Tin tức

GDP Việt Nam giảm do biến đổi khí hậu 12/11/2012

0
Báo cáo “Tác động của biến đổi khí hậu tới tăng trưởng và phát triển kinh tế ở Việt Nam” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phối hợp với Viện Nghiên cứu kinh tế phát triển thế giới, Đại học Copenhagen (Đan Mạch) vừa công bố chỉ ra rằng, GDP của Việt Nam có thể giảm tới 2,5% do biến đổi khí hậu.


Kết quả nghiên cứu cho thấy: khí hậu Việt Nam có thể sẽ nóng hơn trong tương lai, đến năm 2050, nhiệt độ tăng lên từ 1-2 độ. Theo đánh giá, mặc dù tác động không nhiều, song điều này có thể làm chậm lại quá trình tăng trưởng kinh tế chung của Việt Nam. Ước tính, thiệt hại do biến đổi khí hậu là khá lớn, tập trung vào những ngành và vùng dễ bị tổn thương.

Theo giả định của GS.Channing Arndt, Đại học Copenhaghen: Kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng với tốc độ 5,4%/năm với đóng góp của nông nghiệp trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm từ 16% xuống 7,6% trong giai đoạn 2007 - 2050. Đáng chú ý, tỷ trọng nông nghiệp đóng góp cho nền kinh tế trong giai đoạn 2046-2050 là không lớn, chỉ 7 - 8%, nên các cú sốc của biến đổi khí hậu không lớn lắm trên mọi khía cạnh.

Báo cáo chỉ ra rằng: Nếu như tác động của biến đổi khí hậu lên nông nghiệp là không lớn, có thể thấy, việc tăng lượng mưa hoặc tăng cường độ mưa sẽ làm đường xá xuống cấp, làm tăng các chi phí duy tu bảo dưỡng, hoặc giảm lưu thông. Cùng với đó, tăng nhiệt độ làm đường trải nhựa vốn được thiết kế để chịu được ngưỡng nhiệt độ thấp sẽ bị thiệt hại nhiều hơn, khiến nguồn lực để đầu tư mới vào đường giao thông hoặc tu dưỡng đường cũ bị giảm đi. Do đó, biến đổi khí hậu tác động đến tỷ lệ tích lũy hệ thống đường giao thông, ảnh hưởng đến năng suất của khu vực sản xuất theo thời gian.

Nếu tốc độ tăng trưởng bình quân là 5,4% hàng năm thì tốc độ tăng trưởng khi bị tác động bởi bão có thể vào khoảng 5,32% - 5,39%. Nước biển dâng tuy tác động nhẹ nhất song cũng khiến GDP giai đoạn 2046 - 2050 giảm từ 0 - 2,5%.

Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam - H.E John Nielsen cho rằng: Những chính sách phù hợp của chính phủ để thích ứng với biến đổi khí hậu có thể giúp giảm thiểu rủi ro; sự hỗ trợ của Đan Mạch nhằm nâng cao trình độ cũng như mức sống của người dân Việt Nam thông qua hỗ trợ nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững hơn, hạn chế những cản trở đến sự tăng trưởng, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp. Sự hỗ trợ này cũng hoàn toàn phù hợp khi mà Việt Nam cũng đang dần chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ số lượng sang chất lượng.

Theo khuyến cáo của nhóm chuyên gia: Chính phủ Việt Nam có thể hướng các hoạt động kinh tế tập trung và những vùng đất cao và tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Thiệt hại do BĐKH tương đối lớn và có thể hạn chế được tối đa nếu có chính sách thích ứng phù hợp.

Nguồn tin:Theo http://www.dmhcc.gov.vn