Tin tức

Tập trung hoàn thiện Dự thảo Luật Đo đạc và Bản đồ trước khi gửi xin ý kiến các Bộ, ngành, địa phương 03/06/2016

0
Sáng ngày 02/6, tại trụ sở cơ quan Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa đã chủ trì cuộc họp Ban soạn thảo và Tổ biên tập Dự án Luật Đo đạc và Bản đồ.





Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp

Tham dự cuộc họp có các thành viên Ban soạn thảo là lãnh đạo, chuyên viên các đơn vị chức năng thuộc Văn phòng Chính phủ; các Bộ: Tư pháp, Ngoại giao, Nội vụ, Quốc phòng, Công an, Tài chính và đại diện lãnh đạo Vụ Pháp chế, Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam, Tổng cục Quản lý Đất đai, Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ, Cục Viễn thám quốc gia, Văn phòng Bộ.

Thực hiện Nghị quyết số 20/2011/QH13 ngày 26/11/ 2011 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII (2011-2016), Chính phủ giao Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng Dự án Luật đo đạc và bản đồ; dự kiến trình Chính phủ vào tháng 10/2016, trình Quốc hội vào Kỳ họp thứ nhất năm 2017 và thông qua vào Kỳ họp Quốc hội tiếp theo.

 

Ông Phan Đức Hiếu, Cục trưởng Cục
Đo đạc và Bản đồ Việt Nam phát biểu tại cuộc họp


Phát biểu tại cuộc họp, ông Phan Đức Hiếu, Cục trưởng Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam cho biết, trong thời gian qua các thành viên Ban soạn thảo và Tổ biên tập đã tích cực, chủ động triển khai xây dựng và hoàn thiện dự thảo Luật Đo đạc và Bản đồ. Dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở rà soát, đánh giá hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật và chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của các Bộ, ngành liên quan tới lĩnh vực đo đạc và bản đồ; cũng như nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quản lý hoạt động đo đạc và bản đồ của một số nước trên thế giới; hội thảo, tham vấn ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương, chuyên gia và các nhà khoa học.

"Dự thảo Luật, với 11 Chương, 73 Điều - đã quy định được cơ bản các hoạt động đo đạc và bản đồ thuộc phạm vi lãnh thổ đất liền, các đảo, quần đảo, vùng biển, lòng đất, vùng trời của Việt Nam; quy định và chuẩn hóa các các hoạt động đo đạc và bản đồ cơ bản như hệ quy chiếu và hệ tọa độ quốc gia, hệ thống số liệu gốc đo đạc quốc gia, hệ thống không ảnh, cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia, bản đồ địa hình quốc gia, đo đạc bản đồ về biên giới quốc gia và địa giới hành chính, bản đồ hành chính, chuẩn hóa địa danh,... Bên cạnh đó, các hoạt động đo đạc và bản đồ chuyên ngành; đo đạc, thành lập bản đồ địa chính; đo đạc, thành lập hải đồ; đo đạc, thành lập bản đồ công trình ngầm; thành lập bản đồ hàng không dân dụng…; cũng như các quy định về chất lượng sản phẩm đo đạc và bản đồ; các công trình hạ tầng đo đạc; thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ, hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia chuyên ngành; định hướng cho phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia, địa danh; xuất bản bản đồ; cấp chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ; quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ;… là những quy định tạo nền tảng cơ bản cho các hoạt động chuyên ngành liên quan tới bản đồ, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ" - Ông Phan Đức Hiếu thay mặt Ban soạn thảo tóm tắt các nội dung cơ bản của Dự thảo Luật.

 

Toàn cảnh cuộc họp


Tại cuộc họp, các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập đã thảo luận, đưa ra nhiều ý kiến đóng góp, hoàn thiện cho Dự thảo Luật Đo đạc và Bản đồ. Trong đó, nhiều ý kiến đề nghị các quy định được đưa ra trong Dự thảo Luật cần phải bảo đảm tính khoa học và hợp lý, tránh sự mâu thuẫn, chồng chéo với các Luật chuyên ngành khác cũng như giữa các điều Luật với nhau; quy định chi tiết và rõ ràng về cấp chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ, ứng dụng hiệu quả công nghệ viễn thám trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ, cũng như việc thành lập Uỷ ban Địa danh Quốc gia và hạ tầng không gian dữ liệu địa lý (NSDI) của Chính phủ,...

 

Thượng tá Hoàng Minh Ngọc, Phó Cục trưởng Cục Bản đồ
 - Bộ Quốc phòng tham gia góp ý kiến tại cuộc họp

Phát biểu tại cuộc họp, Thượng tá Hoàng Minh Ngọc, Phó Cục trưởng Cục Bản đồ - Bộ Quốc phòng đề nghị hoàn thiện, chính xác về giải thích các từ ngữ; quy định rõ về vấn đề dữ liệu ảnh hàng không của Bộ Quốc phòng cũng như cần cân nhắc việc xây dựng trạm viễn thám chuyên dụng tại mỗi địa phương.

 

Bà Nguyễn Thị Hải, Trưởng phòng, Vụ Tài chính Hành chính sự nghiệp,
 Bộ Tài chính tham gia góp ý kiến về vấn đề phí, lệ phí


Về vấn đề phí, lệ phí, bà Nguyễn Thị Hải, Trưởng phòng, Vụ Tài chính Hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính đề nghị rà soát bảo đảm phù hợp, tránh sự chồng chéo và trùng lặp.

 
Ông Trương Khánh Hoàn, Vụ Pháp luật Hình sự -
Hành chính, Bộ Tư pháp phát biểu tại cuộc họp


Đối với hoạt động xuất bản bản đồ, ông Trương Khánh Hoàn, Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp cho rằng nên xem xét làm rõ các quy định liên quan để tránh chồng chéo với các quy định pháp luật về xuất bản.

 

Ông Phạm Trung Kiên, Vụ Kế hoạch
 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại cuộc họp


Bên cạnh đó, vấn đề cấp chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ cũng được nhiều đại biểu quan tâm. Ông Phạm Trung Kiên, Vụ Kế hoạch Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng việc cấp chứng chỉ hành nghề quy định rõ việc giao thẩm quyền cấp phép cho Bộ TN&MT và các Sở TN&MT; đồng thời với tổ chức đào tạo, nâng cao trình độ cho các đối tượng trước khi cấp chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa đánh giá cao những ý kiến đóng góp quan trọng, xác thực của Ban soạn thảo, Tổ biên tập. Những ý kiến đó đã tập trung làm sáng tỏ, phản ánh sâu sắc, khách quan, toàn diện các nội dung Dự thảo Luật Đo đạc và Bản đồ.

“Xây dựng và ban hành Luật Đo đạc và bản đồ là yêu cầu của thực tiễn khách quan, để có một khung pháp lý phù hợp với giai đoạn mới, giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước cũng như sự phát triển ngành đo đạc và bản đồ Việt Nam trong giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế mạnh mẽ hiện nay. Vì vậy, để nhanh chóng hoàn thiện Dự thảo Luật, gửi lấy ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành, địa phương, tôi đề nghị Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam rà soát, tiếp thu ý kiến của các thành viên Ban soạn thảo để chỉnh sửa các nội dung chưa hợp lý; bổ sung,  hoàn thiện các nội dung chưa được quy định rõ ràng trong Dự thảo Luật.

Đối với việc xây dựng quy định về cấp chứng chỉ cho các cá nhân hành nghề đo đạc và bản đồ là điều kiện cần thiết để hội nhập khu vực và quốc tế trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ, tiến tới tự do hóa thương mại dịch vụ đo đạc trong khu vực ASEAN, do đó, trên cơ sở tham khảo thực tiễn các nước trên thế giới cũng như thực tế quản lý tại Việt Nam, Ban soạn thảo, Tổ biên tập cần phối hợp để tiếp tục nghiên cứu các quy định liên quan, tránh mâu thuẫn trong quá trình triển khai cấp phép chứng chỉ hành nghề trong thực tế" - Thứ trưởng nhấn mạnh.
 






Nguồn tin:Theo monre.gov.vn

PHẦN MỀM QUẢN LÝ DỰ ÁN
VĂN BẢN TRỰC TUYẾN
QUẢN LÝ VB&HSCV
HỆ THỐNG QUẢN LÝ CÁN BỘ