Tin tức

Tái khẳng định sự tồn tại của Nghị định thư Kyoto 01/09/2011

0
Ngày 30/8, Thư ký hành pháp Nhóm cấp cao về phát triển bền vững thế giới (GSP) của Tổng Thư ký Liên hợp quốc, ông Janos Pasztor, đã tuyên bố nêu rõ việc kéo dài nghị định thư Kyoto là đặc biệt quan trọng, đồng thời khẳng định rằng: “giai đoạn cam kết đầu tiên đã hoàn thành song Nghị định thư sẽ không bao giờ chết”.

Vào thời điểm hiện tại, tương lai của Nghị định thư Kyoto, văn bản quốc tế duy nhất quy định nghĩa vụ bắt buộc cho 37 quốc gia công nghiệp phải cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính tới năm 2012, được đánh giá là đang bị đe dọa nghiêm trọng. Nhật Bản, Canada và Nga đã tuyên bố hoàn toàn không có dự định tiếp tục duy trì sự tham gia của họ vào Nghị định thư và Mỹ cũng tuyên bố không bao giờ ký vào văn bản quan trọng này.

Vòng đàm phán lớn nhất về khí hậu, vốn được dự kiến tổ chức vào cuối năm nay tại Nam Phi, sẽ một lần nữa xem xét khả năng cũng như lên tiếng kêu gọi các quốc gia ký vào một giai đoạn mới trong khuôn khổ Nghị định thư Kyoto.

Cho tới thời điểm hiện tại, cộng đồng quốc tế vẫn đang trăn trở trên con đường đi tìm lời giải cho bài toán khí hậu. Nhân loại đã để lỡ rất nhiều cơ hội và người ta vẫn tiếp tục kỳ vọng vào cuộc gặp gỡ tới đây tại Durban (Nam Phi) với mong muốn sẽ làm nên một điều kỳ diệu tại lục địa đen.

Phát biểu với giới báo chí khi đang ở thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc), ông Pasztor cho biết: “Chúng tôi có thể nghiên cứu biện pháp xây dựng một thỏa thuận mới vào thời điểm này, tuy nhiên, điều cực kỳ quan trọng là có được một thỏa thuận theo đúng như tính chất của Kyoto”.



Nhóm cấp cao về phát triển bền vững thế giới được Tổng Thư ký Liên hợp quốc thiết lập vào tháng 8/2010 có nhiệm vụ tập trung nghiên cứu, xây dựng các biện pháp áp dụng lịch trình phát triển bền vững vào thực tế nhằm loại bỏ các thách thức đặt ra trong thế kỷ XXI. Vào cuối năm nay, GSP sẽ công bố bản báo cáo tổng hợp đầu tiên.

“Tổng Thư ký sẽ cố gắng tận dụng tối đa bản báo cáo tổng hợp này để nó có thể tạo ra một hiệu ứng tích cực đối với nhiều tiến trình hoạt động liên chính phủ, chẳng hạn như chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về phát triển bền vững (Rio 2012) và các hội nghị thường niên của các bên tham gia Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu”, ông nhấn mạnh, “nếu báo cáo thành công, chúng tôi sẽ có một lộ trình chính trị khả thi”./.

Nguồn tin:http://vea.gov.vn