Tin tức

Việt Nam tích cực ứng phó với biến đổi khí hậu 20/09/2011


Theo đánh giá của các nhà khoa học, Việt Nam hiện nằm trong danh sách 5 nước trên thế giới phải gánh chịu tác động nặng nề nhất từ thảm họa biến đổi khí hậu (BĐKH) cùng với nguy cơ nước biển dâng. Ở Việt Nam, trong vòng 50 năm qua, nhiệt độ trung bình đã tăng lên 7oC và mực nước biển đã dâng lên khoảng 20cm.

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) vào tháng 7/2007 cũng đã nêu rõ, Việt Nam là nước Đông Nam Á bị ảnh hưởng nghiêm trọng của BĐKH bởi sự nóng lên toàn cầu và nước biển dâng. WB cũng đã đưa ra kịch bản cảnh báo: Nếu nước biển dâng lên 1m vào năm 2010 sẽ tác động đến 5,3% diện tích đất đai toàn quốc; 10,8% dân cư; 10,2% GDP; 10,9% diện tích đô thị; 7,2% diện tích đất nông nghiệp và 28,9% diện tích đất trũng.

Còn theo như kịch bản của Bộ Tài Nguyên và Môi trường đưa ra, đến năm 2050, mực nước biển có thể dâng thêm 30cm, và đến năm 2100, ngoài 5 thành phố lớn ở Việt Nam sẽ bị ngập úng do triều dâng thì hầu hết các thành phố ven biển khác sẽ bị ngập triều. Hai khu vực được đánh giá là có nguy cơ ngập triều gây mặn nặng nhất là tỉnh Bến Tre và Cà Mau. Trên thực tế, mũi Cà Mau vài năm gần đây đã ngày càng bị biến dạng nhiều hơn và nguy cơ sẽ không thể giữ được hình thù đất mũi như trước. Đây chính là bằng chứng rõ nhất về tình trạng nước biển dâng đang xâm chiếm đất liền ven biển Việt Nam.

Việt Nam đã làm gì?

Theo các chuyên gia của Viện Khoa học khí tượng thủy văn và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường): Nhận thức rõ những tác động và nguy cơ tiềm tàng của BĐKH đối với nền kinh tế đất nước và đời sống nhân dân, Chính phủ Việt Nam đã sớm tham gia và phê chuẩn Công ước khung của Liên hiệp quốc về BĐKH và Nghị định thư Kyoto. Nhiều Bộ ngành địa phương cũng đã triển khai các chương trình, dự án nghiên cứu diễn biến và tác động của BĐKH và biện pháp ứng phó.

Cụ thể, tháng 11/2007, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đền năm 2020; đến tháng 12/2008, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH (Quyết định số 158/2008/QĐ-TTg) và giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường làm đầu mối thực hiện quản lý nhà nước trong lĩnh vực BĐKH, cũng là cơ quan chủ trì xây dựng và điều phối triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH.

Theo lãnh đạo Viện Khoa học khí tượng thủy văn và môi trường: Sau một thời gian thực hiện chúng ta đã đạt được những kết quả bước đầu như: Xây dựng và công bố các kịch bản BĐKH và nước biển dâng cho Việt Nam vào tháng 6/2009. Đây là định hướng ban đầu giúp các Bộ, ngành, địa phương đánh giá được chính xác hơn những tác động của BĐKH đến từng lĩnh vực họ quản lý từ đó có phương án ứng phó kịp thời; Xây dựng và ban hành “Hướng dẫn xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH cho các Bộ, ngành, địa phương” theo Công văn số 3815/BTNMT ngày 13/10/2009; Xây dựng thông tư liên tịch giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhằm “Hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu”. Thông tư đã được ký và ban hành ngày 15/3/2010 và có hiệu lực từ ngày 1/5/2010; Phối hợp với các bộ ngành tổ chức nhiều hội thảo về vấn đề BĐKH; Tham gia tích cực vào các vòng đàm phán và hội nghị quốc tế về BĐKH, đặc biệt tham gia Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 16 (COP 16) ở Cancun (Mehico); Tổ chức thành công Diễn đàn BĐKH Á - Âu và xây dựng Tuyên bố chung ASEAN về BĐKH; Xây dựng và hoàn thiện Chiến lược quốc gia về BĐKH.

Kế hoạch thời gian tới

Theo PGS, TS Trần Thục - Viện trưởng Viện Khoa học khí tượng thủy văn và môi trường: Việt Nam sẽ tiếp tục có những chương trình, hoạt động cụ thể nhằm ứng phó với BĐKH. Theo đó sẽ phê duyệt và triển khai Chương trình khoa học công nghệ quốc gia về BĐKH do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì; Hoàn thiện kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH của các Bộ ngành, địa phương giai đoạn 2011-2015; Thực hiện lồng nghép vấn đề BĐKH vào quá tình xây dựng Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm (2011-2020) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì; Xây dựng chương trình, giáo trình, tài liệu về BĐKH phục vụ giảng dạy trong hệ thống giáo dục quốc gia do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì; tiếp tục vận động tài trợ của cộng đồng quốc tế về BĐKH; Cập nhật bổ sung các kịch bản về BĐKH; Tổ chức diễn đàn Đông Á về BĐKH.

Bên cạnh đó, tranh thủ sự hỗ trợ nguồn lực và kỹ thuật từ quốc tế để chủ động ứng phó với BĐKH, trong đó đặc biệt quan tâm đến phát triển nền công nghiệp xanh, sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch như gió, mặt trời, và đẩy nhanh các dự án trồng rừng, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào trồng rừng kinh tế./.

Nguồn tin:http://vea.gov.vn