Tin tức

Lụt và bài học Bangkok 02/11/2011

0
Chưa bao giờ Thủ đô Bangkok của Thái Lan lại đứng trước những khó khăn trước nguy cơ đe dọa của ngập lụt như những ngày qua. Có điều kiện tự nhiên gần như tương tự TP. HCM của Việt Nam, nguyên nhân gây ra ngập lụt đựoc xác định do lũ thượng nguồn, lượng mưa tại chỗ và tác động của thủy triều.

Trong vòng hơn chục năm gần đây, Bangkok đã kiểm soát được ngập lụt do mưa tại chỗ và thủy triều. Ngay TP.HCM cũng đã từng cử chuyên gia sang tham quan, học tập kinh nghiệm chống ngập lụt của Bangkok. Vì sao hiện nay Bangkok đang phải vật lộn với thảm họa ngập chìm bởi lũ? Ngoài nguyên nhân do biến đổi khí hậu, lượng mưa lớn bất thường ở thượng nguồn đổ về, còn có nguyên nhân do chủ quan của con người.


Cảnh ngập lụt tại Thủ đô Bangkok ngày 23/10 (Nguồn: AFP/TTXVN)

Với TP.HCM, vấn đề ngập ở đây chủ yếu là do mưa và thủy triều. Theo đánh giá hiện nay, dự án của JICA đã phát huy hiệu quả tiêu thoát nước vùng lõi nội đô nhưng cuối năm nay nếu dự kiến mực nước triều đạt đỉnh 1,58 m thì sẽ lại là thách thức lớn (hệ thống tiêu thoát thiết kế theo các thông số cũ đã lạc hậu). Hơn nữa, cần nghĩ đến kịch bản khi nước biển dâng việc thoát lũ càng khó khăn và gặp lúc thượng lưu mưa lớn vượt tần suất thiết kế, các hồ bắt buộc phải xả nước để đảm bảo an toàn cho đập thì thành phố sẽ ra sao?

Hiện tượng lún mặt đất của các đô thị nước ta tập trung ở Hà Nội và TP.HCM. Tầng đất đỡ đại bộ phận nhà từ 5 tầng trở xuống (thấp tầng) có móng nông, thuộc nền thiên nhiên nằm trên lớp vỏ đất sét yếu của TP.HCM và Hà Nội. Lớp đất này có chiều dày thay đổi từ 8 đến khoảng 15 mét từ mặt đất xuống, được nước ngầm đỡ lên với lực đẩy Archimède. Nay hút nước ngầm nhiều, làm chiều cao của lớp nước ngầm bị thấp xuống, mất đi lực đỡ, làm cho nền lún là quy luật tự nhiên. Nói một cách hình ảnh thì, loại nhà thấp tầng đang ở trên "một cái bè đang chìm". Điều đó rất đáng lo ngại hơn cả, do đang "nổi" ở tầng đất 40m trở lên. Nơi lún nhanh và nhiều là quanh giếng hút, vì tại đây hình thành phễu hoắm sâu trên mặt mức nước ngầm.

Quy hoạch đô thị nên có tầm nhìn dài hạn, tính đến tất cả mọi rủi ro, xem bài học các nước, nhất là thoát nước và sơ tán dân. Tuyệt đối không để mật độ xây dựng quá cao. Các công trình phải được thiết kế và xây dựng đồng bộ, thông số kỹ thuật hợp lý, không cấp phép xây dựng tại những nơi nguy cơ ngập cao...

Nguồn tin:http://www.monre.gov.vn