Tin tức

Biến đổi khí hậu đã kích động các cuộc xung đột 31/08/2011

0
Kết quả một công trình nghiên cứu về mối quan hệ giữa các chu kỳ ENSO (gồm hai hiện tượng El Nino và La Nina) với các cuộc xung đột và bạo lực trên thế giới trong giai đoạn 1950-2004 cho thấy El Nino là nguyên nhân gây ra 21% các cuộc nội chiến trên thế giới.
Tỷ lệ trên tăng lên gần 30% ở những nước chịu tác động trực tiếp của hiện tượng này.

Theo kết quả nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học Nature, những nước nhiệt đới chịu ảnh hưởng của hiện tượng El Nino có tình trạng bất ổn xã hội cao gấp hai lần so với thời điểm chịu ảnh hưởng của hiện tượng La Nina.

Nguyên nhân là vì El Nino gây ra những biến đổi lớn về lượng mưa và nhiệt độ, tạo ra những đợt nắng nóng hoặc gió khô rất khó chịu, đặc biệt ở phần lớn khu vực châu Phi, Nam Á, Đông Nam Á và Australia.

Trong khi đó, La Nina thường mang đến khí hậu mát mẻ và những đợt mưa lớn ở các nước thuộc bờ Đông Thái Bình Dương. Đây cũng là lý do giải thích tại sao các cuộc xung đột và nội chiến thường xảy ra ở châu Phi và Nam Á hơn là ở các khu vực khác.

Ngoài ra, nghiên cứu cũng cho thấy ở những nước chịu ảnh hưởng của chu kỳ ENSO (xảy ra 2-7 năm một lần và kéo dài 9-12 tháng), nguy cơ nổ ra xung đột nội bộ trong thời kỳ El Nino là 6%, cao gấp hai lần trong giai đoạn La Nina. Ở những nước nằm ngoài phạm vi ảnh hưởng của ENSO, tỷ lệ xung đột duy trì ở mức 2% trong cả hai giai đoạn khí hậu này.

Trước đây, trong lịch sử cũng đã có những minh chứng rõ ràng cho mối quan hệ giữa biến đổi khí hậu và nạn bạo lực. Tình trạng khí hậu khắc nghiệt khiến mùa màng thất bát là nguyên nhân thổi bùng các cuộc xung đột giữa người dân nông thôn và thành thị tại Pháp vào cuối thế kỷ 19. Hạn hán nghiêm trọng cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng thêm mức căng thẳng trong xã hội vốn đã quá mức chịu đựng vì xung đột và đói kém ở các nước vùng Sừng châu Phi.



Tác giả chính của cuộc nghiên cứu, ông Solomon Hsiang đến từ Viện nghiên cứu Trái đất thuộc Đại học Columbia, giải thích El Nino không phải là yếu tố duy nhất kích động các cuộc xung đột nội bộ, mà chỉ là nhân tố khiến các vấn đề xã hội trở nên căng thẳng hơn.

Dưới tác động khắc nghiệt của thời tiết, con người dễ có những phản ứng giận dữ khi đối mặt với nạn đói, tình trạng thất nghiệp hay sự bất bình đẳng trong xã hội và đây chính là yếu tố góp phần dẫn đến xung đột hay bạo lực. Vì vậy, khả năng của các chính phủ trong việc kiểm soát và ứng phó với các hiện tượng khí hậu cực đoan là yếu tố vô cùng quan trọng trong việc bình ổn xã hội và giảm nguy cơ xung đột./.

Theo TTXVN

Nguồn tin:http://vea.gov.vn