Tin tức

Lời chào Trưởng Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam 01/04/2014

0
Cơ duyên của tôi với Việt Nam bắt đầu từ năm 2001, khi tôi là Trưởng Bộ phận phụ trách về Việt Nam tại Trụ sở chính của JBIC (Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản). Sau đó, tôi đã làm việc với tư cách là Trưởng Đại diện Văn phòng JBIC tại Việt Nam. Như vậy, trong khoảng thời gian mười hai năm gần đây, tôi đã có bảy năm gắn bó sâu sắc với Việt Nam. Đặc biệt, tôi vô cùng vui sướng được quay trở lại Việt Nam vào đúng "Năm kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản" , đáng ghi nhớ này.


Nối lại Hỗ trợ Phát triển Chính thức (ODA) cho Việt Nam vào năm 1992, Nhật Bản đã hỗ trợ xây dựng và trang bị cơ sở hạ tầng cũng như đào tạo nguồn nhân lực, cải thiện thể chế và chính sách góp phần phát triển kinh tế xã hội và nâng cao đời sống của người dân Việt Nam. Đặc điểm nổi bật của viện trợ ODA Nhật Bản là luôn liên kết chặt chẽ hai hình thức hợp tác: Hợp tác kỹ thuật và Hỗ trợ kinh phí. Theo thống kê cho tới cuối năm 2012, tổng số vốn cam kết để phát triển cơ sở hạ tầng của hai ngành chính yếu là Giao thông và Điện lực đã đạt mức 2.050 tỷ yên; viện trợ không hoàn lại cho hai ngành Y tế và Giáo dục vượt 140 tỷ yên; tổng số chuyên gia Nhật Bản được phái cử dài hạn sang Việt Nam hơn 5.700 người; tổng số học viên Việt Nam được đào tạo tại Nhật Bản là 20.800 người, tổng số tình nguyện viên Nhật Bản được phái cử sang Việt Nam là trên 480 người.

Những năm gần đây, Việt Nam luôn đạt mức tăng trưởng kinh tế cao và đã đạt được mục tiêu quốc gia là đến năm 2010 đưa Việt Nam ra khỏi các nước kém phát triển và trở thành nước có thu nhập trung bình. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng bền vững và cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020, nhiệm vụ cấp bách của Viêt Nam hiện nay là tăng cường năng lực cạnh tranh hướng tới tự do hóa thương mại trong xu hướng hội nhập kinh tế tại khu vực ASEAN được chính thức bắt đầu từ năm 2015. Để cải thiện năng lực cạnh tranh quốc tế của Việt Nam, JICA sẽ tăng cường hợp tác sâu và rộng hơn nữa trên cả hai phương diện: phần cứng và phần mềm trong ba lĩnh vực ưu tiên mà Chính phủ Việt Nam coi trọng gồm (1) Phát triển cơ sở hạ tầng; (2) Đào tạo nguồn nhân lực; (3) Cải thiện chế độ chính sách.

Năm 2012, Nhật Bản là nước đứng đầu về cung cấp nguồn vốn ODA cũng như Đầu tư tư nhân tại Việt Nam. Trong tương lai, để đáp ứng nhu cầu về phát triển cơ sở hạ tầng với qui mô lớn và hiện đại như những dự án vốn vay về xây dựng đường cao tốc Bắc Nam và xây dựng đường sắt đô thị tại Tp. Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh, hiện đang trong quá trình thực hiện, Hợp tác công tư (PPP) sẽ rất cần thiết để có thể huy động vốn và kỹ thuật từ khu vực tư nhân cùng với nguồn vốn ODA. ODA Nhật Bản đã và đang thực hiện sứ mệnh kết nối nhu cầu của nhân dân và Chính phủ hai nước Việt Nam – Nhật Bản.

Cùng với xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng, JICA thực hiện hỗ trợ cải cách thể chế và chính sách như: ổn định lĩnh vực tài chính, cải cách chính sách, cải thiện năng lực quản lý vận hành doanh nghiệp Nhà nước, cải thiện môi trường đầu tư,… Tuy nhiên, mặt trái của tăng trưởng kinh tế nhanh là: ô nhiễm môi trường, gia tăng khoảng cách phát triển giữa thành thị và nông thôn, thiếu các trang thiết bị cần thiết trong lĩnh vực y tế cũng như các vấn đề về an sinh xã hội…

Để hỗ trợ Việt Nam đạt được tăng trưởng bền vững, luôn chú ý tới sự cân bằng giữa tăng trưởng và ổn định nền kinh tế, JICA đang tập trung hỗ trợ cho Việt Nam theo ba trụ cột chính là: 1)Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tăng cường năng lực cạnh tranh quốc tế; 2)Tăng cường quản trị nhà nước; 3) Hỗ trợ các đối tượng dễ bị tổn thương thông qua phát huy tối đa những kinh nghiệm và kiến thức cũng như nguồn lực về con người và vốn của Nhật Bản.

Kính mong sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ và hợp tác của các Quý vị.

 

 

Nguồn tin:Theo KH&HTQT Tổng hợp