Tin tức

Tổ công tác Bộ TN&MT: Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong triển khai thực hiện nhiệm vụ của từng đơn vị trực thuộc Bộ 05/05/2017

0
Trong thời gian qua, Tổ công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã vào cuộc tích cực, góp phần đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng trong thực hiện nhiệm vụ, kết luận chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Bộ và Chương trình công tác của Bộ; đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác tham mưu, phục vụ chỉ đạo điều hành của Bộ, cũng như nâng cao trách nhiệm của từng cán bộ, công chức trong thực thi công vụ.




Ông Tăng Thế Cường, Chánh Văn phòng Bộ TN&MT -
Tổ phó Tổ công tác làm Trưởng đoàn công tác làm việc với các đơn vị


Kiểm tra, đôn đốc và bám sát tiến độ từng nhiệm vụ

Học tập sáng kiến của Thủ tướng Chính phủ, cùng tinh thần sát sao công việc, ngay từ tháng 9/2016, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập Tổ công tác để giúp Bộ trưởng rà soát, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Bộ và Chương trình công tác của Bộ. Tổ công tác đã vào cuộc rất tích cực, bám sát tiến độ từng nhiệm vụ để kịp thời nắm bắt, đôn đốc và đề xuất tháo gỡ, tạo chuyển biến lớn trong triển khai thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị trực thuộc Bộ.

Tiếp theo những kết quả đạt được năm 2016, triển khai Kế hoạch kiểm tra, đôn đốc của Tổ công tác, ngay từ đầu năm 2017 Tổ công tác công tác đã tiến hành rà soát nhiệm vụ (hàng tuần, hàng tháng, hàng quý) và kiểm tra cụ thể tại các đơn vị. Trong tháng 3 và tháng 4/2017, Tổ công tác của Bộ do ông Tăng Thế Cường, Chánh Văn phòng Bộ, Tổ phó Tổ công tác làm Trưởng đoàn và một số thành viên Tổ công tác, Lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Bộ có liên quan đã trực tiếp làm việc với 04 đơn vị: Tổng cục Môi trường, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Cục Quản lý tài nguyên nước và Tổng cục Quản lý đất đai. 
 
7 nội dung chính được kiểm tra bao gồm: (1) Tình hình thực hiện Chương trình công tác năm 2017 của Bộ giao đơn vị; (2) Tình hình thực hiện Chương trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ giao đơn vị; (3) Tình hình thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ; (4) Tình hình thực hiện nhiệm vụ Lãnh đạo Bộ giao đơn vị tại các thông báo kết luận; (5) Đối với các Tổng cục, Cục trực thuộc Bộ, ngoài nội dung nêu trên kiểm tra thêm việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước của đơn vị theo lĩnh vực được phân công phụ trách; (6) Đối với các Vụ trực thuộc Bộ, ngoài nội dung nêu trên kiểm tra thêm việc thẩm định các đề án, dự án, văn bản quy phạm pháp luật, đề tài khoa học và công nghệ,... theo chức năng được phân công phụ trách. (7) Những vấn đề Bộ trưởng quan tâm trong phạm vi quản lý nhà nước về tài nguyên và Môi trường của Bộ.
 
Qua kiểm tra cho thấy, trong thời gian 14 tháng qua kể từ đầu năm 2016, 04 đơn vị nêu trên đã được giao thực hiện gần 1.300 nhiệm vụ. Trong đó, Tổng cục Môi trường được giao nhiều nhiệm vụ nhất với 497 nhiệm vụ; Tổng cục Quản lý đất đai được giao 440 nhiệm vụ; Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam được giao 198 nhiệm vụ; và Cục Quản lý tài nguyên nước được giao 164 nhiệm vụ.
Cũng trong khoảng thời gian đó, song song với việc thực hiện các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ giao, các đơn vị còn tiếp nhận và giải quyết số lượng lớn các hồ sơ thủ tục hành chính của người dân và doanh nghiệp với hơn 1.400 hồ sơ. Trong đó, Tổng cục Môi trường phải giải quyết nhiều hồ sơ nhất: 1.027 hồ sơ; Cục Quản lý tài nguyên nước: 227 hồ sơ; Tổng cục Địa chất và Khoáng sản ViệtNam: 133 hồ sơ; Tổng cục Quản lý đất đai: 19 hồ sơ.
 



Ông Nguyễn Văn Tài, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường phát biểu

 
Tình hình thực hiện nhiệm vụ cụ thể của các đơn vị như sau:

Tổng cục Môi trường (tính từ ngày 02/01/2016 đến ngày 05/3/2017): Tổng số nhiệm vụ được giao: 497 nhiệm vụ; số nhiệm vụ đã hoàn thành: 337/497, đạt 67,8%; trong đó, hoàn thành đúng hạn: 264/337 nhiệm vụ (78%), hoàn thành nhưng quá hạn: 72/337 nhiệm vụ (22%); số nhiệm vụ đã quá hạn chưa hoàn thành: 24/497 nhiệm vụ (4,8%); số nhiệm vụ đang triển khai thực hiện trong hạn: 137/497 (27,6%). Đối với kết quả giải quyết các hồ sơ thủ tục hành chính: Tổng cục đã tiếp nhận 1.027 hồ sơ thủ tục hành chính, đã trả kết quả 534/1.027 hồ sơ, đạt 52% (Trả kết quả đúng hạn: 215 hồ sơ chiếm 40,26%; trả kết quả quá hạn: 319 hồ sơ, chiếm 59,74%); số hồ sơ chưa trả kết quả: 493/1.027, chiếm 48% (Đang triển khai thực hiện trong hạn: 457, chiếm 92,7%; đang xử lý quá hạn: 36 hồ sơ, chiếm 7,3 %).

Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (tính từ ngày 02/01/2016 đến ngày 05/3/2017): Tổng số nhiệm vụ được giao: 198 nhiệm vụ; Số nhiệm vụ đã hoàn thành: 156/198, đạt 78,8%; trong đó, hoàn thành đúng hạn: 108/156 nhiệm vụ (69,2%); hoàn thành nhưng quá hạn: 48/156 nhiệm vụ (30,8%). Số nhiệm vụ đã quá hạn, chưa hoàn thành: 6/198 (3%). Số nhiệm vụ đang triển khai thực hiện trong hạn: 36/198 (18,2%). Đối với kết quả giải quyết các hồ sơ thủ tục hành chính: Tổng cục đã tiếp nhận 133 hồ sơ thủ tục hành chính, đã trả kết quả 99/133 hồ sơ, đạt 74,4% (Trả kết quả đúng hạn: 91/99 chiếm 92%; trả kết quả quá hạn: 8/99, chiếm 8%); số hồ sơ chưa trả kết quả trong hạn là 34/133 hồ sơ, chiếm 26%.

Tổng cục Quản lý đất đai (tính từ ngày 02/01/2016 đến ngày 31/3/2017): Tổng số nhiệm vụ được giao: 440 nhiệm vụ. Số nhiệm vụ đã hoàn thành: 350/440, đạt 79,5%; trong đó, hoàn thành đúng hạn: 226/350 (64,5%); hoàn thành nhưng quá hạn: 124/350 (35,5%). Số nhiệm vụ đã quá hạn chưa hoàn thành: 16/440 (3,7%). Số nhiệm vụ đang triển khai thực hiện trong hạn: 74/440 (16,8%). Đối với kết quả giải quyết các hồ sơ thủ tục hành chính: Tổng cục đã tiếp nhận 19 hồ sơ thủ tục hành chính, đã trả kết quả: 19 hồ sơ (100%). Trả kết quả đúng hạn: 12 hồ sơ đạt 63%; trả kết quả quá hạn: 7 hồ sơ chiếm 37%; không có số hồ sơ chưa trả kết quả.

Cục Quản lý tài nguyên nước (tính từ ngày 02/01/2016 đến ngày 31/3/2017): Tổng số nhiệm vụ được giao: 164 nhiệm vụ. Số nhiệm vụ đã hoàn thành: 100/164, đạt 61%; trong đó, hoàn thành đúng hạn: 88/100 (88%); hoàn thành nhưng quá hạn: 12/100 (12%). Số nhiệm vụ đã quá hạn chưa hoàn thành: 01/164 (0,6%). Số nhiệm vụ đang triển khai thực hiện trong hạn: 63/164 (38,4%). Đối với kết quả giải quyết các hồ sơ thủ tục hành chính: Cục đã tiếp nhận 227 hồ sơ thủ tục hành chính, đã trả kết quả: 133/227 hồ sơ, đạt 59%; trong đó, trả kết quả đúng hạn: 100/133 hồ sơ (75%), trả kết quả quá hạn: 33/133 hồ sơ (25%). Số hồ quá hạn chưa trả kết quả: 14/227 hồ sơ (6%). Số hồ sơ chưa trả kết quả trong hạn: 80/227 hồ sơ (35%).
 
 

Ông Đỗ Cảnh Dương,
Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam phát biểu

 
Thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, nguyên nhân và giải pháp khắc phục

Qua đôn đốc, kiểm tra và đánh giá thường xuyên, tích cực và kịp thời của Tổ công tác trong thời gian qua bước đầu đã tạo được những chuyển biến tích cực trong thực hiện nhiệm vụ được giao của các đơn vị trực thuộc Bộ; khẳng định vai trò của Tổ công tác giúp Bộ trưởng trong công tác chỉ đạo điều hành của Bộ và của ngành tài nguyên và môi trường.

Từ kết quả kiểm tra thực tế tại 04 đơn vị cho thấy, với khối lượng công việc lớn như vậy, các đơn vị đều đã thực hiện khẩn trương theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Lãnh đạo Bộ. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những nhiệm vụ quá hạn chưa hoàn thành, hoàn thành nhưng quá thời hạn được giao; hay vẫn còn tình trạng quá hạn hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính,... Đối với những tồn tại này, Tổ công tác đã cùng với đơn vị rà soát, đánh giá một cách nghiêm túc tiến độ, kết quả, chất lượng thực hiện nhiệm vụ; đồng thời thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, nguyên nhân và giải pháp khắc phục. Nhìn chung, các nguyên nhân chủ yếu cho thấy, số lượng lớn nhiệm vụ được giao rất lớn, trong khi nhân lực, thời gian còn hạn chế; nhiều vấn đề có tính liên ngành, liên vùng; có độ phức tạp, nhạy cảm cao; liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân và doanh nghiệp... phải mất nhiều thời gian để kiểm tra làm rõ cũng như xin ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương mới hoàn thành được; hay một số công việc được giao với thời hạn xử lý gấp hoặc mang tính sự vụ phát sinh...
 
 

Ông Hoàng Văn Bảy, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước phát biểu
 
Phương pháp làm việc khoa học, công tâm và đầy trách nhiệm; tạo chuyển biến lớn trong tư duy và cách thức thực hiện nhiệm vụ của Bộ

Ngoài việc đánh giá, bám sát tiến độ từng nhiệm vụ, sau các buổi làm việc, Tổ công tác đều có Thông báo kết luận kết quả kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của từng đơn vị. Trong đó, nêu rõ kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao (bao gồm tổng số nhiệm vụ được giao, số nhiệm vụ đã hoàn thành đúng hạn, quá hạn, đang triển khai thực hiện trong hạn; tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính đã tiếp nhận, số hồ sơ đã hoàn thành, đúng hạn, quá hạn, chưa trả kết quả, quá hạn,... cùng với tỷ lệ % đạt được). Đây là những số liệu rất cụ thể, làm cơ sở đánh giá khách quan, chính xác việc thực hiện nhiệm vụ được giao; đồng thời tạo chuyển biến lớn trong tư duy và cách thức thực hiện nhiệm vụ của Bộ, thực sự và đi vào thực chất hơn.

Trong các kết luận làm việc của Tổ công tác đã phản ánh rõ kết quả thực hiện các đề án, văn bản quy phạm pháp luật thuộc Chương trình công tác, Chương trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật; các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao là một trong những quan tâm chỉ đạo xuyên suốt của Bộ trưởng, Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường. Bên cạnh đó, các nhiệm vụ do Lãnh đạo Bộ giao tại các văn bản chỉ đạo, các thông báo ý kiến kết luận; các văn bản mật, tối mật, tuyệt mật cũng được tổng hợp, thống kê, rà soát rất cụ thể và khách quan.

Sau kiểm tra, Tổ công tác đều có những kiến nghị, đề xuất để đơn vị khẩn trương hoàn thành các nhiệm vụ được giao, đặc biệt đối với những nhiệm vụ đã quá hạn chưa hoàn thành; đồng thời có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục tình trạng hoàn thành chậm; đề xuất báo cáo Bộ trưởng về một số nội dung cần làm rõ thêm và triển khai thực hiện theo chỉ đạo của Bộ trưởng. Nhiều nhiệm vụ được kiến nghị tập trung hoàn thành ngay như triển khai dịch vụ công trực tuyến; yêu cầu cán bộ, công chức phải thực hiện nghiêm việc cập nhật trạng thái giải quyết, xử lý hồ sơ trên hệ thống phần mềm quản lý hồ sơ tiếp nhận và trả kết quả và thực hiện chế độ thông tin báo cáo theo quy định; triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra; cơ chế tiếp nhận, xử lý, phản hồi các vấn đề nóng, bức xúc liên quan đến phạm vi chức năng quản lý của đơn vị/lĩnh vực; đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hoá thủ tục hành chính và tiến độ xử lý các hồ sơ thủ tục hành chính; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo điều hành và xử lý công việc; thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính; văn minh công sở, Quy chế làm việc của Bộ; rà soát, điều chỉnh, bổ sung, ban hành mới các quy chế có liên quan phù hợp với các quy chế của Bộ;…
 
 

Ông Lê Thanh Khuyến, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai phát biểu
 
Truyền đạt ý kiến của Bộ trưởng nhắc nhở các đơn vị về những vấn đề trọng tâm của ngành, của lĩnh vực

Đặc biệt, tại mỗi buổi làm việc, theo tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng “Phải lắng nghe người dân - phản ứng chính sách nhanh nhạy”, Tổ công tác đã truyền đạt ý kiến của Bộ trưởng nhắc nhở các đơn vị về những vấn đề trọng tâm của ngành, của lĩnh vực cũng như những vấn đề bức xúc, nổi cộm được dư luận quan tâm.

“Bộ trưởng Trần Hồng Hà mong muốn toàn Ngành có sự chuyển biến thực sự, hiệu quả cao, quyết tâm trong xây dựng bộ máy hành chính theo phương châm Kiến tạo - Liêm chính - Hành động - Gần dân. Từng lĩnh vực, từng đơn vị phải thực hiện ngay những nhiệm vụ cấp bách và có kế hoạch thực hiện với những nhiệm vụ mang tính chiến lược, dài hạn. Việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao theo nguyên tắc bảo đảm tính khoa học, khả thi; không để nợ đọng, không xin lùi thời hạn và đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính ngay trong nội bộ” - Trưởng đoàn kiểm tra, ông Tăng Thế Cường luôn khẳng định, quán triệt và thể hiện quyết tâm của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà tại các buổi làm việc của Tổ công tác với các đơn vị.
  
Một số nhiệm vụ trọng tâm theo chức năng và nhiệm vụ được giao


Tổng cục Môi trường tập trung thực hiện, hoàn thành các nhiệm vụ, đề án theo Chỉ thị số 25/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ theo đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng. Tiếp tục theo dõi, phối hợp, hướng dẫn, chỉ đạo việc quan trắc chất lượng môi trường biển miền Trung; đẩy nhanh tiến độ xây dựng, trình phê duyệt và tổ chức triển khai Dự án quan trắc và cảnh báo môi trường biển 4 tỉnh miền Trung. Giám sát chặt chẽ việc khắc phục tồn tại của Công ty Formosa Hà Tĩnh; tập trung triển khai công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường. Định kỳ hằng tháng, Tổng cục Môi trường có báo cáo lãnh đạo Bộ về thực trạng, diễn biến môi trường tại các khu vực trọng điểm, từ đó đưa ra những dự báo xu hướng, kịp thời cảnh báo người dân. Xây dựng, tổ chức thực hiện cơ chế tiếp nhận, xử lý, phản hồi của lãnh đạo Tổng cục đối với các vấn đề môi trường nóng, bức xúc, được dư luận xã hội quan tâm. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành của Tổng cục.
 
Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu địa chất, khoáng sản phục vụ công tác quản lý nhà nước và điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản. Đổi mới hoạt động điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến để điều tra, phát hiện khoáng sản ẩn sâu; hoàn thiện việc xây dựng đề án “Điều tra tổng thể về khoáng sản và hoàn thiện nền bản đồ địa chất tỉ lệ 1:50.000 vùng Tây Bắc phục vụ quy hoạch phát triển bền vững kinh tế - xã hội”. Rà soát, đánh giá thực trạng hoạt động của các mỏ thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ; đề xuất với Bộ để báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương rà soát, đánh giá thực trạng hoạt động của các mỏ thuộc thẩm quyền cấp phép của địa phương; trong đó, cần tập trung đánh giá về sản lượng khai thác, công nghệ khai thác, bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản... nhằm tránh gây thất thoát, láng phí tài nguyên khoáng sản; trên cơ sở đó đề xuất giải pháp quản lý, đảm bảo sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường. Triển khai thực hiện tốt việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở Trung ương bảo đảm công khai, minh bạch; công tác xác định tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Đẩy nhanh tiến độ để thử nghiệm ứng dụng công nghệ khí hóa than ngầm tại chỗ (công nghệ trưng khí áp) đối với bể than đồng bằng sông Hồng; Đề án điều tra, đánh giá tiềm năng tài nguyên cát, sỏi trên phạm vi toàn quốc để làm căn cứ lập quy hoạch quản lý chung về cát, sỏi dựa trên nguyên tắc lưu vực sông kết hợp với địa bàn hành chính. Tiến hành rà soát, đánh giá về cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật và hoạt động thực tiễn trong việc quản lý cát sỏi lòng sông,...
 
Tổng cục Quản lý đất đai triển khai tốt việc sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và đánh giá việc thi hành Luật đất đai năm 2013 để đề xuất sửa đổi Luật; bám sát kế hoạch, đánh giá đúng thực tiễn triển khai xác định những tồn tại hạn chế từ chủ trương, chính sách, pháp luật để đề xuất sửa đổi Luật đất đai nhằm đảm bảo công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân và doanh nghiệp, nâng cao chỉ số tiếp cận nguồn lực đất đai của các thành phần kinh tế, tạo lập môi trường thuận lợi cho đầu tư và kinh doanh; khắc phục tình trạng sử dụng lãng phí, tham nhũng, giảm khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai; khuyến khích, thúc đẩy tích tụ, tập trung đất đai cho phát triển nông nghiệp hàng hóa. Tích cực đôn đốc, hướng dẫn các địa phương đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận đối với diện tích còn lại. Tích cực triển khai Dự án Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai (VILG); chỉ đạo hoàn thành để đưa vào sử dụng cơ sở dữ liệu đất đai ở các huyện đã được lựa chọn làm thí điểm. Thiết lập hệ thống theo dõi đánh giá với sự tham gia của người dân để từng bước hiện đại hóa dịch vụ công trong lĩnh vực đất đai. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương đẩy nhanh tiến độ đo đạc, cắm mốc ranh giới, giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận đối với đất của các công ty nông, lâm nghiệp; tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ đất công ích. Đôn đốc các địa phương gửi hồ sơ thẩm định; tăng cường nhân lực bảo đảm hoàn thành thẩm định nhanh chóng, kịp thời, bảo đảm thời gian trình Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) cấp tỉnh; đồng thời hướng dẫn các địa phương triển khai hoàn thiện Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện để phê duyệt theo thẩm quyền. Đề xuất việc hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến chế độ quản lý, sử dụng đất nông nghiệp để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trên nguyên tắc lợi ích của nông dân phải được đặt lên hàng đầu. Nghiên cứu, sớm trình Bộ trưởng quy định về việc chứng nhận quyền sở hữu tài sản hình thành trên đất của các dự án nông nghiệp công nghệ cao để doanh nghiệp nông nghiệp thế chấp vay vốn thực hiện dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ,...
 
Cục Quản lý tài nguyên nước chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan sớm xây dựng Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước quốc gia. Trên cơ sở đó, xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước quốc gia và lập quy hoạch tài nguyên nước quốc gia và các lưu vực sông lớn trên cả nước. Nghiên cứu đề xuất các giải tổng thể để giải quyết vấn đề nguồn nước cho các vùng thường xuyên chịu tác động bởi hạn hán và xâm nhập mặn cho khu vực ĐBSCL và miền Trung - Tây Nguyên; hạn chế lũ lụt ở các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung bộ. Tập trung phối hợp với các đơn vị đẩy nhanh việc nghiên cứu, đánh giá sụt lún đất ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, ĐBSCL làm căn cứ để đề xuất việc quản lý, giám sát chặt chẽ hơn các hoạt động khai thác nước dưới đất. Tổ chức việc giám sát chặt chẽ các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước (bao gồm cả nguồn nước xuyên biên giới) và việc thực hiện các quy trình liên hồ chứa trên cơ sở áp dụng hệ thống thông tin, công nghệ tự động trực tuyến; quản lý chặt chẽ các hoạt động bảo vệ hành lang bảo vệ nguồn nước. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy trình vận hành liên hồ chứa trên phạm vi cả nước, đặc biệt đối với khu vực miền Trung, Tây Nguyên. Tiến hành rà soát, hoàn thiện các quy trình vận hành liên hồ chứa, bảo đảm sử dụng hiệu quả tài nguyên nước, cân bằng nước và duy trì dòng chảy tối thiểu, đáp ứng yêu cầu về phòng, chống, giảm lũ lụt trong mùa lũ, cấp nước mùa cạn và hiệu quả phát điện. Chú trọng các hoạt động hợp tác, trao đổi thông tin, chia sẻ dữ liệu tài nguyên nước đối với các quốc gia có chung nguồn nước lưu vực sông Mê Công và lưu vực sông Hồng. Nghiên cứu, rà soát để đề xuất nội dung sửa đổi Chiến lược quốc gia về tài nguyên nước, tính đến năm 2030 cho phù hợp với bối cảnh thực tế hiện nay, chú trọng đến vấn đề bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia và biến đổi khí hậu toàn cầu,...


Nguồn tin:Theo monre.gov.vn

PHẦN MỀM QUẢN LÝ DỰ ÁN
VĂN BẢN TRỰC TUYẾN
QUẢN LÝ VB&HSCV
HỆ THỐNG QUẢN LÝ CÁN BỘ