Tin tức

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: WB đã chỉ ra những thực trạng đáng báo động của tài nguyên nước Việt Nam 31/05/2019

0
Phát biểu chủ trì Hội thảo công bố Báo cáo nghiên cứu độc lập của Ngân hàng Thế giới (WB) “Việt Nam - hướng tới một hệ thống nước có tính thích ứng, sạch và an toàn” diễn ra tại Hà Nội chiều 30/5, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng báo cáo của WB đã đưa ra một bức tranh tương đối đầy đủ về hiện trạng tài nguyên nước và công tác quản lý tài nguyên nước ở Việt Nam.






Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường
Trần Hồng Hà phát biểu khai mạc Hội thảo


Đồng chủ trì Hội thảo với Bộ trưởng có ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam. Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng cùng đại diện các Ban, Bộ, Ngành, địa phương; các viện nghiên cứu, các Trường đại học; các doanh nghiệp; các Đại sứ quán và các Tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

  
Ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia
Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo


Phát biểu khai mạc Hội thảo, thay mặt lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Trần Hồng Hà ghi nhận và đánh giá cao Báo cáo Nghiên cứu độc lập của Ngân hàng Thế giới với chủ đề: “Việt Nam - Hướng tới một hệ thống nước có tính thích ứng, sạch và an toàn” vừa được công bố.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: Việt Nam là một nước ở hạ lưu các sông quốc tế, thường xuyên phải gánh chịu các thảm họa do nước gây ra, phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước và suy giảm nguồn nước do khai thác quá mức ở nhiều nơi, bởi vậy tài nguyên nước của Việt Nam đang ẩn chứa nhiều yếu tố thiếu bền vững cho phát triển.

Tổng lượng dòng chảy mặt trên lãnh thổ Việt Nam vào khoảng 830 tỷ m3, trong đó khoảng 63% dòng chảy có nguồn gốc từ các quốc gia khác. Tính đến năm 2018, tổng lượng nước bình quân đầu người của Việt Nam đạt khoảng 8.760 m3/người/năm, nếu tính theo lượng nước nội sinh thì chỉ đạt khoảng 3.250 m3/người/năm, thấp hơn chuẩn của quốc gia theo quan điểm của Hiệp hội Nước quốc tế (thiếu nước là 4.000 m3/người/năm).

Bên cạnh đó dòng chảy phân bố không đều theo mùa và theo vùng, trong đó 70 - 80% tổng lượng dòng chảy tập trung trong mùa lũ, mùa khô kéo dài từ 6 đến 9 tháng với tổng lượng dòng chảy chỉ chiếm khoảng 20 - 30%, nên nhiều lưu vực sông đã ở tình trạng khan hiếm nước vào mùa khô.

Theo Bộ trưởng, Việt Nam cũng là một trong các quốc gia chịu tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu. Do tác động của biến đổi khí hậu, nguồn nước mùa khô có xu hướng suy giảm, hạn hán kéo dài hơn và diễn ra nghiêm trọng hơn, nhiều khu vực nước ngọt bị xâm nhập mặn và ô nhiễm gia tăng, khả năng chống chịu với thiên tai suy giảm, đặc biệt là hạn hán sẽ tạo ra thách thức lớn đối với bảo đảm an ninh nguồn nước và phát triển bền vững.

“Đã đến lúc chúng ta không nên ngộ nhận rằng chúng ta là quốc gia giàu về tài nguyên nước mà cần thẳng thắn chỉ ra rằng: Việt Nam là quốc gia nghèo về nước nhưng lại sử dụng lãng phí tài nguyên nước… Những áp lực này sẽ tạo nên các yếu tố kém bền vững cho phát triển nếu tài nguyên nước không được quản lý một cách thống nhất và được chia sẻ, khai thác một cách hợp lý, hiệu quả” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.


 
Thứ trưởng Bộ TN&MT
Lê Công Thành (bên trái) và đại diện WB điều hành Hội thảo


Đánh giá cao báo cáo của WB vừa công bố, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: Báo cáo Nghiên cứu độc lập của Ngân hàng Thế giới: "Việt Nam - Hướng tới một hệ thống nước có tính thích ứng, sạch và an toàn" đã đưa ra một bức tranh tương đối đầy đủ về hiện trạng tài nguyên nước và công tác quản lý tài nguyên nước ở Việt Nam.

Theo Bộ trưởng, báo cáo đã chỉ ra những thực trạng đáng báo động của tài nguyên nước Việt Nam: nhiều lưu vực sông đã ở mức cạn kiệt; chất lượng nước suy giảm đáng kể. Nước sử dụng cho nông nghiệp chiếm khoảng 70 đến 80% tổng lượng nước sử dụng của Việt Nam nhưng còn sử dụng chưa hiệu quả, lãng phí.

Theo dự báo trong mùa khô tổng nhu cầu sử dụng nước sẽ tăng 32% vào năm 2030, căng thẳng nước sẽ diễn ra nghiêm trọng tại các lưu vực kinh tế trọng điểm. Nghiên cứu chỉ ra mức độ khai thác, sử dụng nước ở các lưu vực sông Hồng - Thái Bình, sông Cửu Long, sông Đồng Nai - Sài Gòn, sông Thị Vải, sông Bé, sông Vàm Cỏ… tăng quá nhanh và đang tiến tới mức không bền vững; các lưu vực này đóng góp khoảng 80% GDP của Việt Nam. Sự gia tăng nhanh chóng của nhu cầu nước được dự báo sẽ gây áp lực cho nguồn nước của 11 trong số 16 lưu vực sông lớn tại Việt Nam vào năm 2030.

Bên cạnh đó, báo cáo cũng chỉ ra nhiều Bộ, ngành cùng tham gia vào công tác quản lý tài nguyên nước và nhiều luật điều chỉnh công tác quản lý tài nguyên nước gây khó khăn cho thực hiện quản lý tài nguyên nước thống nhất theo lưu vực, cả nước mặt và nước dưới đất, cả số lượng nước và chất lượng nước; khung pháp lý đã có nhưng thực thi còn chưa hiệu quả; cơ chế xử phạt chưa đủ răn đe; thiếu đầu tư lớn cho xử lý nước thải công nghiệp và đô thị; chưa có cơ chế, chính sách hiệu quả làm giảm ô nhiễm nguồn nước do sử dụng phân bón, chất hóa học trong ngành nông nghiệp; ô nhiễm từ nước thải chăn nuôi…

Ngoài ra, báo cáo cũng đã đưa ra các khuyến nghị và các nhóm giải pháp chính mà Việt Nam cần thực hiện để giải quyết các thách thức hướng tới đạt được mục tiêu phát triển bền vững tài nguyên nước.


 
Các đại biểu tham dự Hội thảo

Mặc dù số liệu sử dụng trong Báo cáo được tổng hợp từ nhiều nguồn khác nhau, có những số liệu cần kiểm chứng thêm, nhưng Báo cáo đã chỉ ra được những thách thức đối với tài nguyên nước và công tác quản lý tài nguyên nước mà Việt Nam đang đối mặt, đã khuyến nghị những định hướng hành động cần triển khai để giải quyết các thách thức này. Thay mặt Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Trần Hồng Hà  trân trọng cảm ơn Ngân hàng Thế giới đã thực hiện một nghiên cứu có giá trị sử dụng và hàm lượng khoa học cao đối với lĩnh vực quản lý tài nguyên nước.

Bộ trưởng cho biết, những khuyến nghị của Báo cáo sẽ được Bộ Tài nguyên và Môi trường sử dụng như một tài liệu quý với mục tiêu đổi mới tư duy, mô hình và thể chế trong quản trị nước quốc gia; thúc đẩy có hiệu quả công tác quản lý tổng hợp tài nguyên nước theo hướng nâng cao năng lực điều tra cơ bản và xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước, lập quy hoạch để bảo vệ, phát triển bền vững các nguồn nước kể cả nước mặt và nước ngầm, tăng cường tái sử dụng và tuần hoàn tài nguyên nước… nhằm tạo ra sự chuyển biến tích cực trong công tác quản lý tài nguyên nước và tăng cường nhận thức của cộng đồng về sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên nước của Việt Nam…
Bộ trưởng cũng tin tưởng, trong thời gian tới Ngân hàng Thế giới cùng các đối tác quốc tế tiếp tục hỗ trợ ngành tài nguyên nước nói riêng và các nỗ lực bảo vệ tài nguyên và môi trường nói chung, hướng tới mục tiêu chung nhất là hỗ trợ Chính phủ Việt Nam đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững theo đúng lộ trình. Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng mong muốn những nghiên cứu của báo cáo mà Ngân hàng Thế giới vừa công bố sẽ được đón nhận rộng rãi của địa phương, doanh nghiệp và người dân để các nội dung của báo cáo phát huy hiệu quả góp phần vào công tác quản lý tài nguyên người trong thời gian tới.

Đồng quan điểm với Bộ trưởng, ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tiếp tục khẳng định truyền thống hợp tác tốt đẹp của Ngân hàng Thế giới với Việt Nam nói chung và với ngành Tài nguyên và Môi trường trong thời gian qua nói riêng.

Ông Ousmane Dione cho biết: “Nếu như không có những hành động quyết liệt thì tài nguyên nước, một yếu tố động lực đã và đang thúc đẩy tăng trưởng nhanh chóng của Việt Nam sẽ đảm bảo được rằng tài nguyên nước vẫn sẽ là yếu tố chủ chốt giúp Việt Nam phát triển thịnh vượng hơn”.

Đề cao báo cáo vừa công bố, đại diện tổ chức này cũng khẳng định Ngân hàng Thế giới đánh giá cao mối quan hệ hợp tác với Chính phủ Việt Nam trong lĩnh vực quản lý tài nguyên nước. “Ngân hàng Thế giới sẽ tiếp tục làm việc chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Việt Nam để hỗ trợ việc thực hiện những khuyến nghị trong báo cáo một cách hợp lý, hiệu quả, bền vững, tài nguyên nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu…” - ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam nói.


 
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu kết luận Hội thảo

Tại Hội thảo, đại diện Ngân hàng Thế giới và các chuyên gia đã trình bày, thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến công tác quản lý tài nguyên nước của Việt Nam.

Phát biểu kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn toàn nhất trí với các báo cáo mà Ngân hàng Thế giới công bố hôm nay. Theo Thứ trưởng, trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ nghiên cứu một cách kỹ càng, khoa học và sẽ đề ra kế hoạch hành động cụ thể để tiếp thu những đề xuất của các báo cáo vừa lập, nhằm tăng cường hơn nữa cho công tác quản lý tài nguyên nước trong thời gian tới.

Thứ trưởng cũng cho rằng, qua Báo cáo độc lập của Ngân hàng Thế giới cho chúng ta nhận thức được một điều rằng, cần phải thay đổi quan điểm lâu nay của người dân Việt Nam là “nước là rẻ như bèo”. Thứ trưởng Lê Công Thành tin rằng sau ngày hôm nay tất cả chúng ta sẽ cùng nhau hành động để thay đổi nhận thức về nguồn tài nguyên quý giá này vì sự phát triển bền vững đất nước.

“Nước là cội nguồn của cuộc sống nhưng nước cũng là tài nguyên và là tài sản cần sử dụng đúng cách tiết kiệm và hiệu quả. Cần tiếp tục quản lý bền vững tài nguyên nước để trở thành động lực quan trọng đưa đất nước chúng ta lên một nền kinh tế phát triển cao hơn và ngày càng phồn vinh, hạnh phúc…” - Thứ trưởng Lê Công Thành nói. Thứ trưởng cũng mong muốn Ngân hàng Thế giới và các tổ chức quốc tế, các chuyên gia, hiệp hội ngành nghề sẽ tiếp tục đồng hành cùng ngành Tài nguyên và Môi trường để cùng lan tỏa, góp phần thay đổi nhận thức của cộng đồng về nguồn tài nguyên vô cùng giá trị này.

Báo cáo của Nghiên cứu độc lập của Ngân hàng Thế giới với chủ đề: “Việt Nam - Hướng tới một hệ thống nước có tính thích ứng, sạch và an toàn” vừa được công bố gồm 3 phần:

Phần 1:
- Thúc đẩy hiệu quả - Nhu cầu gia tăng và sự cần thiết phải nâng “giá trị trên mỗi đơn vị nước sử dụng” gồm các nội dung như: Tăng hiệu suất sử dụng nước tưới cho nông nghiệp; Đảm bảo cấp nước và các dịch vụ về nước sinh hoạt cho khu vực đô thị và nông thôn…
Phần 2: Giảm thiểu các các mối đe dọa - Quá thiếu Quá thừa, Quá bẩn… gồm các nội dung: Ô nhiễm nguồn nước - Mối đe dọa tiềm ẩn đến phát triển bền vững; Quản lý rủi ro đang gia tăng…
Phần 3: Nâng cao quản trị - Khung quản trị, Đổi mới và tài chính gồm các nội dung: Khung quản trị nước của Việt Nam; Các sáng kiến tăng cường quản lý tài nguyên nước; Thực hiện đầu tư tài chính hiệu quả hơn và điều chỉnh các ưu đãi phù hợp với các mục tiêu…
Theo đánh giá của các chuyên gia, đây là những kết quả nghiên cứu rất quý báu đối với công tác quản lý tài nguyên nước của Việt Nam.


Nguồn tin:Theo monre.gov.vn

PHẦN MỀM QUẢN LÝ DỰ ÁN
VĂN BẢN TRỰC TUYẾN
QUẢN LÝ VB&HSCV
HỆ THỐNG QUẢN LÝ CÁN BỘ