Tin tức

Hội thảo “Rủi ro biến đổi khí hậu và các tác động đối với sức khỏe: khoa học, chính sách và sự tích ứng trong bối cảnh đô thị Việt Nam”: Sẽ có hệ thống cảnh báo (14/11/2012) 14/11/2012

0
Rủi ro do biến đổi khí hậu (BĐKH) tác động đến sức khỏe người Việt Nam ra sao, đâu là biện pháp ứng phó, những thông tin này được Bộ Y tế, Trung tâm Nghiên cứu sức khỏe cộng đồng và  phát triển (COHED), Viện Môi trường và Phát triển quốc tế công bố, đánh giá tại hội thảo được tổ chức ngày 13-11, tại TP.HCM.



Người dân đối diện với nhiều bệnh dịch mới


Tại hội thảo, ông Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Quản lý  môi trường y tế (Bộ Y tế) cho biết, các nghiên cứu về tác động của BĐKH ở nước ta cho thấy nổi cộm các bệnh truyền nhiễm, thiếu chất dinh dưỡng, stress (căng thẳng), bệnh do nhiệt độ tăng cao và các rối loạn khác. Kết quả một nghiên cứu về gánh nặng nhiệt và khả năng thích nghi của những người lao động nhập cư, lao động ngoài trời và gia đình ở khu vực đô thị TP. Đà Nẵng cho thấy, trong khoảng thời gian từ  năm 2000 cho đến nay, sự thay đổi nhiệt độ và số ngày nắng nóng đã tăng lên ngày càng rõ rệt. Trong khi đó, các đối tượng làm việc ngoài trời (bán hàng rong, thợ xây, nông dân, ngư dân, bốc vác, xe ôm,…) tham gia vào cuộc khảo sát khẳng định họ chịu áp lực của nhiệt độ tại nơi làm việc rất lớn.

Theo TS. Roger Few (ĐH Đông Anglia, Anh), tại Việt Nam, nhất là tại các đô thị ven biển, ảnh hưởng của nước biển dâng dẫn tới các nguy cơ về bão, lũ, sóng thần,…Điều kiện sống như vậy cũng dễ nảy sinh nguy cơ các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là việc người dân tiếp xúc nhiều hơn với các mầm bệnh và các nguy cơ sinh học là những vấn đề đáng lo ngại. "Các nghiên cứu cho thấy, BĐKH tác động nhiều nhất tới người nghèo, với các vấn đề về sức khỏe và các bệnh lý liên quan như: bệnh lý về đường hô hấp, truyền nhiễm do nguồn nước ô nhiễm; thiếu lương thực, thực phẩm, thiếu dinh dưỡng,…”, TS. Roger Few cho biết.

TS. Luo Yuan – Viện Y tế cộng đồng Quảng Châu (Trung Quốc) cho biết, vừa qua đã có các thống kê chính xác về tác động của sóng nhiệt tới tỷ lệ tử vong, trong đó, đối tượng trẻ em dưới 5 tuổi và người già trên 65 tuổi bị tác động nhiều nhất và thuộc nhóm có nguy cơ cao tại 124 huyện của Quảng Đông. "Đây là những thực tế mà Việt Nam cần nghiên cứu, tìm giải pháp ứng phó”, Tiến sĩ Luo Yuan góp ý.

Lập hệ thống cảnh báo dịch bệnh do BĐKH?

Trước các nguy cơ ngày càng rõ ràng về các bệnh lý liên quan tới BĐKH, Chính phủ đã phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH, trong đó giao cho Bộ Y tế lập Ban Điều hành và triển khai kế hoạch hành động đến 2015. Ông Trần Đắc Phu cho biết, ngoài việc xây dựng cơ sở dữ liệu, lập bản đồ các khu vực bị ảnh hưởng bởi BĐKH, Bộ Y tế đang xây dựng hệ thống cảnh báo tình hình dịch bệnh trong bối cảnh BĐKH. Mô hình này nhằm có cảnh báo sớm trong ứng phó với các dịch bệnh phát sinh, có nguy cơ gây tử vong trên diện rộng.

Thạc sĩ  Vũ Thị Thu Nga, đại diện nhóm nghiên cứu từ  Trung tâm COHED, Đại học Y Hà Nội và Trung tâm Y tế Dự phòng Đà Nẵng khuyến nghị, Bộ  Y tế và các ban ngành liên quan cần phân bổ  nguồn lực cho các chiến dịch truyền thông sức khỏe cộng đồng liên quan đến BĐKH, đồng thời nâng cao kiến thức cán bộ y tế các cấp để người dân có thể dự phòng và chuẩn bị các tình huống liên quan. Bà Nga cũng yêu cầu Bộ LĐ-TB&XH cần tăng cường việc giám sát về vệ sinh an toàn lao động tại các doanh nghiệp để bảo vệ quyền lợi và sức khỏe cho người lao động, đặc biệt là lao động nhập cư - là các đối tượng có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe cao do tác động của BĐKH.

Nguồn tin:Theo baomoi.com.vn