Tin tức

PGS. TS. Trần Thục: BĐKH - Cơ hội mới cho kinh doanh 25/05/2011

0
Thương mại vốn được xem là một trong những tác nhân phát thải khí nhà kính gây biến đổi khí hậu thì nay được nhìn nhận như một trong những con đường để thích ứng và giảm nhẹ với thách thức toàn cầu này. PGS. TS. Trần Thục (ảnh bên) - Viện trưởng Viện  Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường đã có những nghiên cứu thú vị về biến đổi khí hậu và thương mại trong bối cảnh nền kinh tế xanh. PGS. TS. Trần Thục cho biết:

 -  Biến đổi khí hậu và thương mại có mối quan hệ hai chiều. Thương mại có thể làm tăng tổng lượng phát thải khí nhà kính thông qua việc di chuyển các-bon ra nước ngoài hay rò rỉ các-bon theo Nghị định thư Kyoto, mặt khác nó cũng góp phần vào giảm nhẹ và thích ứng với BĐKH. Ngược lại, biến đổi khí hậu cũng tác động đến thương mại thông qua lợi thế so sánh quốc gia và chuỗi cung cấp, vận chuyển phân phối sản phẩm và dịch vụ.


PGS.TS TrầnThục

Việc mở cửa thương mại đã làm tăng lượng phát thải khí nhà kính do sự gia tăng sản xuất và sự dịch chuyển sản xuất từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển. Di chuyển các-bon ra nước ngoài hay "rò rỉ các-bon" theo Nghị định thư Kyoto là việc chuyển các cơ sở sản xuất từ các nước thuộc Phụ lục I sang các nước không thuộc Phụ lục I của nghị định thư Kyoto, vì thế tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu là không giảm. Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các nước đang phát triển đã góp phần đáng kể vào sự gia tăng này.

Một vài thí dụ như sau: Trong giai đoạn 1990-2008, các nước phát triển công bố rằng đã giảm 2% lượng phát thải khí nhà kính, nhưng khi xét đến dấu vết carbon trong hàng hóa nhập khẩu thì là tăng 7%. Phần lớn sự gia tăng phát thải ở các nước phát triển là do Mỹ, nước hứa hẹn cắt giảm 7% theo Nghị định thư Kyoto nhưng đã không phê chuẩn. Phát thải bên trong biên giới Mỹ đã tăng 17%, nhưng nếu cân bằng các-bon trong hàng hóa nhập khẩu-xuất khẩu đã phát thải của Mỹ đã tăng 25%. Phát thải của Anh đã giảm 28 triệu tấn, nhưng nếu xét đến nhập khẩu-xuất khẩu thì là hơn 100 triệu tấn. Châu Âu giảm được 6%, nhưng khi xét đến việc chuyển sản xuất ra nước ngoài thì chỉ giảm được 1%. Trung Quốc chiếm 75% lượng phát thải ngoài biên giới của các nước phát triển.

Khái niệm "điều chỉnh biên giới các-bon" được đưa ra nhằm giải quyết vấn đề rò rỉ các-bon. Tuy nhiên, mục đích chính là tạo ra sự cân bằng cạnh tranh về giá của hàng hóa sản xuất tại các nước phát triển đối với hàng hóa nhập khẩu từ các nước đang phát triển. Nói nôm na là đánh thuế các-bon đối với hàng hóa từ các nước đang phát triển nhập khẩu vào các nước phát triển; vì các hàng hóa này được sản xuất bằng các công nghệ kém tiên tiến và không có những quy định nghiêm ngặt về lượng phát thải khí nhà kính. Cộng đồng châu Âu dự kiến áp dụng loại rào cản này nhằm giải quyết vấn đề ưu thế so sánh về giá của hàng hóa nhập khẩu, Mỹ đang cân nhắc trong dự thảo Luật Biến đổi khí hậu Dingell-Boucher.

Tuy nhiên, thương mại cũng có thể góp phần vào giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua việc phổ biến các công nghệ xanh, mở rộng hàng hóa và dịch vụ môi trường, hay tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua việc làm cầu nối giữa cung và cầu trong điều kiện khan hiếm hàng hóa do biến đổi khí hậu.

 * Thưa PGS, thương mại có thể giúp các nước thích ứng và giảm nhẹ với biến đổi khí hậu như thế nào?

- Theo tôi, nền thương mại xanh có thể giúp các quốc gia giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua ba cơ chế. Về mặt giảm nhẹ, thương mại giúp phổ biến các công nghệ xanh và mở rộng các hàng hóa và dịch vụ môi trường, góp phần làm giảm phát thải thải khí nhà kính. Về mặt thích ứng, thương mại tạo cầu nối cung – cầu để giảm áp lực khan hiếm hàng hóa lên các nước có nền kinh tế dựa vào tài nguyên thiên nhiên khi biến đổi khí hậu gây ra tác động.


Thương mại giúp phổ biến các công nghệ xanh

* Vậy là biến đổi khí hậu có thể tạo ra cơ hội làm ăn cho các doanh nghiệp, thưa PGS?

- Đúng vậy, đó thực sự là cơ hội cho các doanh nghiệp biết thay đổi theo hướng thân thiện môi trường. Phát triển bền vững, bảo vệ môi trường cũng như biến đổi khí hậu đã “tạo” ra một ngành dịch vụ, đó là dịch vụ môi trường. Nhiều doanh nghiệp làm giàu nhờ việc cung cấp những sản phẩm và dịch vụ mới cho một nền kinh tế hạn chế sử dụng các nguồn năng lượng chứa carbon. Thương mại xanh thúc đẩy việc chuyển giao các công nghệ sạch, tăng cơ hội thay đổi công nghệ cho phù hợp với điều kiện từng nước. Cũng nhờ mối quan hệ kinh tế với quốc tế mà cơ hội học tập được tăng cường, từ đó làm giảm chi phí của việc cải tiến công nghệ… Dần dần một hệ thống hành lang pháp lý về thương mại xanh sẽ hình thành. Sự phát triển kinh tế trong tương lai sẽ là sự phát triển của kinh tế xanh. Nhờ nền kinh tế này, các thành phần kinh tế còn lại sẽ được tiếp tục duy trì phát triển và sẽ dần chuyển hướng theo mục đích bảo vệ môi trường trước các bắt buộc pháp lý.

* Việt Nam là quốc gia bị tác động mạnh mẽ bởi biến đổi khí hậu, theo ông, thương mại xanh ở Việt Nam cần được định hướng như thế nào?

- Việt Nam rất cần thiết phải có những định hướng về thương mại trong bối cảnh nền "kinh tế xanh”, trong đó nên chú trọng đến việc tiếp cận với các công nghệ sạch, cải cách chính sách nhằm kích thích đầu tư công nghệ sạch và chuyển giao công nghệ. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu cho người tiêu dùng để góp phần tạo ra sức ép phải thay đổi đường lối kinh doanh lên các doanh nghiệp. Chúng ta cũng cần có chương trình nghị sự rõ ràng có khả năng góp phần thúc đẩy sự tham gia của Việt Nam vào các quá trình đám phán quốc tế về biến đổi khí hậu và thương mại. Đồng thời cần xây dựng nền tảng hợp tác về biến đổi khí hậu và thương mại giữa các nhà đàm phán, các nhà hoạch định chính sách và những người khác trong khu vực tư nhân và xã hội dân sự tại Việt Nam.

Nguồn tin:http://www.monre.gov.vn