Tin tức

Thông tin giới thiệu dự án Hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai Việt Nam 27/09/2013


Dự án Hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai Việt Nam (VLAP) là dự án triển khai xây dựng hệ thống đăng ký đất đai, hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo phương thức hiện đại nhằm cải cách thủ tục hành chính trong quản lý, tạo điều kiện dễ dàng tiếp cận quỹ đất và công khai hóa thông tin về đất đai.



Mục tiêu của Dự án

Từ khi Luật Đất đai năm 1993 có hiệu lực thi hành, Việt Nam đã xây dựng lộ trình cụ thể đối với việc hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai. Đến nay, VLAP sẽ hỗ trợ đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa hệ thống quản lý tại một số tỉnh trong giai đoạn 5 năm tới, bắt đầu từ năm 2008.

Dự án do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) là cơ quan chủ quản, triển khai tại các tỉnh được lựa chọn việc đo đạc lập bản đồ địa chính, lập sổ sách địa chính dưới dạng cơ sở dữ liệu và đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; hoàn thiện hệ thống đăng ký đất đai và hệ thống thủ tục hành chính trong quản lý đất đai; tăng cường tính công khai và minh bạch trong quản lý hướng tới việc tạo thuận lợi trong tiếp cận quỹ đất thông qua dịch vụ thông tin đất đai đối với mọi đối tượng. Việc chuyển dịch đáng kể cơ cấu sử dụng đất là nội dung cơ bản của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Vì vậy, Chính phủ Việt Nam cho rằng việc xây dựng một hệ thống quản lý đất đai hiện đại là một nhiệm vụ cần thiết, bức xúc nhằm mang lại lợi ích thiết yếu cho phát triển kinh tế đất nước, tạo công bằng xã hội và bảo vệ môi trường. Một hệ thống quản lý đất đai có hiệu lực và hiệu quả sẽ bảo đảm quyền lợi hợp lý của Nhà nước, nhà đầu tư và người đang sử dụng đất. Một hệ thống quản lý đất đai công khai và minh bạch sẽ góp phần tích cực trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong quản lý, nâng cao hiệu quả trong sử dụng, giải quyết tốt mọi tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai, làm người dân tin tưởng hơn vào mọi hoạt động phát triển có liên quan đến sử dụng đất đai.

Sự thành công của Dự án sẽ được đánh giá thông qua các tiêu chí về mức độ hài lòng của người dân đối với hệ thống quản lý, sự chấp nhận của cộng đồng đối với thủ tục đăng ký khi thực hiện các giao dịch về đất đai, việc cải thiện về môi trường đầu tư có sử dụng đất đai.

Các tỉnh tham gia Dự án

Các tỉnh được lựa chọn tham gia Dự án là các tỉnh thuộc các vùng kinh tế trọng điểm, nhiệm vụ xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính còn nhiều, thu ngân sách không cao, có khả năng thực thi dự án thành công, có cam kết đóng góp vốn đối ứng và có khả năng duy trì tốt kết quả của dự án trong vận hành, cập nhật hệ thống quản lý đất đai của địa phương.

Chín tỉnh đã được lựa chọn tham gia dự án được chia thành 3 nhóm, mỗi nhóm gồm 3 tỉnh liền kề, cụ thể là:

Tiền Giang, Bến Tre và Vĩnh Long thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long;
Khánh Hòa, Bình Định và Quảng Ngãi thuộc khu vực Duyên hải Nam Trung bộ;
Thái Bình, Hưng Yên và Hà Tây thuộc khu vực Đồng bằng sông Hồng.


Các hoạt động của Dự án

Hoạt động của Dự án gồm các hợp phần chính như sau:
Hiện đại hóa hệ thống đăng ký đất đai: Hợp phần này thực hiện việc đo đạc lập bản đồ địa chính, lập các sổ sách địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tất cả các thửa đất dưới dạng cơ sở dữ liệu đất đai; phát triển hệ thống thông tin đất đai chính xác, đầy đủ và kịp thời; xây dựng hệ thống đăng ký đất đai hoàn chỉnh với các thủ tục hành chính đơn giản. Toàn bộ hồ sơ đăng ký đất đai, hệ thống thông tin đất đai thể hiện đầy đủ các thửa đất, người sử dụng đất được xây dựng hoàn thiện, luôn được cập nhật, bảo đảm tính công khai và minh bạch. Toàn bộ hệ thống quản lý đất đai được vận hành trên cơ sở phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (ICT) nhằm quản lý chặt chẽ quỹ đất, phục vụ thật tốt người đang sử dụng hoặc có nhu cầu sử dụng đất, tạo mối quan hệ trực tiếp giữa chính quyền và người dân trong xây dựng và thực thi pháp luật, trong quy hoạch và triển khai quy hoạch, trong thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước và bảo vệ quyền lợi của người sử dụng đất.

Tăng cường cung cấp dịch vụ đăng ký đất đai: Hợp phần này sẽ hỗ trợ việc vận hành thật tốt hệ thống Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất dưới dạng cung cấp dịch vụ thuận lợi cho người dân. Các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất là nơi cung cấp mọi thông tin về đất đai cho nhu cầu của quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và các nhu cầu khác của cộng đồng. Các dịch vụ công về đất đai sẽ được thực hiện trên cơ sở các chuẩn mực quốc tế và các cơ chế chia sẻ thông tin thống nhất. Hợp phần này hỗ trợ một chương trình nâng cao nhận thức cộng đồng và truyền thông làm cho các tổ chức, công dân có liên quan đến đất đai hiểu rõ về chính sách, pháp luật về đất đai; quy hoạch sử dụng đất; việc xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; các quyền, quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ được thực hiện và được Nhà nước bảo hộ. Các mô hình thu - chi tài chính khác nhau cũng sẽ được nghiên cứu nhằm hướng tới khả năng tự bảo đảm tài chính ổn định trong tương lai cho hoạt động của các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất.

Quản lý dự án và theo dõi đánh giá: Hợp phần này sẽ hỗ trợ chung về quá trình thực hiện Dự án. Năng lực quản lý dự án sẽ được tăng cường với việc xây dựng hệ thống thông tin quản lý, hệ thống giám sát thực hiện và hệ thống đánh giá kết quả thực hiện. Từ đó, hệ thống theo dõi và đánh giá sẽ được áp dụng rộng hơn trong quản lý đất đai để kịp thời đánh giá được các quyết định quản lý.

Dự kiến những lợi ích của Dự án cho cộng đồng


Đất sản xuất nông nghiệp, đất chuyên dùng, đất ở sẽ được đo đạc lại chính xác ở những nơi chưa có bản đồ địa chính chính quy, nâng cấp hồ sơ địa chính, cấp mới hoặc cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Chính phủ đang triển khai việc đo đạc lập bản đồ và hồ sơ địa chính cho đất lâm nghiệp ở chương trình khác). Người dân địa phương sẽ được mời tham gia quy trình này.

Dự án chỉ hiện đại hóa việc xây dựng và quản lý thông tin đất đai. Dữ liệu về mỗi thửa đất, người sử dụng đất sẽ được cập nhật và xác định chính xác. Quyền sử dụng đất sẽ không bị thay đổi trước và sau dự án. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ được cập nhật biến động hoặc cấp lại cho mỗi thửa đất, ghi tên vợ và tên chồng theo đúng quy định của pháp luật.

Người dân địa phương sẽ được tiếp cận với dịch vụ đăng ký đất đai theo một trình tự, thủ tục đơn giản. Người dân sẽ tự thấy được lợi ích rõ ràng của việc đăng ký biến động về sử dụng đất. Hệ thống thông tin cũng sẽ cung cấp thông tin đất đai thật dễ dàng đối với mọi tổ chức, công dân có nhu cầu. Các cơ quan quản lý khác sẽ được tiếp cận với thông tin đất đai để phục vụ nhiệm vụ quản lý chuyên ngành như quản lý bất động sản, quản lý đầu tư, quản lý quy hoạch, quản lý môi trường, v.v. Nhà đầu tư được giới thiệu công khai về địa điểm đầu tư trên hệ thống thông tin đất đai. Người có nhu cầu chuyển nhượng, nhận chuyển nhượng cũng có thông tin chính xác về đất đai. 

Dự án sẽ cung cấp thông tin về các hoạt động của dự án và quản lý đất đai của địa phương thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các cuộc hội nghị tại địa phương, hoạt động của các tổ chức xã hội có liên quan, trên các mạng thông tin điện tử trong đó có Internet. Cơ quan quản lý sẽ thu thập ý kiến phản hồi từ người dân, từ các nhóm tư vấn cộng đồng, từ phương tiện thông tin đại chúng. Dự án cũng sẽ thực hiện điều tra hàng năm đối với các tổ chức, công dân đã thực hiện các dịch vụ công về quản lý đất đai.

Đối với các huyện miền núi, tất cả người dân, gồm cả người dân tộc thiểu số sẽ được từng bước tiếp cận với các dịch vụ công về đất đai có chất lượng tương đương với các vùng kinh tế phát triển. Việc nâng cao nhận thức cộng đồng trực tiếp bằng ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số sẽ được tổ chức, nâng cao nhằm bảo đảm hiểu biết thật đầy đủ.

Chi phí và tài chính của Dự án

Dự án dự kiến sẽ được đầu tư tổng cộng khoảng 100 triệu đô la Mỹ, trong đó 80 triệu đô la Mỹ sẽ là tiền vay ưu đãi của Ngân hàng Thế giới giành cho Chính phủ Việt Nam. Dự kiến, khoảng 85% tổng kinh phí dự án sẽ được sử dụng để xây dựng hồ sơ địa chính và hệ thống đăng ký đất đai, khoảng 6% sẽ sử dụng để hỗ trợ tăng cường việc cung cấp dịch vụ công về quản lý đất đai, phần còn lại sẽ giành cho nhiệm vụ quản lý, theo dõi, đánh giá và các nhiệm vụ khác.

Dự án dự kiến sẽ huy động được nguồn viện trợ không hoàn lại của các cơ quan hợp tác phát triển của các nước Thụy Điển, New Zealand, Pháp, Phần Lan để bổ sung các hoạt động đào tạo, nâng cao nhận thức cộng đồng, thử nghiệm mô hình cho thực hiện Dự án.
Tiến độ và kế hoạch chuẩn bị Dự án

Với sự hỗ trợ của Chính phủ Thụy Điển, Bộ TNMT đã hoàn thiện dự thảo báo cáo chuẩn bị Dự án để làm việc với Ngân hàng Thế giới và tham vấn các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước về Dự án. Dự án đã kết thúc kế hoạch tiền thẩm định trong tháng 6/2007. Trong thời gian từ tháng 7 đến tháng 10/2007, Bộ và các tỉnh tham gia dự án sẽ chuẩn bị, hoàn thiện các nội dung có liên quan để tiến hành các thủ tục trong nước phục vụ cho kế hoạch thẩm định của Ngân hàng Thế giới dự kiến vào tháng 10/2007. Theo dự kiến, sau khi thẩm định, Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới sẽ tiến hành đàm phán vào tháng 1/2008 và Dự án sẽ bắt đầu thực hiện từ tháng 7/2008 đến tháng 6/2013.


Nguồn tin:Theo VLAP