm nhìn và mơ ước lớn, vượt qua biên giới quốc gia, phát triển thị trường trong nước và quốc tế, đáp ứng nhu cầu người dân.

“Cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội thực hiện khát vọng phồn vinh của dân tộc. Chính phủ sẽ cởi mở, sẵn sàng thay đổi và phát triển kinh tế số”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Hội thảo và triển lãm quốc tế về phát triển công nghiệp thông minh – Smart Industry World 2017” do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với nhiều bộ, ngành và Ngân hàng Nhà nước tổ chức.

Hội thảo với mục đích tạo lập diễn đàn giúp các cơ quan tham mưu của Đảng, cơ quan quản lý Nhà nước, các nhà nghiên cứu, chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp thảo luận về định hướng, các giải pháp thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp thông minh tại Việt Nam trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần lần thứ 4. 

Bên cạnh hội thảo, triển lãm quốc tế về Công nghiệp thông minh với khoảng 50 gian hàng trưng bày ứng dụng công nghệ và sản phẩm công nghiệp thông minh từ các tập đoàn công nghệ hàng đầu. Triển lãm có các gian hàng công nghệ của các đối tác từ Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Israel, Hàn Quốc…

Nguồn tin:Theo news.zing.vn

PHẦN MỀM QUẢN LÝ DỰ ÁN
VĂN BẢN TRỰC TUYẾN
QUẢN LÝ VB&HSCV
HỆ THỐNG QUẢN LÝ CÁN BỘ