Tin tức

Chương trình hành động tổng thể phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu 18/04/2019

0
Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 417/QĐ-TTg ngày 13/4/2019 ban hành Chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu.





Ảnh Đồng bằng sông Cửu Long (Nguồn: TTXVN)

Chương trình hành động tổng thể đề ra 6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp cụ thể chính, bao gồm: (1) Rà soát, hoàn thiện và bổ sung hệ thống cơ chế, chính sách; (2) Cập nhật và hệ thống hóa số liệu, dữ liệu liên ngành, tăng cường điều tra cơ bản; (3) Xây dựng quy hoạch và tổ chức không gian lãnh thổ; (4) Xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý thích ứng với biến đổi khí hậu; (5) Đầu tư và phát triển hạ tầng; (6) Phát triển và huy động nguồn lực.

Rà soát, hoàn thiện và bổ sung hệ thống cơ chế, chính sách

Rà soát, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo, thiếu phối hợp trong công tác quản lý nhà nước đã dẫn đến giảm sức mạnh tổng hợp của cả vùng. Tập trung vào các cơ chế, chính sách có tính liên ngành, liên vùng về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, thực hiện trong giai đoạn trước mắt và giai đoạn sau năm 2020.

a) Xây dựng cơ chế phối hợp, giám sát, đánh giá tiến độ và hiệu quả của Chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP.

b) Rà soát, đánh giá cơ chế thí điểm điều phối vùng theo Quyết định số 593/QĐ-TTg ngày 06 tháng 4 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thí điểm liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016 - 2020 trình Thủ tướng Chính phủ các giải pháp hoàn thiện cơ chế điều phối, phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có việc thành lập Hội đồng điều phối vùng.

c) Rà soát, xây dựng cơ chế, chính sách mới nhằm phát triển, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn hiện đại; xây dựng cơ chế phối hợp giữa đồng bằng sông Cửu Long với các tỉnh Đông Nam Bộ và Thành phố Hồ Chí Minh nhằm bảo đảm tính liên kết giữa các địa phương trong vùng và với các khu vực khác; xây dựng cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp, thương mại hỗ trợ cho nền kinh tế nông nghiệp, công nghiệp chế biến các sản phẩm nông sản; hỗ trợ xúc tiến thương mại đưa sản phẩm hàng hóa của vùng đồng bằng sông Cửu Long vào các chuỗi phân phối quốc tế.

d) Rà soát, sửa đổi chính sách đất đai, tạo thuận lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn có sức cạnh tranh, hiệu quả cao và bền vững.

đ) Rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

e) Rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển vùng đô thị và điểm dân cư nông thôn phù hợp với đặc điểm sinh thái tự nhiên, điều kiện cụ thể của từng vùng và tiểu vùng sinh thái thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

g) Rà soát, hoàn thiện các chính sách ưu đãi nhằm phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là đồng bào Kh'Mer và đào tạo bồi dưỡng cán bộ người dân tộc thiểu số vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Cập nhật, hệ thống hóa số liệu, dữ liệu liên ngành, tăng cường điều tra cơ bản

Việc cập nhật, hệ thống hóa số liệu, dữ liệu liên ngành, tăng cường điều tra cơ bản là nhằm hoàn thiện và thống nhất quản lý hệ thống dữ liệu liên ngành, thúc đẩy điều tra cơ bản để cập nhật đầy đủ các thông tin, dữ liệu toàn vùng, phục vụ công tác quy hoạch không gian lãnh thổ, xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý và quy hoạch tổng thể phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

a) Rà soát, cập nhật và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành và liên ngành về đồng bằng sông Cửu Long phục vụ thích ứng với biến đổi khí hậu, kết nối với cơ sở dữ liệu của Ủy hội sông Mê Công quốc tế; xây dựng Trung tâm tích hợp dữ liệu liên vùng đồng bằng sông Cửu Long.

b) Đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản về tài nguyên và môi trường nhằm hỗ trợ công tác dự báo, phòng chống thiên tai, sạt lở và sụt lún ở đồng bằng sông Cửu Long.

c) Nâng cấp và hiện đại hóa hệ thống quan trắc, giám sát, cảnh báo và dự báo về tài nguyên và môi trường.

d) Cập nhật, hoàn thiện và công bố định kỳ kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam đến năm 2100 và chi tiết hóa cho vùng đồng bằng sông Cửu Long; xây dựng tài liệu hướng dẫn sử dụng kịch bản.

Xây dựng quy hoạch và tổ chức không gian lãnh thổ

Rà soát, đánh giá việc thực hiện các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương đã có tại vùng đồng bằng sông Cửu Long và xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu theo quy định của Luật Quy hoạch. Quy hoạch mới cần chuyển từ “sống chung với lũ” sang “chủ động sống chung với lũ”; đồng thời, việc tổ chức không gian lãnh thổ vùng theo hướng hình thành các tiểu vùng sinh thái làm định hướng phát triển kinh tế, nông nghiệp và cơ sở hạ tầng; tổ chức, phát triển hệ thống đô thị và điểm dân cư nông thôn phù hợp với đặc điểm của hệ sinh thái tự nhiên, điều kiện cụ thể của vùng và từng tiểu vùng sinh thái.

a) Rà soát các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương của vùng đồng bằng sông Cửu Long đảm bảo tính liên kết đồng bộ giữa các quy hoạch trên phạm vi vùng lãnh thổ.

b) Xây dựng và tổ chức thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 trên cơ sở tích hợp các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương đã được phê duyệt theo quy định của pháp luật về quy hoạch.

c) Rà soát, điều chỉnh các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành và xây dựng quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 đảm bảo phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long theo quy định của pháp luật về quy hoạch và pháp luật chuyên ngành có liên quan.

Xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý thích ứng với biến đổi khí hậu

Xây dựng cơ cấu kinh tế bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu là nhiệm vụ mang tính trung tâm, xuyên suốt, nhằm hiện thực hóa quan điểm chuyển hóa thách thức do biến đổi khí hậu thành cơ hội. Các nhiệm vụ cụ thể được triển khai dựa trên nền tảng thay đổi tư duy, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy, sang phát triển kinh tế nông nghiệp theo mô hình mới, đa dạng, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Nền kinh tế của vùng phải thay đổi cơ bản, từ mô hình sản xuất, tập quán sản xuất, sinh kế, nếp sống, mạng lưới dân cư cho đến từng hộ gia đình; phát triển một nền kinh tế nông nghiệp đa dạng, chất lượng, xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển, ứng dụng công nghệ cao, sạch, hữu cơ; chủ động sống chung với lũ và thích nghi với các đặc tính tự nhiên của vùng; khai thác và sử dụng hiệu quả nước lợ, nước mặn; ứng phó với thiên tai bão, lũ, hạn hán, xâm nhập mặn. Trong đó, lấy tài nguyên nước làm yếu tố cốt lõi, làm cơ sở cho việc hoạch định chiến lược, chính sách, quy hoạch phát triển vùng.

Tiêu chí đặt ra là xây dựng các mô hình chuyển đổi dựa trên hệ sinh thái, phù hợp với điều kiện tự nhiên, đa dạng sinh học, văn hóa, con người và quy luật tự nhiên. Quá trình chuyển đổi mô hình sản xuất có tầm nhìn dài hạn, nâng cao hiệu quả kinh tế và giảm tính dễ bị tổn thương trước các rủi ro, chú trọng bảo tồn giá trị văn hóa, lịch sử, đa dạng sinh học, môi trường sinh thái của vùng.

Các nhiệm vụ cụ thể:

a) Xây dựng cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo ba trọng tâm thủy sản - cây ăn quả - lúa, gắn với các tiểu vùng sinh thái.
b) Phát triển công nghiệp xanh, ít phát thải, không gây tổn hại đến hệ sinh thái tự nhiên, chú trọng phát triển năng lượng tái tạo gắn liền với phát triển rừng và bảo vệ bờ biển trong toàn khu vực.

c) Phát triển dịch vụ - du lịch thành một ngành kinh tế mạnh dựa trên khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về đặc điểm tự nhiên, sinh thái, nét đặc trưng văn hóa và con người vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Đầu tư và phát triển hạ tầng

Các dự án đầu tư và phát triển hạ tầng phải đảm bảo thống nhất, tính liên vùng, liên ngành, có trọng tâm, trọng điểm và có lộ trình hợp lý. Ưu tiên các công trình cấp bách, công trình có tính chất động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng, các công trình thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân; chú trọng đến cả các giải pháp công trình và phi công trình.

Thực hiện ngay những nhiệm vụ cấp bách về chống sạt lở, sụt lún nghiêm trọng tại một số khu vực bờ biển, bờ sông. Đẩy mạnh công tác điều tra, khảo sát, xây dựng và phê duyệt các dự án đầu tư để triển khai thực hiện ở giai đoạn sau năm 2020. Một số nhiệm vụ cụ thể gồm:

a) Bảo vệ bờ biển, củng cố, nâng cấp hệ thống đê biển, kết hợp với hệ thống thủy lợi, hệ thống kè phòng chống xói lở bờ biển; tập trung đầu tư xử lý ngay những đoạn bờ sông, bờ biển bị sạt lở, xói lở nghiêm trọng. Đầu tư các kè tạo bãi trồng rừng ngập mặn; phát triển rừng ngập mặn phục vụ bảo vệ hệ thống đê biển, đê sông, phát triển sinh kế sinh thái gắn với rừng.

b) Phát triển hệ thống đô thị và điểm dân cư nông thôn phù hợp với đặc điểm của hệ sinh thái tự nhiên, điều kiện cụ thể của vùng và từng tiểu vùng sinh thái.

c) Nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống thủy lợi phục vụ phòng chống thiên tai, phát triển sinh kế, phục vụ chuyển đổi, phát triển và tái cơ cấu nông nghiệp bền vững tại các tiểu vùng sinh thái, trong đó đẩy mạnh hình thức đối tác công - tư.

d) Bảo đảm nhà ở an toàn trong điều kiện ngập lụt, khô hạn, bão, lũ, giông, lốc, nước biển dâng. Trước mắt đầu tư, xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ; thí điểm xây dựng mô hình nhà, công trình phòng, tránh lốc, bão.

đ) Đầu tư hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, ưu tiên các công trình giao thông tại các vùng có nguy cơ cao về ngập lụt; các công trình phục vụ kết nối, trung chuyển thúc đẩy vận tải đa phương thức tại các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long; đầu tư, xây dựng, phát triển đồng bộ hạ tầng thông tin và truyền thông, mạng lưới cấp điện, cấp nước, thoát nước, y tế.

e) Đầu tư hệ thống cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải, các khu xử lý chất thải rắn; đẩy mạnh các hoạt động tái chế, tái sử dụng và sản xuất năng lượng từ rác cho vùng đồng bằng sông Cửu Long theo định hướng phát triển bền vững.

g) Triển khai thực hiện và đúc kết kinh nghiệm các đề án liên kết phát triển bền vững các tiểu vùng khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Phát triển và huy động nguồn lực

Các nhiệm vụ phát triển và huy động nguồn lực bao gồm nâng cao nhận thức; phát triển nguồn nhân lực; khoa học và công nghệ; tài chính và hợp tác quốc tế. Việc xây dựng và phê duyệt các chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ, tổ chức triển khai được thực hiện trước năm 2020 và sẽ được cập nhật và tiếp tục thực hiện ở giai đoạn 2021 - 2030.

a) Tuyên truyền, nâng cao nhận thức: triển khai công tác truyền thông nhằm tăng cường nhận thức từ các cấp lãnh đạo tới doanh nghiệp và người dân về những cơ hội của các mô hình chuyển đổi nhằm phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu để thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP.

b) Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực: xây dựng và thực hiện các đề án về chuyển đổi ngành nghề và tạo việc làm cho lao động nông nghiệp, nông thôn theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa; cung cấp thông tin thị trường, hỗ trợ thu hút sự tham gia của doanh nghiệp; đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; đổi mới công tác đào tạo; phát triển nguồn nhân lực cho kinh tế tập thể, hợp tác xã.

c) Phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ: triển khai có hiệu quả các chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ trọng điểm; ưu tiên bố trí nguồn lực khoa học và công nghệ có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả, thực chất. Đẩy mạnh nghiên cứu về các vấn đề bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, giảm nhẹ các tổn thương, tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu gây ra; triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách phục vụ sản xuất và phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu; nghiên cứu, chọn tạo, phát triển các giống cây trồng, vật nuôi và giống thủy sản có tiềm năng, lợi thế của vùng; nghiên cứu tạo nguồn vật liệu mới thay thế, phục vụ san lấp, xây dựng để hạn chế việc lấy cát từ lòng sông; nghiên cứu xây dựng và triển khai Chương trình khoa học và công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu phục vụ phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long.

d) Huy động và quản lý nguồn lực tài chính: đẩy mạnh các hoạt động huy động nguồn lực về tài chính cho các hoạt động phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long; tăng cường hiệu quả sử dụng nguồn vốn và đẩy nhanh tiến độ giải ngân, bảo đảm sử dụng hiệu quả số vốn đầu tư công trung hạn.

đ) Tăng cường hợp tác quốc tế: tăng cường điều phối các hoạt động hợp tác song phương, đa phương và với các quốc gia thượng nguồn sông Mê Công; hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ; thiết lập các khuôn khổ hợp tác mới.


Nguồn tin:Theo monre.gov.vn

PHẦN MỀM QUẢN LÝ DỰ ÁN
VĂN BẢN TRỰC TUYẾN
QUẢN LÝ VB&HSCV
HỆ THỐNG QUẢN LÝ CÁN BỘ