Tin tức

Bộ Tài nguyên và Môi trường và WEF ký kết Ý định thư về hợp tác trong vấn đề rác thải nhựa 25/01/2019

0
Trong các ngày 23-25 tháng 01 năm 2019, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã tham gia Đoàn đại biểu cấp cao của Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu tham dự Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sĩ theo lời mời của Chủ tịch sáng lập và điều hành WEF Klaus Schwab.





Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch WEF Klaus Schwab
chứng kiến Lễ ký kết Ý định thư giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và
WEF về hợp tác trong vấn đề rác thải nhựa (Nguồn: TTXVN)

Với chủ đề “Toàn cầu hóa 4.0: Định hình cấu trúc toàn cầu trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, WEF Davos 2019 thu hút khoảng 3.000 đại biểu, 50 nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu Chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế tham dự.

Chương trình Diễn đàn WEF 2019 bao gồm hơn 400 buổi làm việc của lãnh đạo các chính phủ, các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, các chuyên gia hàng đầu trong nhiều lĩnh vực và thế hệ trẻ, đến từ khắp nơi trên thế giới.

Hội nghị WEF Davos 2019 sẽ đánh giá tác động, triển vọng và thảo luận việc hợp tác, đối thoại để xử lý các vấn đề địa chính trị; đánh giá, thúc đẩy cải cách các khuôn khổ thể chế toàn cầu hiện nay để thích ứng với bối cảnh mới về chính trị, kinh tế và xã hội; định hình các quy định, khuôn khổ thể chế mới nhằm thúc đẩy hợp tác toàn cầu trong các lĩnh vực…

Ngoài ra, các đại biểu cũng sẽ đánh giá tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đối với các lĩnh vực, ngành kinh tế, đánh giá sự thay đổi mạnh mẽ về lao động, việc làm và thúc đẩy tư duy hệ thống nhằm cải thiện căn bản việc quản lý toàn diện môi trường sinh thái.

Tham dự và phát biểu khai mạc tại phiên thảo luận với chủ đề “Cuộc gặp của các nhà lãnh đạo về Chương trình nghị sự Hành động đại dương”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận nhiều nỗ lực trong quản trị biển và đại dương, nhưng cho rằng rất cần phải có những đột phá, nhất là huy động và phân bổ hiệu quả nguồn lực để ứng phó với những thách thức nghiêm trọng của biến đổi khí hậu toàn cầu, nước biển dâng và hỗ trợ cho các quốc gia bị tác động nặng nề nhất. Thủ tướng đề nghị thành lập “Diễn đàn đối tác công - tư rộng mở về ứng phó với biển đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái biển” để tăng cường chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác, chuyển giao công nghệ, huy động các nguồn lực và thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp vào bảo vệ môi trường biển.

Với môi trường siêu kết nối trong Cách mạng công nghiệp 4.0 đang mở ra cơ hội phát triển cho nhiều lĩnh vực, trong đó có bảo vệ biển - đại dương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) phối hợp với các đối tác nghiên cứu, thúc đẩy hình thành mạng lưới toàn cầu về chia sẻ dữ liệu biển và đại dương; hoan nghênh cộng đồng quốc tế ủng hộ lập trường chung của ASEAN về việc cần phải bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không trên khu vực Biển Đông.

 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch WEF Klaus Schwab
chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu tham dự Diễn đàn (Nguồn: TTXVN)

Sau bài phát biểu khai mạc của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã tham gia thảo luận với các nhà lãnh đạo, các Bộ trưởng, lãnh đạo các tập đoàn kinh tế về những biện pháp dựa trên tự nhiên ứng phó với biến đổi khí hậu cho biển và đại dương.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng đã tham gia với tư cách diễn giả chính trong các Phiên họp “Hành động chung để giải quyết các vấn đề rác thải nhựa” và “Chuyển đổi nền kinh tế nhựa”. Đây là nội dung được sự quan tâm của toàn cầu trong thời gian gần đây và đã được WEF đưa vào Chương trình nghị sự của Kỳ họp lần này với mục tiêu định hình các giải pháp toàn cầu nhằm hướng tới một nền kinh tế tuần hoàn không có rác thải nhựa, nhu cầu sự cần thiết hợp tác toàn cầu khu vực, giữa các quốc gia các tổ chức để khắc phục vấn nạn rác thải nhựa.

Trong các nội dung thảo luận của mình, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã nêu rõ những nỗ lực của Việt Nam trong thời gian qua và kế hoạch trong giai đoạn tới để giải quyết vấn đề rác thải nhựa nói riêng và theo định hướng của nền kinh tế tuần hoàn nói chung. Bộ trưởng cũng cung cấp thông tin về các nỗ lực riêng biệt của từng nước ASEAN và của cộng đồng ASEAN.

Một số đề xuất đã được Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu ra trong các Phiên họp của WEF liên quan đến vấn đề rác thải nhựa và chuyển đổi nền kinh tế nhựa, như:

(i) Các quốc gia cần xem xét xây dựng và triển khai cơ chế toàn cầu về huy động tài chính, chuyển giao công nghệ, chia sẻ kinh nghiệm về chính sách, nhằm thúc đẩy chuyển đổi sang nền kinh tế nhựa dựa trên hướng tiếp cận nền kinh tế tuần hoàn;

(ii) Thiết lập các cơ chế phù hợp nhằm thúc đẩy dự tham gia tích cực và hiệu quả của tất cả các bên liên quan trong quá trình sản xuất và sử dụng các sản phẩm nhựa, đặc biệt là các sản phẩm nhựa sử dụng một lần; trong đó đặc biệt là phát huy vai trò và sự tham gia của các doanh nghiệp với sự dẫn dắt tiên phong của các tập đoàn đa quốc gia có vị thế và tiềm lực mạnh trên thị trường;
(iii) Thúc đẩy việc xây dựng và thực hiện các trung tâm toàn cầu và khu vực nhằm quan trắc, thu thập và chia sẻ thông tin, nghiên cứu và chia sẻ kinh nghiệm về xử lý ô nhiễm chất thải nhựa;

(iv) Tăng cường thực hiện các chương trình nâng cao nhận thức của cộng đồng về rác thải nhựa, đặc biệt là thông qua tích hợp vào các chương trình giáo dục phổ thông.

Trong khuôn khổ Hội nghị WEF Davos 2019, với sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch WEF Klaus Schwab, Bộ trưởng Trần Hồng Hà và ông Dominic Waughray - Giám đốc Trung tâm Hàng hóa công toàn cầu của WEF đã ký kết Ý định thư giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và WEF về hợp tác trong vấn đề rác thải nhựa. Mục tiêu của Ý định thư này là nhằm thúc đẩy hợp tác giữa hai bên trong một số sáng kiến của WEF và thu hút sự hỗ trợ của WEF và các bên liên quan khác cho Việt Nam trong định hướng phát triển nền kinh tế tuần hoàn và giải quyết vấn đề rác thải nhựa. Sự hợp tác với WEF trong khuôn khổ Ý định thư hợp tác này cũng được trông đợi sẽ giúp Việt Nam chuẩn bị cho các sáng kiến liên quan cho vai trò Chủ tịch ASEAN vào năm 2020./.

Nguồn tin:Theo monre.gov.vn

PHẦN MỀM QUẢN LÝ DỰ ÁN
VĂN BẢN TRỰC TUYẾN
QUẢN LÝ VB&HSCV
HỆ THỐNG QUẢN LÝ CÁN BỘ