Hồ chứa thuỷ điện Hương Điền sẽ là 1 trong 3 hồ chứa được triển khai áp dụng
mô hình quản lý của Dự án vận hành liên hồ chứa nước trong tình huống khẩn cấp
Dự án này sẽ áp dụng công nghệ tiên tiến trong việc vận hành liên hồ chứa nước mà các nước tiên tiến trên thế giới đang sử dụng, kinh phí thực hiện dự kiến 14-15 triệu USD.
Theo đó, các nội dung mà dự án này dự kiến được triển khai bao gồm: Hoàn thiện hệ thống quan trắc thu thập thông tin về lượng mưa, mức nước sông, mức nước đập chứa và tình hình ngập, thiết bị quản lý đập tại văn phòng quản lý 3 đập/hồ chứa của các thủy điện Hương Điền, Bình Điền và Tả Trạch; thiết bị tại trung tâm quản lý lũ ở Huế và Trung ương (Hà Nội), thu thập thông tin địa hình và sông bằng công nghệ Lidar để xây dựng hệ thống thông tin phòng chống lụt bão tổng hợp, hoàn thiện sổ tay vận hành liên hồ chứa...
Hồ chứa thuỷ điện Hương Điền sẽ là 1 trong 3 hồ chứa được triển khai áp dụng mô hình quản lý của Dự án vận hành liên hồ chứa nước trong tình huống khẩn cấp
Mục đích của dự án nhằm tạo hiệu quả trong công tác quản lý vận hành các hồ đập chứa nước trên địa bàn hiện có, giảm nhẹ thiệt hại lũ bằng cách hoàn thiện nâng cấp hệ thống cảnh báo.
Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trước mắt JICA sẽ tiến hành nghiên cứu chuẩn bị cho dự án từ nay đến hết tháng 11/2016. Dự án này dự kiến thực hiện trong 2 năm, và tiến tới vận hành thực sự ngay sau đó, ước tính nguồn kinh phí thực hiện dự án có thể lên tới 14 - 15 triệu USD.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Đinh Khắc Đính: “Thời gian qua chính phủ Nhật Bản và các đối tác đến từ Nhật Bản đã triển khai nhiều dự án trên các lĩnh vực của đời sống xã hội tại địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Theo ông Đính, các dự án này có ý nghĩa rất quan trọng trong phát triển KT-XH tỉnh nhà, trong đó dự án “xây dựng xã hội thích ứng với thiên tai tại Việt Nam” do JICA tài trợ tại Thừa Thiên Huế qua 2 giai đoạn từ 2009-2012 và từ 2013-2016 đã mang lại hiệu quả thiết thực, năng lực ứng phó với thiên tai từ cấp tỉnh đến cấp xã được nâng cao.
“UBND tỉnh Thừa Thiên Huế rất hoan nghênh quá trình nghiên cứu, chuẩn bị các nội dụng dự án. UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng tạo mọi điều kiện, bố trí cán bộ phối hợp với chuyên gia JICA triển khai các hoạt động theo đúng tiến độ đề ra.” Ông Đính nói
Cũng theo ông Đính, để các nội dung dự án mới này triển khai theo đúng tiến độ đề ra, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đề nghị Tổng cục thuỷ lợi và Văn phòng JICA Việt Nam sớm ký biên bản ghi nhớ về triển khai dự án để tỉnh Thừa Thiên Huế chuẩn bị các nội dung, thủ tục cần thiết cho hoạt động dự án.
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đề nghị JICA tiếp tục nhân rộng mô hình quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, sớm hỗ trợ dự án vận hành hồ chứa nước trong tình huống khẩn cấp và quản lý lũ hiệu quả bằng hệ thống thông tin quản lý thiên tai toàn diện; tiếp tục hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực an toàn hồ chứa, hỗ trợ xây dựng phương án ứng phó bão, siêu bão và nước dâng do bão, phương án ứng phó động đất.
UBND tỉnh cũng đồng thời đề nghị Tổng cục thuỷ lợi tham mưu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho tỉnh Thừa Thiên Huế tham gia sử dụng vốn vay ODA của chính phủ Nhật bản để đầu tư nâng cấp các công trình đê biển, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, nâng cấp sửa chữa các hồ chứa nước xuống cấp.