Tin tức

Bảo tồn, sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước 06/08/2019

0
Ngày 29/7/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Nghị định số 66/2019/NĐ-CP về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước. Nghị định gồm 5 chương, 33 Điều quy định về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam.





Bảo tồn, sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước (ảnh minh họa)

Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động trực tiếp hoặc liên quan đến bảo tồn và sử dụng các vùng đất ngập nước trên phạm vi lãnh thổ của Việt Nam.

Nghị định nêu rõ 3 nguyên tắc bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước gồm:

 (1) Việc bảo tồn và sử dụng vùng đất ngập nước phải được thực hiện trên nguyên tắc tiếp cận hệ sinh thái, bảo đảm duy trì toàn vẹn cấu trúc, chức năng, đặc tính sinh thái và đa dạng sinh học của vùng đất ngập nước;

(2) Tăng cường vai trò, sự tham gia của cộng đồng dân cư sinh sống trên, xung quanh vùng đất ngập nước và các bên liên quan trong bảo tồn, sử dụng bền vững vùng đất ngập nước;

(3) Đảm bảo cơ chế chia sẻ lợi ích công bằng, hợp lý về quyền lợi và nghĩa vụ giữa các bên liên quan trong việc sử dụng dịch vụ hệ sinh thái đất ngập nước.

Khuyến khích đầu tư cho bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước

Theo Nghị định, Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, cộng đồng dân cư đầu tư, tham gia vào các hoạt động sau đây:

(1) Bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên và loài chim di cư tại vùng đất ngập nước.
(2) Phục hồi các vùng đất ngập nước quan trọng, các hệ sinh thái đất ngập nước tự nhiên đã bị suy thoái hoặc bị khai thác quá mức; duy trì và phòng ngừa sự biến đổi các đặc tính sinh thái vùng đất ngập nước.
(3) Giám sát các hoạt động trên vùng đất ngập nước quan trọng; phát hiện và thông báo kịp thời với cơ quan chức năng về các hành vi vi phạm pháp luật về bảo tồn và sử dụng bền vững vùng đất ngập nước quan trọng.
(4) Thực hiện mô hình sinh kế bền vững về môi trường, mô hình bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước, các hoạt động du lịch sinh thái theo quy định của pháp luật.
Tại Nghị định cũng quy định cụ thể các tiêu chí xác định vùng đất ngập nước quan trọng; Danh mục các vùng đất ngập nước quan trọng; điều kiện thành lập khu bảo tồn đất ngập nước...

Tiêu chí xác định vùng đất ngập nước quan trọng

1. Vùng đất ngập nước quan trọng là vùng đất ngập nước có diện tích từ 50 ha trở lên đối với đất ngập nước ven biển, ven đảo hoặc từ 5 ha trở lên đối với đất ngập nước nội địa, có chứa hệ sinh thái tự nhiên quan trọng đáp ứng ít nhất một trong các tiêu chí sau:
a) Có chứa ít nhất một kiểu đất ngập nước tự nhiên có tính đặc thù hoặc đại diện cho một vùng sinh thái;
b) Là nơi sinh sống tự nhiên thường xuyên hoặc theo mùa của ít nhất một loài đặc hữu, nguy cấp, quý, hiếm hoặc của 1.000 cá thể chim nước, chim di cư trở lên hoặc nơi nuôi dương và bãi đẻ của ít nhất một loài thủy sản có giá trị;
c) Giữ vai trò quan trọng trong điều hòa nguồn nước, cân bằng sinh thái cho một vùng sinh thái của địa phương, liên tỉnh, quốc gia, quốc tế;
d) Có giá trị đặc biệt về cảnh quan, sinh thái nhân văn, lịch sử, văn hoá đối với địa phương, quốc gia, quốc tế.
2. Vùng đất ngập nước quan trọng được phân cấp thành vùng đất ngập nước quan trọng đối với quốc gia và vùng đất ngập nước quan trọng đối với địa phương.
3. Vùng đất ngập nước quan trọng đối với quốc gia là vùng đất ngập nước quan trọng có diện tích từ 5.000 ha trở lên đối với đất ngập nước ven biển, ven đảo hoặc vùng có diện tích từ 300 ha trở lên đối với đất ngập nước nội địa và đáp ứng ít nhất một trong các tiêu chí sau:
a) Có chứa ít nhất một kiểu đất ngập nước tự nhiên có tính đặc thù hoặc đại diện cho một vùng sinh thái liên tỉnh hoặc quốc gia;
b) Là nơi sinh sống tự nhiên thường xuyên hoặc theo mùa của ít nhất một loài đặc hữu hoặc 05 loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm hoặc một loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc của 10.000 cá thể chim nước, chim di cư trở lên;
c) Giữ vai trò quan trọng trong điều hòa nguồn nước, cân bằng sinh thái của một vùng liên tỉnh hoặc quốc gia;
d) Có giá trị đặc biệt về cảnh quân, sinh thái nhân văn, lịch sử, văn hoá đối với quốc gia.
4. Vùng đất ngập nước quan trọng đối với địa phương là vùng đất ngập nước quan trọng thuộc địa bàn quản lý của một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định tại khoản 1 Điều này, trừ các vùng đất ngập nước quan trọng đối với quốc gia quy định tại khoản 3 Điều này.

Điều kiện thành lập khu bảo tồn đất ngập nước

Nghị định cũng nêu rõ điều kiện thành lập khu bảo tồn đất ngập nước. Khu bảo tồn đất ngập nước được phân cấp thành cấp quốc gia, cấp tỉnh và phân hạng thành vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài - sinh cảnh và khu bảo vệ cảnh quan theo quy định của Luật đa dạng sinh học.

Vùng đất ngập nước được xem xét thành lập khu bảo tồn đất ngập nước quốc gia khi là vùng đất ngập nước quan trọng đối với quốc gia thuộc Danh mục các vùng đất ngập nước quan trọng được công bố; đáp ứng các tiêu chí của khu bảo tồn cấp quốc gia theo quy định của Luật đa dạng sinh học.

Vùng đất ngập nước được xem xét thành lập khu bảo tồn đất ngập nước cấp tỉnh khi thuộc Danh mục các vùng đất ngập nước quan trọng được công bố; đáp ứng các tiêu chí của khu bảo tồn cấp tỉnh theo quy định của Luật đa dạng sinh học.
Chính sách đầu tư bảo tồn, sử dụng vùng đất ngập nước quan trọng

Nhà nước có chính sách khuyến khích đầu tư cho bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước quan trọng như ưu tiên hỗ trợ, đầu tư cho các hoạt động bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước; hỗ trợ, đầu tư cho các hoạt động bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước trong khu bảo tồn đất ngập nước, khu Ramsar, vùng đất ngập nước quan trọng nằm ngoài khu bảo tồn và vùng đệm của khu bảo tồn đất ngập nước.

Ngân sách nhà nước hỗ trợ đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất kỹ thuật quản lý và bảo tồn, sử dụng bền vững vùng đất ngập nước; đầu tư xây dựng phát triển vùng đệm phục vụ bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước trong khu bảo tồn đất ngập nước, khu Ramsar; các mô hình sinh kế bền vững tại vùng đệm khu bảo tồn đất ngập nước và mô hình bảo tồn và sử dụng bền vững vùng đất ngập nước quan trọng; các hạng mục đầu tư khác liên quan đến quản lý và bảo tồn, sử dụng bền vững vùng đất ngập nước theo quy định của pháp luật.

Nhà nước ưu đãi đầu tư cho các hoạt động phục hồi các sinh cảnh, môi trường sống của các loài nguy cấp, quý, hiếm; nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; phục hồi đặc tính sinh thái vùng đất ngập nước quan trọng bị suy thoái; bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm; nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ và các loài chim di cư, chim nước thuộc các vùng đất ngập nước quan trọng; chuyển đổi các sinh kế bền vững về môi trường và hài hòa với thiên nhiên, đa dạng sinh học.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/9/2019. Nghị định số 109/2003/NĐ-CP ngày 23 tháng 9 năm 2003 của Chính phủ về Bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.

Các vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài - sinh cảnh và khu bảo vệ cảnh quan thuộc Danh mục các vùng đất ngập nước quan trọng, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, không phải thực hiện lại việc lập, phê duyệt thành lập mới khu bảo tồn, tổ chức quản lý khu báo tồn và có trách nhiệm thực hiện các quy định về bảo tồn và sử dụng bền vững đất ngập nước theo quy định tại Nghị định này.

Đất ngập nước có vai trò quan trọng đối với sự phát triển và thịnh vượng của loài người nhờ các chức năng: Nạp, tiết nước ngầm; lắng đọng trầm tích, độc tố; tích luỹ chất dinh dưỡng; điều hoà vi khí hậu; hạn chế lũ lụt; sản xuất sinh khối; duy trì đa dạng sinh học chắn sóng, gió bão và ổn định bờ biển, chống xói lở, hạn chế sóng thần.

Với diện tích khoảng 12 triệu ha, đất ngập nước phân bố ở hầu khắp mọi vùng sinh thái của Việt Nam. Tính đa dạng của các kiểu loại đất ngập nước ở Việt Nam đã góp phần tạo nên sự phong phú về loài có ý nghĩa đối với cả quốc gia và thế giới. Đến nay, Việt Nam có 1.028 loài cá, 848 loài chim, 800 loài động vật không xương sống ở hệ sinh thái nước ngọt và trên 11.000 loài sống ở hệ sinh thái đất ngập nước biển, ven biển, với 6.300 loài sinh vật đáy, 2.500 loài cá, 653 loài rong biển, trên 300 loài san hô, 94 loài cây ngập mặn, 15 loài rắn biển và 25 loài động vật biển có vú. Ở Việt Nam, các vùng đất ngập nước đã góp phần cung cấp lương thực, thủy sản cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu đạt gần 10 tỷ USD trong năm 2016. Do đó, việc bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước giàu tài nguyên và đa dạng sinh học của Việt Nam là một trong những mục tiêu phát triển bền vững của nước ta.

Nguồn tin:Theo monre.gov.vn

PHẦN MỀM QUẢN LÝ DỰ ÁN
VĂN BẢN TRỰC TUYẾN
QUẢN LÝ VB&HSCV
HỆ THỐNG QUẢN LÝ CÁN BỘ