Tin tức

Chia sẻ thông tin về Biến đổi khí hậu với báo chí 08/11/2011

0
Sáng ngày 7/11, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức hội thảo Cập nhật và chia sẻ thông tin về Biến đổi khí hậu (BĐKH) toàn cầu và ở Việt Nam với báo chí .

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH. Ở Việt Nam trong vòng 50 năm qua, nhiệt độ trung bình đã tăng khoảng 0,5 độ C, mực nước biển đã dâng khoảng 20cm, thiên tai, đặc biệt bão, lũ và hạn hán ngày càng khốc liệt.
Đến năm 2100, nhiệt độ trung bình có thể tăng từ 2 đến 3ºC; mực nước biển trung bình có thể dâng lên 1 m. Các hiện tượng khí hậu cực đoan như bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn gây lũ, hạn hán nắng nóng, rét đậm… sẽ diễn biến ngày càng phức tạp.



Phần lớn dân số Việt Nam nằm trong các vùng bị ảnh hưởng nặng, nhất là vùng ĐBSCL, đồng bằng sông Hồng và vùng ven biển. Hậu quả của BĐKH đối với Việt Nam là nghiêm trọng và là một nguy cơ hiện hữu cho mục tiêu xóa đói giảm nghèo, cho việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ và sự phát triển bền vững của đất nước.

Tại hội thảo, ông Trần Thục, Viện trưởng Viện Khoa học khí tượng thủy văn và Môi trường đã trình bày về kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng ở Việt Nam. Kịch bản BĐKH là giả định có cơ sở khoa học về sự tiến triển trong tương lai của các mối quan hệ giữa kinh tế-xã hội, phát thải khí nhà kính và biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Từ đó đưa ra các hoạt động nhằm ứng phó với BĐKH một cách có hiệu quả.

Bà Trần Thị Minh Hà, Vụ trưởng, Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình bày về vấn đề biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh. Theo bà Hà thì việc khuyến khích tăng trưởng và phát triển kinh tế trong khi vẫn đảm bảo bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, bảo tồn đa dạng sinh học, các nguồn tài nguyên thiên nhiên và thích ứng với biến đổi khí hậu là điều mà mỗi quốc gia  hướng tới.

Ngày 2/12/2008, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức ban hành Quyết định số 158/2008/QĐ-CP phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu. Theo đó, ứng phó với BĐKH là nhiệm vụ của toàn hệ thống chính trị, của toàn xã hội, của các cấp, các ngành, các tổ chức, mọi người dân và cần được tiến hành với sự đồng thuận và quyết tâm cao, từ phạm vi địa phương, vùng, quốc gia đến toàn cầu.

 Ứng phó với BĐKH của Việt Nam gắn liền với phát triển bền vững, hướng tới nền kinh tế các-bon thấp, tận dụng các cơ hội để đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh và sức mạnh quốc gia. Việt Nam đã và đang tiến hành đồng thời các hoạt động thích ứng và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính để ứng phó hiệu quả với BĐKH, trong đó ở thời kỳ đầu thích ứng là trọng tâm.

Đến năm 2100, Việt Nam phấn đấu trở thành một quốc gia thịnh vượng, văn minh, phát triển bền vững với nền kinh tế các-bon thấp, ứng phó thành công với BĐKH và có vai trò quan trọng trong khu vực và trên thế giới.

Mục tiêu tổng quát là tăng cường năng lực thích ứng với BĐKH của con người và các hệ thống tự nhiên, phát triển nền kinh tế các-bon thấp nhằm bảo vệ và nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo đảm an ninh và phát triển bền vững quốc gia trong bối cảnh BĐKH toàn cầu và tích cực cùng cộng đồng quốc tế bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất.

Do đó, việc chia sẻ thông tin về biến đổi khí hậu toàn cầu và ở Việt Nam là điều rất cần thiết, cho thấy ý nghĩa quan trọng của việc truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng đối với  thích ứng với biến đổi khí hậu./.​

Nguồn tin:http://vea.gov.vn